Từ ngày nhỏ, tôi đã luôn tâm niệm, thà sống cả tin rồi bị lừa, chút tiền bạc ngoài thân chẳng đáng giá, mất thì có thể làm lại được, còn hơn suốt ngày nghi kị, đề phòng, đầu óc mệt mỏi thật khó chịu. Nhưng đúng là số phận không cho mình được thoải mái “ngốc nghếch”, bởi đến tuổi bươn chải ngoài xã hội, xung quanh lại lắm kẻ đa nghi. Nhiều người đa nghi tới mức “phát rồ phát dại”, phiên dịch từng hành động của người khác thành những âm mưu, khiến mọi người xung quanh mệt không tải nổi.
Những người mắc bệnh đa nghi thường do ba nguyên nhân chính. Thứ nhất, vì họ cũng hay ủ mưu với người khác. Kẻ hay dối gian, tính kế bao giờ cũng nghĩ xã hội ai cũng giống mình, sử dụng mưu mẹo để che lấp những toan tính của bản thân. Bởi vậy, họ mang tâm lý đề phòng cao, sợ bị hại. Kiểu người thứ hai quá kiêu ngạo, họ tự coi mình là nhất, chỉ những gì đích thân họ làm, hoặc những gì làm theo kiểu của họ mới là đúng, còn người khác nếu làm lệch đi là do có âm mưu khác, là cố tình. Thứ ba, là người thiếu óc quan sát và sự phán đoán. Không nhận biết được sự việc dẫn đến nghi kị, khó chịu, mình không hiểu rõ nhưng lại nghĩ rằng người ta đang o ép, đang cố tình có âm mưu phía sau.
Ấy vậy mà nhiều người vẫn coi sự đa nghi như một dấu hiệu của sự khôn, cái gì cũng biết, cái gì cũng quản, lồng lộn lên với mỗi một hành động, lời nói của người khác. Có người đa nghi nhưng âm thầm găm trong bụng, để điều tra, quan sát khi “bắt tận tay, day tận mặt” mới ba mặt một lời. Tôi sợ nhất những người đã đa nghi, còn “miệng nhanh hơn não”, chưa chi đã làm ầm ĩ, buông lời đổ tội cho người khác mà không cần biết sự đa nghi ấy có đúng hay không.
Nhiều người biện hộ do nóng tính, bộc phát đó rồi lại thôi. Nhưng những lời áp đặt, thậm chí là hạ thấp giá trị con người có tính sát thương vô cùng lớn. Bạo hành bằng lời nói cũng đớn đau không kém bạo hành bằng vũ lực. Bạn chưa hề có bằng chứng, chỉ mới là những suy diễn trong đầu nhưng đã vội buông lời hạ nhục, kết tội, thậm chí hình thành định kiến với người khác.
Nếu người đa nghi lại là một người có địa vị xã hội, thì thật đớn đau thay cho đối tượng bị họ áp đặt, quy án. Người đa nghi thường có câu mở miệng “Tôi chẳng biết rõ quá”. Nhưng xin thưa rằng, bạn phải quan sát thật kỹ càng sự việc, hiện tượng một cách khách quan, thậm chí nếu có thể nên quan sát cả chính bản thân mình để có cách đối nhân xử thế phù hợp. Đừng tự cho mình cái quyền làm tổn thương người khác để bảo vệ chính bản thân mình, thưa người đa nghi!
Có một nhà thơ Nga từng viết:
“Trong chúng ta, ai là người đau khổ nhất?
Đau khổ nhất là người chẳng tin ai".
Thật vậy, sống đa nghi chi cho thêm bận rộn, bận rộn suy tính, bận rộn kiểm tra lại mọi điều người khác làm, bận rộn bày mưu tính kế. Giống như Tào Tháo, chết rồi mà tâm vẫn chẳng an yên!
Bình luận