7 bài học giúp bạn tạo dựng một thương hiệu thời trang thành công
- Lu Ân
- Đăng lúc: Thứ hai, 05/04/2021 15:25 (GMT +7)
Kinh doanh thời trang vốn không hề dễ dàng. Hãy nắm vững 7 bài học sau trước khi tự mình kiến tạo một thương hiệu thời trang của riêng mình.
Bạn nghĩ đến những gì sẽ làm sau khi tốt nghiệp khóa học thời trang của mình? Thời trang là niềm đam mê mãnh liệt của rất nhiều người, nhưng làm sao để kinh doanh thời trang thành công lại là một bài toán nan giải. Dù cho kiến thức chuyên ngành thời trang của bạn có vững vàng đến đâu, bạn có tư duy táo bạo đến mấy thì có lẽ vẫn là chưa đủ để “chen chân” vào thị trường kinh doanh thời trang đông đúc vốn đã đầy rẫy những nhà mốt, những thương hiệu “sừng sỏ”.
Khi bắt đầu tạo dựng một thương hiệu thời trang, bạn bao giờ cũng vấp phải những khó khăn điển hình như vấn đề về nhà xưởng, showroom, cửa hàng hay vấn đề tiếp cận khách hàng. Những vấn đề này luôn là đề tài thảo luận trong các trường đại học dạy về kinh doanh thời trang, nhưng thực sự chưa bao giờ có cái gọi là giải pháp cụ thể.
Khó tránh những người bước đầu khởi nghiệp kinh doanh thời trang dễ vấp phải những sai lầm “muôn thuở” và khiến các thương hiệu thời trang trẻ dễ “chết yểu”. Nhất là khi thời trang đã trở thành một ngành công nghiệp, nó đòi hỏi sự vận hành nhanh, mạnh và không ngừng nghỉ để sản sinh ra ý tưởng và hình ảnh.
Thậm chí, bạn sẽ không có đủ thời gian để suy nghĩ nên làm gì tiếp theo, chỉ một giây chậm nhịp là bạn đã mất đi cơ hội. Chính vì thế, cần phải nắm vững 7 bài học sau để tạo dựng một thương hiệu thời trang thành công.
Sáng tạo nhưng phải thực tế
Điều khiến các nhà thiết kế thời trang luôn thất bại khi kinh doanh một phần là do họ quá chú trọng vào sự sáng tạo, ý tưởng mà bỏ qua chiến lược kinh doanh. Sự lãng mạn, bay bổng quá mức sẽ “giết chết” công việc kinh doanh của bạn nếu không sớm tìm được cách cân bằng.
Hãy luôn nhớ rằng bạn phải cân đối giữa những tư duy sáng tạo tốt và những ý tưởng kinh doanh hiệu quả. Cả hai yếu tố này cùng kết hợp mới giúp bạn thành công tạo dựng nên một thương hiệu thời trang.
Nếu bạn không thể tự làm điều đó, hãy tìm đến những người cộng sự có chuyên môn và thế mạnh bạn không có. Chính họ sẽ góp ý và điều chỉnh giúp bức tranh kinh doanh thời trang của bạn hiệu quả và thành công.
Tư duy chiến lược và lên kế hoạch kỉ lưỡng
Điều tiên quyết của một thương hiệu thành công là phải có sản phẩm chiến lược bao gồm cả kế hoạch kinh doanh cụ thể, giá niêm yết và yếu tố khác biệt so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Những tiêu chí này phải giúp bạn trả lời được những câu hỏi quan trọng như tại sao khách hàng nên mua sản phẩm của bạn thay vì của thương hiệu khác? Bạn có ưu thế gì?
Bên cạnh đó, yếu tố tư duy chiến lược cần phải đi kèm với kế hoạch và nguồn lực để thực hiện, cụ thể là tài chính và con người. Hãy chắc rằng bạn có đủ nhân lực để cùng bạn tạo dựng thương hiệu thời trang cũng như có đủ vốn để biến các ý tưởng thành sự thật.
Ngoài ra, bạn phải chuẩn bị chiến lược và ý tưởng kinh doanh tiếp nối. Nếu sản phẩm bạn tung ra thị trường được đón nhận thì bạn cần có sản phẩm mới để “thừa thắng xông lên”. Ngược lại, nếu sản phẩm của bạn không thành công thì cũng cần có những sản phẩm mới để “xoay chuyển cục diện” kinh doanh.
