Không chỉ riêng Việt Nam mà văn hóa Á Đông ghi nhận, màu vàng là màu dành riêng cho tầng lớp quý tộc. Nếu dân thường nào tự ý dám mặc, chắc chắn sẽ bị khép tội chết.
Nhưng có bao giờ bạn thắc mắc: Tại sao lại có một màu dành riêng cho một tầng lớp? Và tại sao lại là màu vàng?
Màu sắc trong văn hóa Á Đông không chỉ đơn thuần là một khái niệm mà còn đại diện cho sự phân tầng xã hội.
Khởi nguồn từ nhà Chu của Trung Quốc (1046 – 256 trước Công Nguyên). Thời bấy giờ đã có một hệ thống rõ rệt phân chia màu sắc, chất liệu và hoa văn của phục trang cho từng giai cấp trong xã hội.
Qua đến thời nhà Tần (221 – 207 trước Công Nguyên) bắt đầu xuất hiện sự phân biệt rõ nét hơn. Hệ thống màu sắc này đã được truyền đến Văn Lang (Việt Nam cổ đại) khi Trung Quốc đô hộ nước ta.
Người xưa lấy 5 màu cơ bản xanh đỏ, vàng, trắng, đen là chính sắc (màu gốc). Lấy chính sắc phối hợp với các hướng thì hướng đông màu xanh, hướng nam màu đỏ, hướng tây màu trắng, hướng bắc màu đen và màu vàng ở chính giữa và gọi là trung ương sắc. Vua chúa xưa luôn tự coi mình là thiên tử, con của trời, là trung tâm vũ trụ nên chính vì vậy, màu vàng trở thành sắc màu được các bậc vương giả lựa chọn.
Ở Việt Nam, sử sách ghi rằng: Trong quá khứ, màu vàng được dùng phổ biến trong cộng đồng từ dân thường tới bậc đế vương. Thế nhưng, kể từ năm 1182, triều đình thắt chặt quy định: dân hèn nào dám mặc màu vàng thì sẽ xử chết.
Dưới thời Nguyễn, thậm chí sự phân chia giai cấp trong chính tầng lớp cầm quyền còn rõ ràng hơn qua sắc độ màu vàng.
Sắc vàng không chỉ có một mà còn được phân chia theo các cấp độ màu. Sắc vàng đậm nhất (hoàng) gồm màu đất sét vàng (hoàng thổ) và vàng nghệ được gọi là chính hoàng và chỉ được dùng riêng cho vua.
Tiếp tới là vàng lông chim yến có sắc độ nhạt hơn. Màu này thường dùng cho hoàng thái hậu.
Đẳng cấp vàng thứ hai là hỏa hoàng hay màu vàng cam. Sắc vàng này thường dùng cho hoàng thái tử, trưởng công chúa và thân vương. Sắc vàng cuối cùng là vàng đồng dành cho quan lại trong chiều.
Năm 1934, dưới triều Nguyễn, khi vua Bảo Đại thành hôn với cô Nguyễn Hữu Thị Lan, vua đã ban đặc chỉ phong cô làm Nam Phương Hoàng Hậu và cho phép cô dùng màu hỏa hoàng, điều này đi ngược lại quy định đã có hàng trăm năm của nhà Nguyễn chỉ cho phép phong Hậu khi vợ vua đã qua đời. Những sự phá lệ liên tiếp này cho thấy sự ưu ái rất lớn mà vua Bảo Đại dành cho Nam Phương Hoàng Hậu.
Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, chế độ phong kiến chính thức bị phá bỏ, những màu sắc đã chính thức trở về với ý niệm nguyên sơ nhất của nó: làm đẹp cho cuộc sống.
Bình luận