5 lý do khiến Solskjaer thất bại ở Manchester United

Ole Gunnar Solskjaer tại vị ở Man Utd gần 3 năm và chính thức kết thúc hành trình của mình sau trận thua thảm 1-4 trước Watford cuối tuần vừa qua.

Hành trình của Ole ở MU không có quá nhiều điều để nói. Bởi ông đã thất bại toàn tập trong việc đưa MU lên đỉnh bất cứ giải đấu nào họ tham dự và cũng như chẳng thể xây dựng được một tập thể rõ ràng trong lối chơi và gắn kết về tinh thần. Điều đọng lại lớn nhất trong tâm trí người hâm mộ và giới chuyên môn có lẽ là hàng loạt những quyết định sai lầm và kết quả đáng thất vọng, cùng như hình ảnh bất lực của vị chiến lược gia này ở bên ngoài đường pitch và trên băng ghế huấn luyện sau mỗi trận thua ê chề. 

Hãy cùng chúng tôi nhận định 5 sai lầm lớn nhất dẫn đến thất bại của Solskjaer tại Nhà hát của những giấc mơ.

1. Không thể định hình được lối chơi

Cần phải nói công bằng, Ole đã có thời gian không phải là ngắn ở MU, nên nhớ "người được chọn" David Moyes chỉ có chưa đầy 10 tháng, Van Gaal có chưa đến 2 năm và Mourinho cũng chỉ có hơn 2 năm tại vị ở MU mà thôi. Vậy nhưng giới chóp bu của sân Old Trafford lại kiên nhẫn bất ngờ với Ole khi tin tưởng ông tới 3 mùa giải.

Solskjaer loay hoay với các sơ đồ chiến thuật ở MU.

Đáng tiếc, trong suốt thời gian này, Ole lại thất bại trong việc thử nghiệm và định hình một lối chơi rõ ràng cho Quỷ đỏ khi loay hoay qua lại giữa sơ đồ 4 hậu vệ hay 3 trung vệ, 1 tiền đạo cắm hay 2 tiền đạo và hầu hết các thử nghiệm của ông không nhất quán khi chỉ cần 1 trận kém khởi sắc là vị HLV này sẽ lại đổi đội hình. Điều này khiến tất cả các cầu thủ chán nản và khó thích nghi.

2. Thất bại trong việc sử dụng nhân sự mình có

Solskjaer có trong tay Pogba - tiền vệ số một của ĐT Pháp và là một cầu thủ được đánh giá là tài năng bậc nhất trong số các tiền vệ cùng thế hệ, nhưng ông đã thất bại trong việc tìm ra vị trí phù hợp cho ngôi sao xứ lục lăng, Ole kéo Pogba lùi sâu và khi thấy không hiệu quả, ông đẩy anh lên vị trí tiền vệ lệch trái sở trường, khó hiểu là sau vài trận Pogba tỏa sáng nhưng có phần "đỏng đảnh", vị HLV người Na Uy lại kéo anh về phía sau. Điều này làm triệt tiêu rất nhiều cảm hứng chơi bóng của Pogba, một tiền vệ chỉ chơi hay khi "hưng phấn".

Solskjaer thất bại trong việc sử dụng Pogba.

MU có Sancho, người đã ghi dấu ấn đậm nét ở Bundesliga với lối chơi kỹ thuật và tốc độ ở hành lang cánh phải trong màu áo Dortmund, ấy thế nhưng về MU, anh bị xếp sang cánh trái, vô tình lại "va" và đường dâng cao của Luke Shaw khi ấy, cuối cùng Sancho "chột" thế nào, tất cả đều đã thấy rõ.

Ole tin dùng Fred một cách "mù quáng" khi để cầu thủ Brazil ra sân bất cứ khi nào có thể ở vị trí tiền vệ trụ, bất chấp phong độ không tốt. Nhưng liệu Fred có thực sự tệ đến thế, không hẳn, bởi ai cũng thấy cầu thủ này chơi hay thế nào trong màu áo các vũ công Samba, khi được chơi bên các máy quét đích thực là Fabinho và Casemiro. Fred sẽ đủ tốt khi được dùng đúng vị trí, và Ole không nhận ra điều đó.

Fred quá được ưu ái còn Sancho không còn là chính mình ở MU.

Harry Maguire là hậu vệ đắt giá nhất thế giới, Ole cũng không ngần ngại đeo lên tay anh tấm băng đội trưởng. Nhưng chính cầu thủ này đã hóa "gã hề" trong một chuỗi các trận đấu thất vọng. Nói không quá lời, Ole đã bị chính học trò mình tin tưởng nhất "nã" cho những đòn chí tử, góp phần sút bay chiếc ghế HLV trưởng của ông.

Hàng loạt cái tên khác bị Ole bỏ quên hoặc cố tình không muốn dùng như Van de Beek, Lingard... ngay cả khi đội bóng gặp khó khăn cũng làm nhiều người khó hiểu và đến tận khi ông phải ra đi, người ta vẫn không thể hiểu tại sao Solsa lại "ghét" nhóm cầu thủ này đến vậy.

Tin tưởng Harry Maguire là quyết định mạo hiểm của Ole.

