Bức ảnh tranh cãi suốt 70 năm về bộ xương rồng tại Trung Quốc cuối cùng đã có lời giải

Lịch sử Trung Quốc ghi nhận vụ việc "rồng rơi xuống trần" là có thật và nó diễn ra vào năm 1934 tại Doanh Khẩu, tỉnh Liêu Ninh.

Trong cuốn "Biên niên sử thành phố Doanh Khẩu" và "Lịch sử Doanh Khẩu" đều đã từng đề cập tới vụ việc "Chân long giáng thế" kì lạ này. Thậm chí còn có ảnh chụp lại và bức ảnh đó đã được xác nhận là không hề cắt ghép hay chỉnh sửa.

Bức ảnh tranh cãi suốt 70 năm về bộ xương rồng tại Trung Quốc cuối cùng đã có lời giải.

Theo những ghi chép lại thì vào mùa hè năm 1934, tại Doanh Khẩu đột ngột xuất hiện mưa to liên tiếp trong 40 ngày. Mưa lớn khiến cho nước sông Liêu dâng nhanh và biến toàn bộ bờ bắc của sông thành vùng nước mênh mông không thấy bờ.

Sau khi nước rút, người dân sinh sống ở đây đã phát hiện ra một con rồng khổng lồ bị mắc kẹt trong đám lau sậy. Cho rằng rồng giáng thế là điềm lành, sợ con rồng chết khô nên người dân đã kết lau sậy thành tấm che nắng và đổ nước lên người rồng để giữ nó có thể sống.

Thậm chí, nhiều nhà sư và người dân đã tới để cầu nguyện cho con rồng. Rồi một đợt mưa dài ngày nữa đến lại làm nước sông dâng lên và ngập toàn bộ khu vực, sau đó con rồng đã biến mất. Ai cũng nghĩ nó đã ra biển lớn, tuy nhiên hơn 20 ngày sau. Con rồng bí ẩn này lại xuất hiện và kẹt lại tải cửa sông Liêu, trong một cái hố dài tới 17m và rộng 8m, có điều, lần này thì nó đã chết và bị phân hủy.

Bộ xương được cho là của con rồng năm nào.

Sau đó, đồn cảnh sát số 6 của thành phố đã đến và mang bộ xương con rồng đến một vùng đất trống ở gần bến sông cửa biển Tây Hải để người dân có thể chiêm ngưỡng trong vài ngày. Tờ "Thịnh Kinh thời báo" lúc bấy giờ có đăng tin về sự kiện này. Cuối cùng, tin đồn về bộ xương "Chân long" đã thu hút một lượng người hiếu kỳ khổng lồ đến xem "cốt rồng".

Số người kéo tới xem đông tới mức dân chúng từ ba tỉnh Đông Bắc đều đi tàu đến Doanh Khẩu khiến giá vé tàu đến và đi từ Doanh Khẩu đều tăng chóng mặt và cực kỳ khan hiếm.

Tờ Thịnh Kinh miêu tả rằng, người ta thấy rõ các vết cào trên miệng hố, nơi con rồng mắc cạn và con rồng có 2 sừng trên đầu, 4 móng vuốt ở phần bụng dưới. Miêu tả này cũng tương đồng với những ghi chép trong cuốn "Biên niên sử thành phố Doanh Khẩu" về độ dài và chi tiết có sừng trên đầu. Ngoài ra, cuốn sách này còn cho biết con rồng có tới 29 đốt sống lưng.

Sau này, bộ xương của con rồng đã được làm thành mẫu vật và giao cho trường trung học thủy sản Doanh Khẩu trưng bày. Câu chuyện về bộ xương rồng đã thu hút nhiều phương tiện truyền thông đưa tin trong suốt nhiều năm và nhiều ý kiên xung quanh, tin có, nghi ngờ có nhưng chẳng ai dám khẳng định 100% sự thật.

Bộ xương của một con cá voi tấm sừng hàm ngoài đời thực.

Mãi cho tới tận năm 2004, chuyên mục "Tiếp cận Khoa học" (Into Science) thuộc kênh CCTV 10 của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc đã quyết định thực hiện một cuộc thực nghiệm khoa học nhằm tìm ra câu trả lời chuẩn xác cuối cùng về bộ xương rồng ở Doanh Khẩu.

Với những tư liệu và kết quả từ thẩm định khoa học thu thập được, kết luận của nhóm biên tập và các chuyên gia trong bộ phim đưa ra lời giải cuối cùng. Theo đó, sự việc rồng giáng thế tại Doanh Khẩu chỉ là huyền thoại. Thực tế, con vật bị mắc cạn trong đám lau sậy bên bờ sông Liêu năm đó chỉ là một con cá voi tấm sừng hàm khổng lồ.

Và bức ảnh bộ xương rồng với 2 chiếc sừng đó đã bị sắp xếp sai lệch vị trí. Cái được gọi là sừng rồng đó thực chất chỉ xương hàm dưới của con cá voi.  Ai đó đã cố tình đặt lên trên để tạo ra vị trí trông như hai cái sừng trên đầu con vật.

Vậy là sau rất nhiều năm tranh cãi, vụ việc có rồng rơi xuống Doanh Khẩu đã đi đến kết luận cuối cùng, dù rằng vẫn có nhiều kẻ đam mê những giả thuyết bí ẩn vẫn chưa thỏa mãn với câu trả lời này.

 

Bài liên quan

News feed