Sống tối giản kiểu Nhật: Niềm vui ít đồ

Lệ Nguyễn Đăng lúc: Thứ sáu, 28/08/2020 08:47 (GMT +7)
Bớt đi chút đồ không làm cho cuộc sống thiếu thốn mà chỉ trở nên hạnh phúc hơn. Đó là triết lý của lối sống tối giản kiểu Nhật.

Danshari - Từ chối, vứt bỏ, tránh xa

Lối sống tối giản được người Nhật gọi là Danshari, bao gồm ba ký tự: Dan (từ chối), Sha (vứt bỏ) và Ri (tránh xa).

Vốn dĩ Danshari là một phương pháp yoga chữa tâm lý tiếc của. Nó được người Nhật áp dụng để giúp  giải phóng bản thân khỏi sự lệ thuộc vào đồ vật.

Người Nhật được biết đến với lối sống giản dị và có thiên hướng thiền định. Trước khi có trào lưu Danshari, người dân xứ sở mặt trời mọc đã sinh hoạt với rất ít đồ đạc do chịu ảnh hưởng từ Thiền Tông (Zen Buddhism). Triết lý Thiền Tông cho rằng, khi con người càng ít bị ràng buộc bởi vật chất thì đời sống tinh thần sẽ càng thanh thản và nhẹ nhàng hơn.

Thực hành lối sống này, người dân đất nước Phù Tang chủ động giảm bớt đồ dùng không cần thiết để đầu tư thời gian và tâm sức vào các giá trị bền vững khác trong cuộc sống.

Phong cách sống đơn giản kiểu Nhật có nguồn gốc từ phái Thiền Tông. (Ảnh: Internet)
Phong cách sống đơn giản kiểu Nhật có nguồn gốc từ phái Thiền Tông. (Ảnh: Internet)

Người Nhật cho rằng chẳng có ai từ khi sinh ra đã có tài sản, đồ đạc gì trong tay. Vậy nên bất cứ ai khi mới chào đời đều là những người sống tối giản. 

Cứ mỗi lần bạn sở hữu trong tay những đồ dùng hơn mức cần thiết là một lần bạn lấy mất tự do của chính mình.

Đa số người Nhật hiện đại đều ưa thích cuộc sống tối giản, ít vật dụng. Bỏ bớt đồ đạc giúp họ rũ bớt gánh nặng là phải bảo quản nó, chăm sóc nó, sắp xếp và nhớ đến sự tồn tại của nó.

Hơn nữa, tối giản vật dụng còn đặc biệt phù hợp với cuộc sống thay đổi chỗ ở liên tục của người trẻ và gia đình trẻ. Do tính chất công việc, hay do sự bất ổn định của việc thuê nhà ở thành phố lớn, không gian sống càng ít đồ đạc thì mỗi lần thay đổi chỗ ở càng trở nên nhẹ nhàng, gọn gàng, nhanh chóng.

Không gian sống càng ít đồ đạc thì mỗi lần thay đổi chỗ ở càng trở nên nhẹ nhàng, nhanh chóng. (Ảnh: Internet)
Không gian sống càng ít đồ đạc thì mỗi lần thay đổi chỗ ở càng trở nên nhẹ nhàng, nhanh chóng. (Ảnh: Internet)

Không những vậy, vì là một đất nước thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, đồ đạc ít đi cũng giúp cho người Nhật không bị chấn thương bởi chúng trong những cơn bão hay động đất. Họ cũng không còn tốn kém quá nhiều chi phí để mua lại đồ đạc khi nhà cửa bị hư hại sau những đợt sóng thần, lũ quét.

Triết lý về sự tối giản

Vượt lên trên một phong cách sống, lối sống tối giản kiểu Nhật còn mang triết lý nhân sinh sâu sắc. 

Lối sống tối giản cho phép con người đơn giản hóa cuộc sống và tự tách mình khỏi sự ràng buộc với những đồ đạc không cần thiết. Khi chuyển sự tập trung từ những thứ không cần thiết sang những điều quan trọng, thiết thực hơn, con người nhận diện cuộc sống rành mạch, sáng tỏ hơn. Đó là lý do mà những người sống tối giản luôn cảm thấy vui vẻ, mới lạ mỗi ngày.

Vượt lên trên một phong cách sống, lối sống tối giản kiểu Nhật còn mang triết lý nhân sinh. (Ảnh: Internet)
Vượt lên trên một phong cách sống, lối sống tối giản kiểu Nhật còn mang triết lý nhân sinh. (Ảnh: Internet)

Cũng vì thế, vứt bớt đồ đạc không phải là mục đích cuối cùng của lối sống tối giản. Đó chỉ là một phương tiện giúp ta nhận rõ đâu mới là điều quan trọng thực sự trong cuộc sống của mình.

Nói cách khác, để có thể chú tâm vào những việc quan trọng, hãy loại bỏ những việc không quan trọng. Đây chính là mấu chốt cho sự thành công trong mọi lĩnh vực của đời sống.

Copy URL

Bình luận

Chủ đề mới trên 2Đẹp