Bạn đã nắm rõ cách giặt và bảo quản lụa tơ tằm?
- Bụng Bự
- Đăng lúc: Thứ năm, 14/01/2021 16:43 (GMT +7)
Lụa tơ tằm mong manh cần có cách bảo quản riêng.
Xưa kia, lụa tơ tằm chỉ dành cho giới quý tộc do chất liệu này mang giá thành vô cùng đắt đỏ. Lụa tơ tằm cũng khá dễ rách và dễ xước nên không phù hợp với dân lao động.
Đến thời điểm hiện tại, công nghệ thời trang đã pha trộn lụa tơ tằm với những chất liệu khác để giúp chúng bền hơn và dễ bảo quản hơn.
Lưu ý gì khi mặc lụa?
Dù đã được cải tiến, nhưng nếu chúng không dễ xước, người ta không gọi chúng là lụa tơ tằm. Điều tiên quyết để bạn bảo quản lụa đó là giúp chất liệu này tránh xa những nguy cơ chầy xước, ví dụ như tuyệt đối từ chối đeo những loại túi xách hoặc trang sức nhọn.
Bao lâu nên giặt lụa một lần?
Bạn không cần phải giặt lụa thường xuyên vì lụa có tính tự kháng khuẩn, kháng mùi tự nhiên. Nếu làm việc trong môi trường máy lạnh thì sau 3-4 lần mặc, bạn mới cần phải giặt.
Giặt lụa thế nào?
Nếu có điều kiện thì tốt nhất là mang lụa ra ngoài giặt khô/giặt hấp. Lí do: Lụa là chất liệu dễ co khi gặp nước. Ngoài ra, giặt không đúng cách sẽ khiến màu nhuộm phai ra, loang lổ và thậm chí là hỏng hoàn toàn.
Tuy nhiên, nhược điểm của phương thức này là khá tồn tiền và thời gian. Bạn có thể hoàn toàn tự giặt lụa ở nhà, nếu tuân thủ những bước sau.
- Pha dầu gội đầu thật loãng, ngâm sản phẩm lụa tối đa 5 phút.
- Bóp nhẹ sản phẩm để đi hết vết bẩn. Nếu vết bẩn quá cứng đầu đừng chà sát, hãy dùng mút mềm để loại bỏ.
- Xả nước sạch
- Xả thêm một lần nước, bỏ 1 thìa giấm trắng, ngâm sản phẩm trong 5 phút. Giấm sẽ giúp lụa giữ được độ mềm
- Xả sạch lần cuối
- Thấm món đồ vào khăn bông, cuốn lại để ép nước thừa, phơi dưới bóng râm
Ủi lụa
Nếu làm đúng những bước trên thì sau khi phơi xong, lụa đã tự thẳng nhưng nếu bạn vẫn muốn mọi thứ hoàn hảo thì có thể dùng bàn là hơi để là phẳng những nếp nhăn còn xót lại. Lưu ý: Bạn nên để một mảnh giấy hoặc một miếng vải ở giữa bàn là và lụa để hạn chế lụa tiếp xúc trực tiếp với nhiệt cao.