Tweed (đọc là tuýt) là một chất liệu đan dệt (knit), thường sợi vải làm nên tweed sẽ dày dặn, hơi thô, có kiểu đan không quá chặt tay.
Có nguồn tin cho rằng, thực chất, loại vải này vốn được gọi là tweel (đọc như twill). Nhưng vào năm 1826, một thương gia tại London đã viết chữ tweel thành chữ tweed. Có thể chỉ là ông viết sai chính tả, hay cũng có thể ông nghĩ đây là vải đến từ vùng Tweed của Scotland nên mới có tên viết như vậy, nhưng tóm lại thì từ đó trở về sau, không còn ai gọi chúng là vải tweel nữa.
Vải tweed là một chất liệu đã tồn tại hàng trăm năm từ những năm 1800 trong văn hóa của Anh.
Thuở sơ khai, vải tweed vốn được làm từ sợi len nguyên chất, rất dày, nặng và thô sần, ít màu sắc. Từ những sợi len nguyên chất kết hợp với kĩ thuật dệt vải đã tạo nên những thước vải ấm áp và dày dặn, cùng với khả năng chống giá rét, phù hợp với khí hậu ẩm ướt và lạnh lẽo của đất nước sương mù. Chính vì thế nó được dùng làm may áo khoác hay mũ nón - vị cứu tinh cho người lao động Anh.
Thập niên 1830, những ưu điểm chống giá rét vượt trội của vải tweed được giới quý tộc Anh thích thú khiến tweed được ưa chuộng để may áo khoác cho người hầu trong nhà. Còn các gia đình quý tộc thì đặt dệt vải tweed theo màu sắc và sở thích riêng của mình.
Vào năm 1848, Hoàng tử của Vương quốc Anh đến vùng Balmoral ở Scotland mặc chiếc áo vải tweed đi săn bắn. Hoàng tử tỏ ra rất yêu thích chất liệu này và đã ra lệnh dùng loại vải này để may tất cả các trang phục săn bắn trong hoàng gia.
Lúc này, tweed trở nên thịnh hành, thông dụng trong tất cả các hoạt động thể thao và săn bắn ngoài trời của giới quý tộc Anh. Chẳng bao lâu sau thì phong cách thời trang vải tweed trở thành trào lưu được ưa chuộng nhất.
Cuối thế kỷ 18, sản xuất may mặc vải tweed đã trở thành một ngành công nghiệp. Thay vì dệt thủ công, chúng được được dệt tự động bằng guồng máy công nghiệp nên sản lượng thu được cũng vì thế mà rất lớn. Thay vì chỉ đáp ứng cho nhu cầu nội địa, loại vải này sau đó còn được xuất khẩu sang các lục địa khác.
Ban đầu loại vải này chỉ dành cho nam giới, nhưng với sự sáng tạo bất tận cùng đôi bàn tay thiết kế huyền thoại của Coco Chanel, bà đã đã biến chất liệu đan dệt thô ráp này trở thành những thiết kế hiện đại, tinh tế dành riêng cho các quý bà, quý cô.
Thiết kế của nhà mốt Coco Chanel trên chất liệu tweed cho phép phái đẹp thoải mái trong hoạt động và di chuyển, nhưng vẫn tạo được dáng vẻ sang trọng, quý phái.
Với phom dáng chắc chắn, dày dặn cùng sự lấp lánh riêng biệt, những chiếc váy tweed của Chanel là món đồ thời trang mang tính biểu tượng của sự sang trọng, cao cấp và trở thành trang phục mơ ước của mọi phụ nữ. Vào những năm 1950, thiết kế của Coco Chanel đánh dấu vai trò lớn trong giới thời trang và sự chuyển mình của người phụ nữ trong xã hội thời đó.
Đến những năm 2000, tweed được yêu thích và trở thành như một trong những biểu tượng của trang phục các gia đình giàu có tại Anh, từ ông cha cho dến con cháu trong hoàng tộc. Vì vậy vải tweed được gọi là chất liệu hoàng gia.
Cho đến nay, trong số những chất liệu dành cho mùa đông, chất liệu tweed vẫn không có đối thủ về sự tinh tế, thanh lịch và sang trọng. Từ áo khoác dài đến chân váy ngắn, từ áo giả vest cho đến quần short hiện đại, vải tweed biến hóa linh hoạt đáp ứng mọi phong cách, mọi hoàn cảnh nhưng đều làm toát lên khí chất quý cô sang chảnh cho người mặc.
Những show diễn thời trang lớn nhỏ không bao giờ thiếu vắng loại vải đẳng cấp này, từ những thương hiệu xa xỉ đến những nhãn hiệu thời trang bình dân fast-fashion. Và dù vẫn được coi là chất liệu nhận diện của Chanel, thì giờ đây tweed cũng là chất liệu yêu thích của nhiều thương hiệu khác. Cùng với mức độ phủ sóng và được yêu thích, vải tweed giờ đây đã len lỏi vào vào từng ngóc ngách của làng thời trang, từ Quốc tế đến trong nước, từ châu Âu đến châu Á.
Không chỉ dùng trong trang phục, vải tweed được dùng cho nhiều mục đích mới lạ, như làm vải may sofa, màn cửa, làm túi xách, ,...
Bình luận