Bánh Kà-Tum, món bánh gói nếp bằng lá thốt nốt non cầu kỳ của An Giang
- Leo Wu
- Đăng lúc: Chủ nhật, 15/08/2021 20:36 (GMT +7)
Không chỉ là một loại bánh đặc sản của đồng bào Khmer An Giang, bánh Kà-Tum còn được mệnh danh là loại bánh được gói bằng lá thốt nốt cầu kỳ nhất Việt Nam.
An Giang là một tỉnh có nền ẩm thực khá đa dạng do nơi đây có đến 4 dân tộc cùng sinh sống, bao gồm người Kinh, người Hoa, người Chăm và người Khmer. Mỗi dân tộc lại có những nét văn hoá và ẩn thực riêng rất thú vị.
Khi nhắc đến các đặc sản của người Khmer An Giang, bạn sẽ không thể bỏ qua những món ăn làm từ thốt nốt như nước thốt nốt, bánh bò thốt nốt, đường nốt nốt… Đặc biệt, đồng bào Khmer vùng Bảy núi An Giang còn có món bánh Kà-Tum được gói từ lá thốt nốt non vừa cầu kỳ lại ngon miệng.
Điểm đặc biệt nhất của bánh Kà-Tum có lẽ là hình thức bởi cách gói quà cầu kỳ, mỗi chiếc bánh đều như một tác phẩm khiến nhiều người muốn ăn cũng ngại bóc, phần vì không biết bóc từ đâu, phần vì tiếc một gói bánh đẹp như thế.
Nguồn gốc của tên gọi Kà-Tum
Trong tiếng Khmer, Kà-Tum có nghĩa là “quả lựu” hoặc “gói kín xung quanh”. Vì bánh được gói hơi vuông và có hoa trên đầu, hình dáng cũng nhỏ tựa trái lựu, thế nên người dân nơi đây đã gọi bánh bằng từ Kà-Tum.
Bánh Kà-Tum có gì bên trong?
Nguyên liệu chính để làm bánh Kà-Tum là nếp, dừa nạo, đậu trắng, muối và đường. Thường để làm một chiếc bánh Kà-Tum ngon, người ta thường chọn loại nếp Chon Hô của người Khmer.
Loại nếp này được trồng và chăm sóc tỉ mỉ trong vòng 6 tháng, khi ăn có mùi thơm và vị dẻo đặc trưng. Tuy nhiên hiện tại loại nếp này khá khó kiếm, thế nên người Khmer ở đây dần thay bằng nếp thông thường. Phần gạo nếp sau khi lựa chọn cẩn thận, sẽ được ngâm qua đêm rồi sau đó vớt ra, để cho ráo nước. Sau đó cho thêm đậu trắng, muối, đường và nước cốt dừa vào nếp rồi trộn đều tay cho các nguyên liệu thấm gia vị.
Công đoạn kỳ công và tỉ mỉ nhất khi làm bánh Kà-Tum chính là phần gói lá. Không chỉ trèo lên ngọn thốt nốt để lựa những tàu lá non, bà con còn phải đem đi lau sạch, rọc thành từng mảnh nhỏ rồi đan lại thành những chiếc giỏ hình vuông với phần chóp hình cánh hoa nở bung. Sau đó đổ hỗn hợp nếp vào để bánh vừa ngon vừa đẹp và đem đi luộc tầm 45 đến 60 phút cho tới khi bánh chín.
Khi chín, bánh Kà-Tum sẽ có màu vàng óng và hình dáng khá lạ mắt. Mặc dù lớp vỏ khá phức tạp, thế nhưng khi lột vỏ, bánh không hề bị dính vào phần vỏ. Nhân bánh có phần nếp mềm thơm, đậu trắng bùi bùi và nước cốt dừa béo ngậy. Đặc biệt, bánh còn có muì hương thoang thoảng đặc trưng của lá thốt nốt, thế nên khi ăn bạn có thể “mê mẩn” không ngờ.
Ý nghĩa bánh Kà-Tum
Bánh Kà-Tum thường được làm vào các ngày lễ, Tết quan trọng của người Khmer như Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, lễ hội Ooc-om-bok, lễ Dolta … Loại bánh đặc sản này được làm với mong muốn năm mới người đồng bào Khmer nơi đây có một cuộc sống đầy đủ, sung túc và mạnh khoẻ.
Mặc dù là một loại bánh vừa ngon miệng lại đẹp mắt, thế nhưng do cách làm quá kỳ công nên hiện nay chỉ còn một vài người có thể làm món bánh này. Nếu có cơ hội thưởng thức món bánh Kà-tum, bạn nhất định phải thử để hiểu hơn về sự độc đáo trong nét văn hoá ẩm thực của đồng bào Khmer vùng Bảy núi An Giang.