Khi xem xét các yếu tố gây hại cho sức khỏe các thành viên trong gia đình, bạn nhất định không được bỏ qua phòng tắm. Vi khuẩn, nấm mốc và những mầm bệnh đều có thể ẩn náu ở những nơi có diện tích nhỏ. Bạn lau dọn phòng tắm thường xuyên nhưng chưa chắc đã không quên một vài chi tiết nhỏ. Hãy kiểm tra 5 điểm dưới đây để loại bỏ và phòng tránh những vấn đề ảnh hưởng sức khỏe phát sinh từ phòng tắm nhé!
1. Nấm mốc ở tường, sàn, trần nhà
Phòng tắm là nơi hoàn hảo cho sự phát triển của nấm mốc. Độ ẩm cao và chất thải trong quá trình tắm rửa khuyến khích sự phát triển của nấm mốc, lây lan nhanh trên các bề mặt vải, vữa, gỗ,... gây ảnh hưởng hệ hô hấp. Nếu nấm mốc xuất hiện, hãy nhanh chóng xử lý đồng thời giảm độ ẩm bằng cách tăng cường lưu thông không khí. Quạt thông gió trong phòng nên được chạy ít nhất 20 phút sau khi tắm.
2. Công tắc đèn, tay nắm cửa, vòi rửa
Không phải ai cũng chăm chỉ rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng diệt khuẩn sau mỗi lần đi vệ sinh, và bàn tay đó lại tiếp tục mở cửa phòng tắm, bật/mở công tắc đèn, vòi nước,... Những bộ phận này rất dễ bị nhiễm nấm men, vi khuẩn E.Coli và Listeria có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của các thành viên trong gia đình, đặc biệt khi ai đó đang bị cảm hoặc nhiễm vi rút. Hãy luôn chuẩn bị sẵn khăn lau khử trùng để vệ sinh các chi tiết này mỗi ngày và đừng quên rửa tay sát khuẩn sau khi đi vệ sinh.
3. Quạt thông gió bị lỗi
Quạt thông gió trong phòng tắm là thiết bị cần thiết để loại bỏ độ ẩm dư thừa tích tụ sau khi tắm. Nhưng thiết bị hiện tại của gia đình bạn có đang hoạt động hiệu quả không? Nếu quạt không được thông gió đúng cách với hệ thống thoát khí bên ngoài hoặc bên trong bị bám bụi bẩn hay phát triển nấm mốc thì hoạt động tuần hoàn của nó có thể gây nguy hiểm, khó thở cho những ai bị hen suyễn hay dị ứng.
4. Chất lượng nước kém
Nước cứng là loại nước có hàm lượng khoáng chất Canxi và Magie cao quá mức cho phép. Nếu chất lượng nước kém ẽ tích tụ các vết cặn khó coi trên đồ đạc, chưa kể hóa chất hoặc vi khuẩn thì sẽ trực tiếp gây hại đến sức khỏe. Clo thường được thêm vào hệ thống nước để kiểm soát vi khuẩn. Lượng Clo quá cao có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng hen suyễn và viêm phế quản nếu hít phải trong thời gian dài. Sử dụng bộ dụng cụ kiểm tra nước để xác định xem nước của bạn có đạt chất lượng hay không.
5. Đầu vòi hoa sen
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Colorado đã phát hiện ra rằng vòi hoa sen có thể khiến các vi khuẩn như Legionella pneumophila và Mycobacterium (một loại vi khuẩn gây bệnh lao phổi) xâm nhập vào không khí, đặc biệt gây hại cho những người bị bệnh phổi hoặc hệ thống miễn dịch suy yếu. Chính vì thế, vệ sinh vòi hoa sen định kỳ là vô cùng cần thiết. Khi bạn nhận thấy áp lực nước giảm, lượng nước phun không đều hoặc phun sang một bên thì có nghĩa là đầu vòi sen đã bị đóng cặn gây tắc tia nước. Bạn có thể sử dụng giấm trắng để làm sạch vòi sen hiệu quả theo cách chúng tôi đã hướng dẫn.
Bình luận