10 vị trí công việc trong ngành thời trang có thể bạn chưa biết
- Lu Ân
- Đăng lúc: Thứ ba, 08/02/2022 14:57 (GMT +7)
Bên cạnh những danh xưng như người mẫu, nhà thiết kế, giám đốc sáng tạo... thì có những vị trí thú vị khác trong ngành thời trang được ít biết đến hơn.
Thời trang là ngành công nghiệp tạo ra nguồn lợi nhuận khổng lồ theo năm tháng. Không thể phủ nhận được sự phổ biến và tầm ảnh hưởng của lĩnh vực liên quan đến thiết kế quần áo, một món đồ thiết yếu đối với cuộc sống của con người.
Đi cùng với sự thành công của thời trang, không thể bỏ qua những đóng góp của các chuyên gia đã ngày đêm miệt mài và sáng tạo, mang đến sự đổi mới không ngừng cho ngành hàng này. Với những vị trí khá quen thuộc như nhà thiết kế, giám đốc sáng tạo, stylist... thì ngành thời trang thực tế cần nhiều hơn những vị trí "hậu phương" mang tính chiến lược khác.
1. Chuyên gia xác minh (Authenticity Expert)
Một trong những vấn đề luôn khiến các thương hiệu đau đầu là việc hàng nhái tràn lan ngoài thị trường, gây nhiễu loạn cho người mua hàng. Chuyên gia xác minh sẽ giữ sẽ giữ nhiệm vụ phân biệt giữa hàng thật và giả, đưa ra những đánh giá cuối cùng dựa trên kiến thức, kinh nghiệm về các sản phẩm thời trang chính hãng. Vị trí này không cần bằng cấp nhưng đòi hỏi bạn phải thật tinh ý vì độ khác nhau giữa chứng chỉ nằm ở các chi tiết rất nhỏ.
2. Chuyên viên dự báo xu hướng (Trend Forecaster)
Dựa vào tên gọi, chúng ta cũng có thể biết phần nào về nhiệm vụ của vị trí này. Bạn sẽ là người đưa ra những xu hướng qua từng năm. Nghe thì có vẻ cảm tính nhưng trên thực tế, khi là một Trend Forecaster, bạn phải nghiên cứu rất nhiều về đa lĩnh vực, đặc biệt là yếu tố kinh tế - xã hội nhằm đưa ra những xu hướng không "lệch tông" với thời đại.
3. Chuyên viên phân tích dữ liệu (Data Analyst)
Với sự phát triển nhanh đến chóng mặt của truyền thông và mạng xã hội, ngành thời trang hiện nay rất cần những chuyên viên phân tích dữ liệu có khả năng quản lý và sàng lọc thông tin người tiêu dùng qua các trang mạng xã hội, website. Tương tự như Trend Forecaster, Data Analyst sẽ đưa ra xu hướng thời trang dựa vào thông tin phân tích từ web và trang điện tử thương mại.
4. Người mua thời trang (Fashion Buyer)
Không phải là "yêu nữ hàng hiệu", người mua thời trang thường là vị trí phổ biến của những cửa hiệu quần áo kinh doanh đa thương hiệu hoặc brand riêng lẻ. Nhiệm vụ của họ là thu thập những item mang tính cốt lõi, biểu trưng cho xu hướng đương thời nhằm thu hút khách hàng. Dĩ nhiên để thành công với vai trò này, bạn cũng phải có một chút khiếu mua sắm, bắt trend nhưng mọi lựa chọn đều phải thật chuẩn xác.
5. Chuyên viên mua hàng (Merchandise Planner/ Allocator)
Không giống như Fashion Buyer, Merchandise Planner thường sẽ mua hàng dựa trên số liệu thống kê thói quen mua sắm, sản phẩm khách hàng ưa thích và sản phẩm tồn kho. Kĩ năng chính của vị trí này chính là về tiếp thị và kinh doanh. Bạn sẽ là người đàm phán với bên phân phối về mặt hàng, số lượng, thời gian giao và phê duyệt những hợp đồng dài hạn.
6. Chuyên viên phát triển sản phẩm (Product Developer)
Đây là một vị trí không lạ đối với tất cả nhóm ngành sản xuất tiêu dùng. Để thiết kế từ trên bản thảo đi đến thành phẩm, Product Developer sẽ chịu trách nhiệm về mọi thành tố hữu hình cấu tạo nên quần áo bạn đang mặc bao gồm nguồn cung ứng, chất liệu, kiểu dáng, kỹ thuật áp dụng....
7. Chuyên viên nghiên cứu vải vóc (Fabric Researcher)
Với những thương hiệu lớn và có khả năng đầu tư, họ sẽ có bộ phận riêng nghiên cứu về vải vóc, một trong những nền tảng để tạo nên sức hút của quần áo. Nhằm tăng thêm tính trải nghiệm và tạo sự đẳng cấp cho thương hiệu của mình, bộ phận nghiên cứu vải vóc sẽ không ngừng nghiên cứu để tìm tòi, tạo ra những chất liệu mới nhằm phục vụ cho mục đích trải nghiệm lâu dài của khách hàng.
8. Chuyên viên thời trang bền vững (Sustainability Officer)
Đây là một vị trí mới và hứa hẹn sẽ trở nên phổ biến trong tương lai khi thời trang đang bắt đầu đi theo hướng bền vững. Vị trí này đòi hỏi bạn là một người có khả năng quán triệt, thực thi các vấn đề liên quan đến môi trường và thời trang.
9. Quản lý quan hệ khách hàng (CRM Manager)
Để có thể đáp ứng được những mong muốn của khách hàng ngay cả trước khi họ nghĩ đến nó, vị trí này sẽ chịu trách nhiệm trong việc nghiên cứu tâm lý và thói quen tiêu dùng của khách hàng. CRM Manager được xem là cầu nối giữa khách hàng và thương hiệu, giúp họ gắn bó lâu hơn với tinh thần mà brand đề ra.
10. Chuyên gia tâm lý thời trang (Fashion Psychologist)
Bạn có biết vì sao người ta phát cuồng vì một chiếc túi Hermes hay sẵn sàng bỏ ra số tiền gấp 5 lần để sở hữu một mẫu túi giới hạn của thương hiệu nào đó? Tất cả là nhờ vào sự nghiên cứu và định hướng từ những chuyên gia tâm lý thời trang, người hiểu rõ người tiêu dùng hơn cả chính họ, đưa ra những chiến lược quảng bá hay đơn giản là một sản phẩm mang tính quyết định, khơi gợi khao khát chiếm hữu của những người yêu thời trang.