Bác sĩ cấp cứu lần đầu nói về tin đồn công nương Diana bị bỏ mặc đến chết
- Hải Linh
- Đăng lúc: Thứ ba, 22/06/2021 20:55 (GMT +7)
Vừa qua, cái chết bí ẩn của Công nương Diana đã được bác sĩ phẫu thuật lần đầu kể lại sau 24 năm với nhiều đồn đoán.
Tại thời điểm Công nương Diana qua đời, không ít giả thuyết đặt ra xoay quanh sự ra đi bất ngờ này. Nhiều người đồn rằng Công nương quá cố bị "bỏ mặc" đến chết vì bị ngăn cản việc được điều trị. Trước ngày kỉ niệm 60 năm nhân dịp sinh nhật của Vương phi xứ Wales, hàng loạt câu chuyện xoay quanh cuộc đời của bà đã được tái hiện trong bộ phim tài liệu dài 90 phút.
Trong đó, bác sĩ MonSef Dahman, người có mặt cấp cứu cho Công nương Diana tại thời điểm tai nạn đã lần đầu tường thuật lại hoàn cảnh lúc đó. Cụ thể, ông và đồng nghiệp đã nỗ lực hết sức để cứu sống bà. Ngoài ra, trả lời phỏng vấn độc quyền với báo Daily Mail, bác sĩ MonSef Dahman cũng bác bỏ tin đồn cố Công nương bị "bỏ mặc", không được chữa trị kip thời sau tai nạn.
Thậm chí, tại thời điểm đó, ông và các đồng nghiệp còn không biết được mình phải cấp cứu cho Công nương Diana, lệnh triệu tập của Bệnh viện Pitié-Salpêtrière chỉ yêu cầu chữa trị khẩn cấp cho 1 "người phụ nữ trẻ". Cụ thể: "Tôi đang ở trong phòng trực thì nhận được cuộc gọi từ Bruno Riou, bác sĩ gây mê cấp cao, yêu cầu tôi đến phòng cấp cứu. Họ nói rằng có một vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra liên quan đến một phụ nữ trẻ, tôi không biết đó là bà Diana.
Tổ chức của bệnh viện Pitié-Salpêtrière rất có thứ bậc. Vì vậy, khi bạn nhận được cuộc gọi từ đồng nghiệp cấp cao hơn thì đó là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Tôi di chuyển khá nhanh và sau đó nhận ra mức độ nghiêm trọng của sự việc. Riou đích thân chăm sóc bệnh nhân đang nằm trên cáng và có rất nhiều người cũng đang đứng hỗ trợ".
Nguyên nhân tử vong của Vương phí xứ Wales được cho là khoang ngực của bà bị chảy máu trong nghiêm trọng bởi 1 vết rách nhỏ ở tĩnh mạch nhưng lại nằm tại vị trí hiểm hóc, có thể gây ra tử vong. Mặc dù Giáo sư Alain Pavie đã tìm cách khâu lại vết rách nhưng trái tim của bà đã ngừng đập. Bác sĩ MonSef Dahman kể lại: "Chúng tôi đã thử tìm mọi cách để khiến trái tim bà ấy đập trở lại nhưng không thành công. Chúng tôi đã chiến đấu hết sức mình, cố gắng rất nhiều. Nhưng chúng tôi không thể cứu sống được bà ấy. Và điều đó đã ảnh hưởng chúng tôi rất nhiều".
Ngoài câu chuyện nỗ lực cứu sống người phụ nữ có tầm ảnh hưởng bậc nhất nước Anh, bác sĩ MonSef Dahman còn kể 1 câu chuyện bên lề. Theo đó, khi phát hiện đôi giày dính máu của cố Công nương vẫn ở trong viện, ông đã được 1 người đàn ông đề nghị muốn mua lại nhưng vị bác sĩ này đã từ chối và rửa sạch đôi giày.
Cuối cùng, ông cho biết việc kể lại câu chuyện về buổi tối định mệnh này để mong muốn dư luận ngừng suy diễn, đồn đoán và để cho Công nương quá cố được yên nghỉ. Ông khẳng định, trái với những tin đồn tiêu cực, ông và những người đông nghiệp đã cố gắng hết sức để cứu 1 biểu tượng của thế giới nhưng lại có kết thúc đầy bi thảm.
Sắp tới đây, vào ngày 1/7, nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày sinh của Vương phi xứ Wales, Hoàng tử William và Harry sẽ có mặt để khánh thành bức tượng của người mẹ quá cố. Đây như 1 trong những cách để những thành viên Hoàng gia cũng như người dân tại xứ sở sương mù vinh danh đến người phụ nữ có sức ảnh hưởng bậc nhất tại đất nước này.