Theo thông tin từ báo Tuổi Trẻ, dữ liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy trong tuần lễ trung tuần tháng 11 số ca tử vong ở châu Âu tăng 5%, là khu vực duy nhất trên thế giới có ca tử vong tăng. Còn Nhật Bản những tuần gần đây lại có số ca nhiễm thấp bất ngờ.
Theo đó có những ngày Nhật Bản chỉ ghi nhận dưới 200 ca. Thậm chí vào ngày 7/11 nước này không ghi nhận bất kỳ ca tử vong nào.
>>> Xem thêm: Người lao động làm thêm dịp Tết sẽ được trả lương bao nhiêu?
Các chuyên gia cho rằng, con số dưới 200 mỗi ngày mà nước này ghi nhận những tuần qua là vô cùng thấp. Kể cả tỉ lệ tiêm ngừa cao (75,7% dân số), thói quen đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách xã hội tốt... cũng không giải thích được điều này.
Liên quan đến vấn đề này, Japan Times đưa tin, một nhóm các nhà nghiên cứu do giáo sư Ituro Inoue thuộc Viện Di truyền quốc gia Nhật dẫn đầu đã đưa ra một giả thuyết khá táo bạo đó là: Trong quá trình lây lan và đột biến, chủng Delta ở Nhật đã "tự tuyệt chủng".
Cụ thể hơn, nhóm này nghiên cứu và đưa ra giải thích rằng, mỗi tháng trung bình bộ gene của virus SARS-CoV-2 thay đổi với tốc độ khoảng 2 đột biến. Nhưng ở Nhật Bản, chủng Delta tích lũy quá nhiều đột biến trên "protein sửa chữa" của nó và có tên gọi là nsp14. Chính vì đột biến quá nhiều trong quá trình phân chia (trong cơ thể người bệnh) nên virus đã không kịp "vá lỗi" và dẫn đến hệ quả là chúng tự diệt.
Theo nhiều nghiên cứu trước đó, so với dân châu Âu và châu Phi, tỉ lệ dân số châu Á mang trong cơ thể loại enzyme phòng vệ APOBEC3A chuyên tấn công RNA virus, bao gồm virus SARS-CoV-2 gây Covid-19, cao hơn. Chính nhờ phát hiện này đã khiến các nhà khoa học Nhật Bản tò mò về cách mà enzyme phòng vệ APOBEC3A tác động lên protein nsp14.
Cụ thể, giáo sư Inoue cho biết: "Chúng tôi bị sốc trước phát hiện của mình... Xét thực tế ca nhiễm ở Nhật không tăng trong thời gian qua, chúng tôi nghĩ vào một chu kỳ đột biến nào đó virus đã đi thẳng vào con đường tự diệt. Nếu virus còn sống và khỏe, ca nhiễm chắc chắn phải tăng vì khẩu trang và vắc xin không thể ngăn toàn bộ lây nhiễm".
>>> Có thể bạn quan tâm: Hà Nội mưa rét, nhiệt độ xuống 14 độ C
Theo đó, kể từ lúc đạt đỉnh vào giữa tháng 8/2021, số ca nhiễm ở Nhật Bản đã giảm liên tục xuống dưới 5.000 vào giữa tháng 9. Sau đó, bất kể mọi hoạt động đã trở lại bình thường, số ca nhiễm ở nước này tiếp tục giảm xuống dưới 200 vào cuối tháng 10. Dù ở những nơi công cộng như tàu điện, nhà hàng... những ngày này tại Nhật Bản vẫn đông kín người.
Dù vậy, giáo sư Inoue vẫn cảnh báo rằng nước Nhật không vì thế mà chủ quan rằng có thể "miễn nhiễm" trước các làn sóng dịch tiếp theo (nếu có). "Chúng ta ổn vì chủng Delta ngăn không cho các chủng virus khác xâm nhập. Nhưng giờ không còn gì ngăn chúng được nữa, chỉ vắc xin không đủ giải quyết vấn đề. Tôi cho rằng các biện pháp kiểm soát nhập cảnh bây giờ là rất quan trọng" - vị chuyên gia khuyến cáo.
Bình luận