3. Tạo ra một đội bóng yếu bản lĩnh và gục ngã cả khi danh hiệu đã đến rất gần

Giữa việc định hình lối chơi không rõ ràng, MU dưới thời Ole bỗng nhiên trở nên run rẩy trước các "ông lớn" khác như là Liverpool, Man City hay Chelsea. Khi gặp các đội bóng từng "ngồi chung mâm" với mình, tình thần "quỷ đỏ" rực lửa thời Sir Alex như biến mất hoàn toàn, khi ấy, lối chơi phổ biến của MU là cố thủ, chờ phản công hoặc cầu may, phó mặc cho các ngôi sao. Đấy không thể là bản sắc của một đội bóng từng thống trị giải ngoại  hạng Anh. Nhiều người cho là chất lượng đội hình MU không đủ để chơi sòng phẳng với các đội bóng trên, rõ ràng đây là điều không chính xác, với những De Gea, Pogba, Bruno Fernandes, Ronaldo, "hậu vệ đắt giá nhất thế giới" Harry Maguire ....Giá trị đội hình MU lên tới 1,214 tỉ tỉ euro. chỉ xếp sau "người hàng xóm" Man City mà thôi. Thế nhưng kết quả thì sao, họ bị Liverpool nghiền nát với tỉ số 0-5 và tiếp tục bị chính Man City cho phơi áo 0-2 trong một trận đấu có thế trận 1 chiều.

Gần 3 năm tại vị, Ole không giúp MU đoạt nổi lấy 1 danh hiệu, ngay cả khi lọt vào tới tận trận chung kết Europa League gặp Villarreal. Đáng lẽ ra, đây là cơ hội để Ole tạo dấu ấn, nhưng MU lại chơi tệ và để thua trên chấm phạt đền. 3 năm không có danh hiệu là điều khó có thể chấp nhận với Solskjaer và MU.

4. Tin tưởng vào một đội ngũ nhân sự ban huấn luyện yếu kém

Solskjaer có sự ủng hộ của giới thượng tầng Quỷ đỏ, ông cũng có toàn quyền lựa chọn những cái tên sát cánh và tư vấn cho mình trong ban huấn luyện. Thế nhưng những cái tên Solsa lựa chọn lại hầu hết gây thất vọng bởi sự non nớt, thiếu kinh nghiệm của mình. Cái tên giàu kiến thức nhất là Mike Phelan, nhưng ông này lại không có tác động quan trọng nào đến các trận đấu. Hai người "sát sườn" nhất với Ole là Carrick và Kieran McKenna thì rất thiếu kinh nghiệm ở đẳng cấp hàng đầu. Thật khó để nghĩ rằng những ngôi sao như Bruno Fernandes, Cristiano Ronaldo, Matic hay Pogba sẽ lắng nghe McK, một cựu HLV của đội U18, mới bước sang tuổi 35 chỉ đạo mình trong khu kỹ thuật và những ngôi sao kia sẽ tin bao nhiêu phần trăm vào lời Carrick khi mấy mùa trước, họ còn là đồng đội của nhau?

Những cái tên sát cánh với Ole trong ban huấn luyện vừa thiếu kinh nghiệm vừa thiếu cái "uy" với cầu thủ.

5. Ole quá chú trọng vào tình cảm và "truyền thống" 

Cần phải nói thêm rằng, khi quyết định đưa Solskjaer vào "chiếc ghế nóng" của MU, ban lãnh đạo đội bóng đã kỳ vọng huyền thoại MU sẽ khơi dậy sự đoàn kết và tinh thần "máu quỷ" của các cầu thủ MU trong phòng thay đồ. Đây là điều mà Van Gaal hay Mourinho không làm được. Và quả thực, "sát thủ có khuôn mặt trẻ thơ" làm điều này khá tốt nhờ sự hậu thuẫn của Sir Alex và những giá trị hào hùng của thế hệ 98 mà ông cũng là một đại diện. Các cầu thủ MU đã đoàn kết và có những giai đoạn thăng hoa thật sự, như lúc Ole mới lên nắm quyền hay thậm chí là đầu mùa giải này. Trong phòng thay đồ, các cầu thủ yêu quý Ole, truyền thống và những kỷ niệm cũ giúp Ole đưa Ronaldo về lại Old Trafford. Trong phòng họp báo, Ole không bao giờ đổ lỗi cho cầu thủ, điều mà Mourinho làm thường xuyên, Bruno thậm chí còn "cãi tay đôi" với những ý kiến trỉ trích nhắm vào Ole khi đội thất bại.

Truyền thống và quá khứ không phải là chiêu thức áp dụng thành công mãi mãi ở MU.

Thế nhưng, đó là tất cả những gì Ole làm được. Khi CLB khủng hoảng niềm tin và phong độ, khi những hô hào về truyền thống không thể là giải pháp, Solsa... hết bài, ông chẳng làm gì được thêm nữa ngoài việc dán mắt vào chiếc Ipad trong khu kỹ thuật, ngồi "thì thầm" với Carrick hay hướng ánh mắt buồn bã xa xăm hoặc khoanh tay thở dài bên ngoài đường biên. Tất cả những hình ảnh đó thể hiện cho một MU bất lực, một HLV trưởng bất lực và một niềm tin sa sút dần theo ngày tháng của các cổ động viên và ban lãnh đạo MU.

Bài liên quan

News feed