Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những đô thị đông dân nhất tại Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung. Cuộc sống thành thị “đất chật người đông” hầu như lúc nào cũng tấp nập, bộn bề những lo toan, chẳng những trong công việc mà ngay cả không gian sống của con người cũng chật hẹp, tù túng.
Từ đầu năm 2020 cho đến tận hôm nay, để đối phó với những vấn đề về dịch vẫn, con người càng dễ “mắc kẹt” nhiều hơn khi phải thường xuyên làm việc tại nhà, quẩn quanh trong 4 bức tường, thiếu đi sự giao tiếp xã hội. Nhà lúc này không chỉ là nơi để ở mà còn là nơi làm việc. Chính vì thế, dự án “PHI House” - một loại hình nhà ở mới - do UX Space thiết kế trong bối cảnh đặc biệt của Sài Gòn cũng như ứng phó với những thay đổi, thách thức trong hiện thực, kể cả khi đã trở về cuộc sống “bình thường mới”.
Là một mô hình kiến trúc thông minh, linh hoạt, khái niệm thiết của “PHI House” được tạo nên bằng cách ghép các chữ cái viết tắt của các yếu tố:
P: Pace - tốc độ
H: Hybrid - kết hợp, lai tạo
I: Introvert personality - tính hướng nội
P: Pace - Tốc độ “nhanh” trong không gian “chậm”
UX Space có triết lý thiết kế của riêng mình, sứ mệnh của họ là giúp cho các thành viên trong gia đình có được một cơ hội sống chậm lại để trải nghiệm nhiều hơn, không chỉ trong mùa đại dịch mà bất cứ khoảng thời gian nào cũng vậy. Thời gian và sức khỏe của con người chính là điều cần trân trọng hơn cả. Tại PHI House, thời gian như ngưng tụ lại, thể hiện trong giải pháp thiết kế, tạo nên những khoảng không nhẹ nhàng, tĩnh tại, chậm rãi vô cùng.
Bên cạnh đó, yếu tố tài chính, giới hạn nguồn ngân sách cũng như tính cấp thiết của việc chuyển sang nhà mới cũng đặt ra khá nhiều thách thức đối với đội ngũ thiết kế. Chính vì vậy, phong cách tối giản là lựa chọn phù hợp hơn cả. Giải pháp này vừa giúp giảm chi phí xây dựng, tiết kiệm thời gian lắp đặt, vừa vặn với ngân sách, đồng thời mang lại những khoảng trống để chủ sở hữu linh động hơn trong việc sử dụng không gian.
H: Hybrid - Ngôi nhà của sự kết hợp và “lai tạo”
Bước vào không gian của PHI House, chúng ta sẽ không tìm thấy được một ranh giới cụ thể nào giữa các khu vực chức năng, chẳng hạn như phòng bếp và phòng ăn, phòng ngủ và phòng làm việc, sự lưu thông trong nhà và các hệ thống lưu trữ,... Đội ngũ của UX Space đã kết hợp không gian dọc theo hành lang chính, xác định bởi một kệ gắn sẵn, chiều dài 14 mét.
Kệ được dùng cho các mục đích lưu trữ, sắp xếp vật dụng phòng bếp, tủ thức ăn, kệ sách, kệ giày dép, cả những thiết bị cồng kềnh như tủ lạnh, máy giặt,... đều bố trí rất gọn gàng, khoa học, "lấp đầy" trong một cấu trúc có trật tự tạo nên sự linh hoạt và đa dạng trong sinh hoạt của con người. Ngoài ra, điểm thú vị nhất của PHI House không chỉ thể hiện ở cách bố trí công năng mà còn ở các mặt cắt của không gian.
I: Introvert personality - Tính hướng nội của chủ nhân
Khác với mô hình nhà phố điển hình tại Sài gòn, PHI House không “mở ra” bên ngoài mà “quay vào” bên trong. Hai mặt tiền - cả mặt trước và mặt sau - đều cực kỳ tối giản, chỉ với một khoảng mở đủ để đón sáng và thông gió, hạn chế khói bụi và tiếng ồn, còn lại dành tất cả không gian khép kín cho sự riêng tư của gia chủ.
Introvert personality được hiểu là trong P-H-I là tính hướng nội của con người, nhưng không đồng nghĩa với việc thu mình vào vỏ ốc. Ngôi nhà mang tính “hướng nội” được thiết kế để con người có thể quan sát từ trong ra ngoài để cảm nhận trọn vẹn hơn nơi mình đang sinh sống và nhận được nguồn năng lượng từ chính các yếu tố bên trong, thay vì tìm kiếm ở ngoài.
Khu vực cầu thang và nhà vệ sinh được bố trí ở phía trước nhà, nhường chỗ cho sân trong làm trung tâm ngôi nhà. Phòng khách, bếp, phòng ăn và các phòng ngủ được bố trí giữa hai sân trong tạo nên sự thông thoáng, ngập tràn ánh sáng và năng lượng tích cực. Có thể nói, PHI House là công trình được KTS Nguyễn Nhật Linh cũng như các cộng sự tại UX Space thiết kế như một “ốc đảo” riêng tư, thuần túy, sáng tạo để chủ nhân thể hiện được cá tính của mình ở từng góc nhỏ trong nhà.
Một số hình ảnh sơ đồ thiết kế PHI House do UX Space cung cấp:
Thông tin công trình
Tên công trình: PHI House
Thiết kế: UX Space
KTS trưởng: Nguyễn Nhật Linh
Concept Design: Nguyễn Nhật Linh, Lê Quỳnh Như
Diện tích: 120m²
Năm hoàn thành: 2021
Địa điểm: TP. Hồ Chí Minh
Hình ảnh: Nguyễn Nhật Linh
Bình luận