Tóm lại, hãy chắc chắn rằng bạn có một kế hoạch cụ thể và chỉn chu cùng những tư duy chiến lược kinh doanh đúng đắn trước khi bắt tay vào tạo dựng thương hiệu thời trang của riêng mình.
Sáng tạo sản phẩm và tương tác với khách hàng
Một thương hiệu thời trang thì sản phẩm tốt, đẹp, sáng tạo và chất lượng thôi là chưa đủ để thành công. Yếu tố tương tác với khách hàng quyết định hơn 50% thành bại của bạn.
Mấu chốt là cần phải tạo được sự tương tác tốt và trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng để họ “rung động” trước bất cứ sản phẩm nào bạn tung ra thị trường. Dần dà bạn sẽ biến họ trở thành những khách hàng trung thành và sẵn sàng mua những sản phẩm của bạn vô điều kiện. Điển hình là cách các nhà mốt hàng đầu tương tác và khiến khách hàng phải săn đuổi thương hiệu của họ như Chanel, Gucci, Dior…
Tìm người đại diện phù hợp
Một sản phẩm tốt và hoàn chỉnh chưa phải là khâu cuối cùng khi mà bạn chưa có một người đại diện để quảng bá sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Như cách ông bà ta hay nói “áo gấm đi đêm”, sản phẩm có tốt đến mấy mà thiếu người đại diện thì sẽ không thể tiếp cận được khách hàng. Hãy tìm kiếm một hoặc một vài người đại diện có tầm ảnh hưởng để xây dựng vị trí của thương hiệu và sản phẩm cho bạn. Chả trách mà các nhà mốt chi rất mạnh tay để những ngôi sao hay KOL làm đại diện độc quyền cho thương hiệu của mình. Hãy nhìn cách Kim Kardarsian hay Kylie Jenner “tẩu tán” hàng triệu sản phẩm của mình chỉ với một tấm ảnh trên Instagram, bạn sẽ hiểu vai trò quan trọng của người đại diện thương hiệu.
Trưng bày sản phẩm
Đây là công đoạn vô cùng quan trọng sau khi bạn đã tiếp cận và đưa được khách hàng tiềm năng đến với thương hiệu và sản phẩm của bạn. Cách bạn trưng bày sản phẩm cũng giống như cách các đầu bếp bày biện món ăn vậy. Trưng bày càng thu hút, bắt mắt và hấp dẫn sẽ dễ dàng thuyết phục được người tiêu dùng lựa chọn và mua sản phẩm của bạn. Chính vì vậy, các cửa hàng thời trang sẽ không thể thiếu những người làm công việc trưng bày làm cho sản phẩm của bạn đẹp hơn trong mắt khách hàng. Đồng thời yếu tố trưng bày sản phẩm cũng giúp nâng tầm giá trị thương hiệu của bạn nếu được thực hiện tốt.
Tiếp cận với mạng xã hội
Giữa kỷ nguyên của công nghệ và mạng xã hội thì việc xây dựng thương hiệu trên các nền tảng kĩ thuật số là một việc bắt buộc nếu muốn tạo dựng thương hiệu thời trang thành công. Thương hiệu của bạn không nhất thiết phải có mặt trên mọi nền tảng xã hội nhưng phải đảm bảo xuất hiện ở nơi có lượng khách hàng tiềm năng cao nhất.
Đối với thời trang thì các nền tảng lí tưởng phải kể đến Facebook, Instagram, Pinterest… Việc xây dựng được lượng người theo dõi thương hiệu của bạn trên mạng xã hội sẽ đưa những ý tưởng của thương hiệu đến gần với khách hàng hơn và dần dà thuyết phục thu hút thêm nhiều khách hàng mới.
Cân bằng giữa cá nhân và công việc
Điều cuối cùng nhưng cũng vô cùng quan trọng đó là học cách cân bằng giữa cá nhân bạn và công việc. Đối với việc kinh doanh hay bất cứ việc gì, bạn cần có sự điều chỉnh cảm xúc và tư duy mỗi ngày để tránh cái nhìn phiến diện, tư duy hạn chế và thiếu sáng tạo.
Sau thời gian làm việc hãy luôn giành thời gian cho những cảm xúc cá nhân, gác bỏ công việc và truyền thêm năng lượng tích cực. Thương hiệu bạn xây dựng sẽ phản ánh tư duy và cảm xúc của bạn rõ ràng. Nếu muốn tạo dựng một thương hiệu thời trang thành công thì hãy là một người lạc quan, sáng tạo và cảm xúc trước đã.