5 thứ trong phòng bếp tưởng vô hại nhưng có thể khiến chúng ta... phát ốm!
- Hạ Vũ
- Đăng lúc: Thứ tư, 28/04/2021 14:26 (GMT +7)
Phòng bếp cũng có những mối nguy hiểm rình rập, là nguyên nhân gây ra rối loạn tiêu hóa hay mầm mống bệnh tật từ những yếu tố vô cùng quen thuộc.
Phòng bếp được ví như là "trái tim của ngôi nhà". Đó là nơi chúng ta chế biến thực phẩm, nấu những món ăn ngon lành cho gia đình quây quần dùng bữa. Tuy nhiên, cũng giống như các khu vực chức năng khác trong nhà, phòng bếp cũng có những mối nguy hiểm rình rập, là nguyên nhân gây ra rối loạn tiêu hóa hay mầm mống bệnh tật từ những yếu tố vô cùng quen thuộc.
Hãy quan sát xung quanh phòng bếp của bạn để nhanh chóng vệ sinh, thay mới hoặc vứt bỏ những món đồ được liệt kê dưới đây:
1. Thức ăn hư hỏng
Hầu như trong tủ bếp, tủ lạnh của mỗi gia đình đều có một số thực phẩm hư hỏng, quá hạn. Sử dụng những thực phẩm này không chỉ gây ngộ độc mà còn ảnh hưởng đến chất lượng không khí, gây vi khuẩn, nấm mốc nếu bạn chưa kịp vứt đi. Nguy hiểm hơn nữa là không phải vi khuẩn nào gây ngộ độc thực phẩm đều có thể nếm, nhìn, hoặc ngửi thấy.
2. Khăn lau bếp
Khăn lau bếp bằng vải là vật dụng cần thiết để giảm thiểu việc sử dụng khăn giấy. Tuy nhiên, nếu bạn không giặt chúng thường xuyên thì sẽ gây nhiễm khuẩn chéo. Theo một nghiên cứu của National Sanitation Foundation International, ít nhất 75% khăn lau nhà bếp khi được kiểm tra đều có chứa vi khuẩn coliform (Salmonella hoặc E.coli). Hãy sử dụng khăn lau bếp, khăn lau bàn, khăn lau bát đĩa và khăn lau tay riêng biệt, giặt sạch (ngâm cả nước nóng) mỗi cuối ngày.
3. Thớt
Thớt giúp sơ chế thực phẩm dễ dàng và bảo vệ mặt bàn bếp của chúng ta. Nhưng với mỗi vết cắt, vết xước nhỏ và vết lõm xuất hiện trên bề mặt đều có thể chứa vi khuẩn. Nếu bạn không sử dụng thớt riêng cho thịt cá, rau củ, đồ sống và đồ chín thì việc lây nhiễm chéo có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe.
Thớt gỗ nên được rửa sạch sau mỗi lần sử dụng bằng xà phòng và nước nóng, lau khô bằng vải sạch. Không bao giờ đặt ván gỗ vào máy rửa bát vì chúng có thể bị hỏng. Nên cho thớt thủy tinh hoặc nhựa vào máy rửa bát để làm sạch kỹ lưỡng.
4. Bọt biển rửa bát
Miếng bọt biển, dù tự nhiên hay nhân tạo, đều là một cấu trúc xốp. Mặc dù những lỗ này có khả năng hấp thụ nước tràn rất tốt nhưng chúng cũng giữ độ ẩm và vi khuẩn có thể phát triển trong môi trường đó và gây bệnh. Bọt biển nên được rửa bằng xà phòng và nước nóng, đặt ở nơi có không khí lưu thông tốt để làm khô sau mỗi lần sử dụng. Nếu miếng bọt biển có mùi khét sau khi làm sạch, hãy loại bỏ nó ngay lập tức. Mùi hôi là dấu hiệu sự phát triển quá mức của vi khuẩn.
5. Tay nắm cửa tủ, núm vặn thiết bị
Các tay nắm cửa tủ bếp, tủ lạnh, núm vặn lò vi sóng, lò nướng,... được chạm vào bao nhiêu lần một ngày? Bàn tay của mọi người có sạch hoàn toàn mỗi lần chạm không? Chắc là không. Bề mặt của các món đồ này rất dễ lưu lại vi khuẩn như Salmonella, Listeria, E.coli cũng như nấm men và nấm mốc. Bất kỳ sinh vật nào trong số này đều có thể gây rối loạn tiêu hóa và một số cực kỳ nguy hiểm đối với trẻ nhỏ và người hệ miễn dịch suy yếu. Ít nhất mỗi ngày, tay nắm cửa và núm vặn thiết bị phải được làm sạch bằng khăn lau khử trùng hoặc chất tẩy rửa khử trùng dạng xịt.