Xà phòng rửa bát là chất tẩy rửa quen thuộc có mặt trong hầu hết căn bếp của các gia đình. Đây được xem là một trong những sản phẩm an toàn và dịu nhẹ, ít gây kích ứng hay độc hại cho người sử dụng. Bản chất “nhẹ nhàng” của loại xà phòng này khiến nó có thể làm sạch nhiều khu vực, đồ dùng trong nhà hơn là chỉ quanh quẩn với bát đĩa trong bếp. Muốn biết thêm công dụng của nó, bạn hãy tham khảo bài viết này nhé!
Lưu ý: Một số ít loại xà phòng rửa bát chứa hóa chất Phosphate (phốt phát) giúp làm sạch nhưng lại gây nguy hiểm cho môi trường. Một số khác lại chứa hợp chất Triclosan có thể gây cản trở quá trình phân hủy chất thải của vi sinh vật tại các cơ sở xử lý nước thải. Vì vậy, dù sử dụng xà phòng rửa bát cho mục đích gì, bạn cũng cần kiểm tra nhãn sản phẩm để đảm bảo nó không chứa Phosphate hoặc Triclosan.
1. Vệ sinh ngoại thất
Chúng tôi đã từng giới thiệu công dụng khác của xà phòng rửa bát ở một bài viết trước đây, phần lớn áp dụng cho nội thất. Bên cạnh đó, những thứ cần dọn dẹp ngoài trời cũng hoàn toàn có thể sử dụng chất tẩy rửa này. Khi cần làm sạch bàn ghế ngoài sân, bếp nướng BBQ, vết dầu mỡ trên sàn bê tông,... hãy vào bếp lấy ngay chai nước rửa bát!
- Đồ đạc ngoài sân
Bạn có thể cho một lượng nhỏ xà phòng rửa bát vào một bát nước ấm, khuấy đều rồi dùng để vệ sinh các món đồ bằng nhựa hay kim loại. Sau khi lau chùi bằng miếng bọt biển, hãy dùng vòi xịt (loại vòi lớn tưới cây) để xịt hết dung dịch dư thừa bám trên chúng. Lưu ý, cách này không áp dụng với đồ đạc bằng gỗ.
- Bếp nướng BBQ
Không gian ngoài trời cực kỳ phù hợp cho những bữa tiệc nướng cuối tuần. Thế nhưng công đoạn dọn dẹp sau tiệc rất dễ gây chán nản. Vì thế, càng sớm càng tốt, bạn hãy vệ sinh vỉ nướng và vỉ đốt bằng cách pha hỗn hợp xà phòng rửa bát với nước ấm để chà sạch cặn dầu mỡ bám trên thành vỉ. Rửa thật kỹ trước khi sử dụng trở lại.
- Sàn bê tông
Sàn bê tông ngoài hiên nhà, sân vườn, chỗ đậu xe,... cũng có thể được làm sạch dễ dàng bằng cách rắc lên vết bẩn 1 lớp bột baking soda, sau đó đổ trực tiếp xà phòng rửa bát không pha loãng lên trên lớp bột. Chà vết bẩn bằng bàn chải nhựa, để yên trong vài giờ, rửa sạch lại khu vực bị ố vàng một lần nữa. Lặp lại nếu cần thiết.
2. Vệ sinh rèm sáo
Rèm cửa là món đồ dễ bị bám bụi và vi khuẩn nhưng lại ít được chủ nhân quan tâm vệ sinh sạch sẽ. Đối với rèm vải, bạn dễ dàng tháo xuống và cho vào máy giặt, bấm nút và chờ đợi. Riêng đối với loại rèm sáo thì bạn phải tự tay vệ sinh bằng cách gỡ rèm xuống và làm sạch từng lưỡi. Công việc vệ sinh sẽ nhanh chóng hơn khi bạn dùng xà phòng rửa bát pha với nước ấm để vết bẩn bám lâu ngày trên rèm được đánh bay nhanh chóng.
3. Đánh bay dầu mỡ trên tủ bếp
Mặt bàn bếp được bà nội trợ vệ sinh thường xuyên ngay sau mỗi lần nấu. Nhưng tủ bếp lại ít được “chăm sóc” hơn, về lâu dài vết dầu mỡ, thức ăn tung tóe trong quá trình chế biến sẽ tạo thành một lớp dày trên bề mặt tủ, tạo điều kiện cho khói và bụi bẩn dễ bám vào hơn.
Vì vậy, hãy thường xuyên vệ sinh tủ bếp bằng cách hòa 2 thìa xà phòng vào chén nước ấm rồi tiến hành lau chùi. Vì xà phòng rửa bát có thể đánh bay dầu mỡ trên xoong chảo, bát đĩa nên nó vẫn hoạt động tốt trên bề mặt tủ bếp. Thực hiện định kỳ sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian khi đến thời điểm cần làm sạch sâu nội thất trong bếp.
4. Xử lý vết bẩn trên tấm thảm
Vết bẩn trên thảm trải sàn, thảm chùi chân vừa mới xuất hiện có thể được xử lý ngay tại chỗ bằng cách hòa 1 thìa xà phòng rửa bát vào 2 cốc nước ấm, dùng khăn sạch màu trắng (hoặc loại vải không ra màu) thấm dung dịch lên vết bẩn. Lặp lại cho đến khi vết bẩn được loại bỏ hoàn toàn. Nhúng khăn vào nước lạnh để vệ sinh lần cuối. Thấm khô bằng khăn vải hoặc khăn giấy.
5. Vệ sinh bộ lọc điều hòa không khí
Chúng ta vừa trải qua một mùa đông rét mướt và chiếc máy lạnh hầu như “đóng băng” trong thời điểm này. Máy điều hòa không khí ngưng hoạt động không có nghĩa là nó không cần được vệ sinh, đặc biệt là bộ lọc của máy. Hãy gỡ bộ lọc xuống, dùng xà phòng rửa bát và bàn chải đánh răng cũ chà nhẹ nhàng, rửa sạch rồi lau khô, sẵn sàng sử dụng cho mùa Xuân - Hè sắp đến.
Bình luận