Ngày Tết, nhớ hương nước mùi già trừ tịch

Thu Duyên Đăng lúc: Thứ tư, 10/02/2021 00:04 (GMT +7)
Chiều cuối năm đun một nồi nước mùi già to để tắm đã trở thành một thói quen, một nghi thức long trọng ăn sâu trong tâm khảm của rất nhiều người Viêt.
Hashtag #Tết Nguyên đán #PODCAST #Interview

Tết về… nhớ hương nước mùi già

"Gột bao chát đắng quanh năm

Ba mươi tết, được đằm trong hương mùi

Xuân về rạo rực niềm vui

Em ngồi đun nước lá mùi đợi anh"

(Thơ Phạm Ngọc Vĩnh)

Kể cũng lạ, ngày Tết dù bận rộn đến mấy, dù nghèo khó đến mấy thì nhất định, ở miền Bắc quê tôi, chiều ba mươi Tết, nhà nào cũng phải có một nồi nước mùi già thơm nức mũi chờ đợi nơi góc bếp. Nồi nước ấy to đùng để chia cho cả nhà. 

Mùi để tắm phải là mùi già, quả đanh lại, thân chuyển tím.
Mùi để tắm phải là mùi già, quả đanh lại, thân chuyển tím.

Mỗi người khi tắm sẽ lấy vài gáo trong nồi nước thơm tho ấy, hoặc pha loãng vào nước tắm luôn, cũng có người cẩn thận hơn, tắm sơ bằng nước rồi mới tắm lại vào nước mùi. Trân quý như thể thứ nước dân dã ấy là một nghi thức hoặc cũng có thể, thứ nước thơm sâu, cay dịu, rất đỗi dân dã nhưng quá đỗi trang trọng ấy khiến người ta được gội rửa, không chỉ là da thịt mà còn là tâm trí.

Dù bây giờ cuộc sống đã có nhiều thay đổi, người ta chẳng còn thói quen đun nước lá tắm mỗi ngày; thay vào đó là những chai sữa tắm đủ sắc, đủ mùi thơm từ bình dân đến cao cấp. Nhưng cái thú tắm nước lá mùi già vào ngày Tết vẫn được duy trì như một thói quen truyền từ đời này sang đời khác mà chẳng thể bỏ. 

Nhiều lần cũng tặc lưỡi, chậc… kệ… có chai sữa tắm nước hoa, chả có mà thơm ngất à. Ấy thế mà ghé qua phiên chợ cuối năm, thấy gánh mùi già ngang qua phơ phất hương thơm thì lại như thôi miên, như mê mẩn. Cứ thế làm vài bó trở về nhà rồi háo hức đun đun nấu nấu…

Chiều cuối năm, rất nhiều chợ ở miền Bắc đều có một gian hoặc một xe mùi để nhà nhà mua về tắm trừ tịch.
Chiều cuối năm, rất nhiều chợ ở miền Bắc đều có một gian hoặc một xe mùi để nhà nhà mua về tắm trừ tịch.

Tắm nước lá mùi già cũng phải có "nghệ thuật" hẳn hoi nhé! Trước tiên là khâu chọn lựa nguyên liệu. Mùi phải là những cây già đã trổ hoa, cho ra trái và thân cây đanh lại, khi đun thân cây chuyển sang màu nâu tía mới là loại mùi đạt "tiêu chuẩn", cho vị thơm "hảo hạng" vương vất khó quên. 

Xong khâu chọn là đến khâu "sơ chế". Bó mùi được rửa cẩn thận qua nước trong để lọc bỏ bụi bẩn rồi mới xếp vào nồi. Nếu không có nồi đất thì đun bằng nồi gang đúc loại dày để nước mùi già được giữ ấm lâu hơn. Đun nước mùi già sôi khoảng năm phút, khi thấy hương thơm cay nồng, ngào ngạt lan toả thì tắt bếp rồi chế thêm vài phần nước lạnh nữa cho đủ phần nước tắm. Thế là đã có một nồi nước "thiên thai" để gột rửa mọi bụi bặm, muộn phiền vương vấn của năm cũ. 

Nước mùi già không chỉ làm sạch da thịt mà còn làm sạch tâm trí.
Nước mùi già không chỉ làm sạch da thịt mà còn làm sạch tâm trí.

Hương mùi già có nét đặc trưng là đọng mùi rất lâu. Có khi "ba ngày không tắm" mà vẫn còn hương thơm phảng phất đến là ngây ngất. Cái thói quen tắm nước lá mùi già vào chiều cuối năm không chỉ bởi mùi thơm đượm vị đồng quê ấy mà còn bởi nước lá mùi già còn là vị thuốc quý giúp thần kinh thư giãn, chống viêm nhiễm, mẩn ngứa, cho cơ thể không những thơm tho mà còn sạch sẽ để sẵn sàng đón chào năm mới với nhiều hy vọng về sức khoẻ, bình an, may mắn…

Chả thế mà chẳng biết từ bao giờ, cái thú tắm nước lá mùi già vào ngày cuối năm cứ được truyền từ đời này sang đời khác thành một phong tục đẹp đẽ, gợi nhớ đến khoảnh khắc sum vầy của gia đình sau cả năm mải mê "cơm áo gạo tiền".

Cái khoảnh khắc cầm gáo nước lá mùi già ấm áp, thơm mùi đồng quê dội khắp cơ thể giống như trở về trọn vẹn với chính mình. Được chốc lát "quẳng gánh lo đi" mặc cho tâm hồn miên man theo dòng nước thơm, dịu dàng mơn man khắp cơ thể; để đắm mình trong nồi nước thơm đặc trưng nơi bình yên đồng nội; và để mơ về một năm mới an yên, ngọt ngào, nồng ấm như hương nước mùi già!

Mâm cỗ Tết cổ truyền miền Bắc: Từng món ăn đều lưu giữ nét văn hóa Việt Những món mứt Tết truyền thống của người miền Bắc Mâm cỗ Tết Quảng Nam truyền thống đặc sắc tới mức nào?
Copy URL

Bình luận

Tin đáng chú ý

Chủ đề mới trên 2Đẹp