Câu chuyện EURO: Sự thật phía sau hành trình kỳ lạ vô địch châu Âu năm 1992 của "những chú lính chì dũng cảm"
- Alex
- Đăng lúc: Thứ ba, 22/06/2021 17:39 (GMT +7)
Đan Mạch là một trong những nhà vô địch EURO kỳ lạ nhất trong lịch sử, lạ bởi con đường dẫn tới ngai vàng của họ và lạ bởi những câu chuyện bên lề xung quanh.
Người hâm mộ môn thể thao vua nhiều năm qua đã quá quen thuộc với "sự tích" về chuyện tham dự EURO và lên ngôi vô địch năm 1992 của "thùng thuốc súng" Đan Mạch. Nhưng nhiều người trong số khán giả bao thế hệ lại nằm lòng những lời kể được thêu dệt trên báo chí như: "Sau khi Nam Tư bỏ giải, Đan Mạch may mắn được chọn thay thế và các cầu thủ Đan Mạch khi ấy đang đi nghỉ và nằm phơi nắng ở khắp các bãi biển trên thế giới đã bị gọi về để "lên tuyển".
Hoặc những cây viết thời đó, có lẽ vì quá "sốc" trước cái tên Đan Mạch là đội đoạt cúp chứ không phải đương kim vô địch thế giới là Đức hay đương kim vô địch châu Âu khi ấy là Hà Lan nên đã vẽ ra một hành trình nhuốm màu "cổ tích và may mắn" của đội bóng dưới quyền HLV Richard Moeller Nielsen.
Sự thật thì, Đan Mạch đúng là đã có gặp may để có vé tham dự vòng chung kết châu Âu và họ cũng lên ngôi bằng một hành trình "phi thường và kỳ diệu" song họ không xuất phát từ những sự thêu dệt quá đà như báo chí kể hay hoàn toàn dựa vào vận may của chuyện "thời tới, cản không kịp".
Chức vô địch năm ấy của Đan Mạch là kết quả đến từ một tập thể vững vàng được xây dựng bởi triết lý từng bị cho là "bỏ đi" của HLV Richard Moeller Nielsen.và bị ngay chính LĐBĐ Đan Mạch cũng như ngôi sao lớn nhất khi ấy của xứ truyện cổ Andersen là Michael Laudrup quay lưng.
Hành trình "kỳ lạ" của Đan Mạch tại EURO 1992: Kẻ thế vai mang "chân mệnh thiên tử"
Nam Tư ban đầu là đội giành vé đến VCK EURO 1992, nhưng cuối cùng, đất nước đang chìm trong khói bụi nội chiến này đã bị Liên hiệp quốc cấm vận và bị tạm thời loại khỏi hàng ngũ FIFA cũng như UEFA. Để thay thế cho họ, UEFA đã mời Đan Mạch thay chỗ Nam Tư, khi ấy, chỉ 10 ngày nữa là vòng chung kết EURO 1992 khai mạc.
Nhưng lựa chọn này không phải là "bốc thăm may mắn". UEFA chọn Đan Mạch bởi họ chính là đội xếp ngay sau Nam Tư ở vòng loại với chỉ 1 điểm ít hơn, họ còn từng thắng cả Nam Tư trên sân khách trong cái thời mà chỉ có 8 đội tham dự vòng chung kết EURO.
Tiếp theo, Đan Mạch chẳng hề "đi chơi khắp thế giới" rồi bị gọi về khi đang "cởi trần tắm nắn" như báo chí tô vẽ. Đan Mạch khi đó đang tập trung đội tuyển để chuẩn bị đá giao hữu với CIS (Cộng đồng Các quốc gia Độc lập - thay cho đội tuyển Liên Xô). Có tới 2/3 thành viên đội tuyển khi ấy vẫn còn đang thi đấu ở giải VĐQG Đan Mạch chứ chẳng hề có thời gian đâu mà đi nghỉ dưỡng.
Đến với vòng chung kết tổ chức trên đất Thụy Điển năm ấy, Đan Mạch bị đánh giá thấp nhất khi nằm chung bảng với đội chủ nhà Thụy Điển, đội tuyển bất bại ở vòng loại là Anh và một đội tuyển Pháp được coi là ứng cử viên vô địch. Thế nhưng, từng bước một, "những chú lính chì" Đan Mạch tiến từng bước vững chãi, lầm lì để lần lượt bỏ lại dưới gót giày những tên tuổi lẫy lừng ấy.
Sau khi khiến Anh bất lực với trận hòa không bàn thắng, Đan Mạch bị đội chủ nhà Thụy Điển đánh bại với tỷ số 1-0, nhưng ở trận đấu quyết định gặp Pháp. "Thùng thuốc súng" đã bùng nổ đã đánh bại những ngôi sao của HLV Platini với tỷ số 2-1. Qua đó giành vé chơi trận bán kết gặp đương kim vô địch châu Âu Hà Lan.
Ở trận đấu gặp "Cơn lốc màu da cam", những ngôi sao từng phủ bóng lên trời Âu tại EURO 1988 như Van Basten, Rudd Gullit, Frank Rijkaard hay ngôi sao trẻ đang lên Denis Bergkamp khi ấy đã vấp phải sức chiến đấu mạnh mẽ và kỉ luật đến lỳ lợm của người Đan Mạch. Hai đội ghìm nhau với tỷ số hòa 2-2 để rồi trong loạt sút luân lưu cân não, huyền thoại Van Basten đã không thể thắng được Peter Schmeichel, người cũng trở thành một huyền thoại sau này và qua đó, đưa tấm vé vào chơi trận chung kết cho Đan Mạch.
Trong trận chung kết gặp đương kim vô địch thế giới Đức, đội bóng vừa chấm dứt tham vọng của đội chủ nhà Thụy Điển. Đan Mạch đã chơi một trận như thể số phận đã lựa chọn họ cho chức vô địch, khi mà Đức được đánh giá cao hơn đã liên tiếp dồn ép Đan Mạch nhưng bất lực trong việc ghi bàn. Cuối cùng thì người có liên tiếp 2 bàn để vươn lên lại là Đan Mạch, với một cú ra chân của John Jensen và bàn ấn định tỷ số 2-0 của Kim Vilfort. Người vừa mới kịp trở lại trước trận chung kết 1 ngày từ chuyến về thăm cô con gái bị bệnh máu trắng.
Vậy là "những chú lính chì" Đan Mạch đã lên ngôi vua của châu Âu trong một hành trình mà ngay những người lạc quan nhất, yêu mến Đan Mạch nhất cũng không thể tin là họ sẽ làm được. Nhưng nếu xem xét một cách tổng thể. Chức vô địch năm ấy của Đan Mạch không đến hoàn toàn từ may mắn, đó là chức vô địch của một tập thể xuất sắc nhất, một tập thể không có các siêu sao nhưng lại gắn kết và liền khối từ tinh thần đến lối chơi.
Trong chức vô địch "thần kỳ" ấy, những thành quả từ sự nhuần nhuyễn triết lý bóng đá mang nặng tính chiến thuật và kỷ luật đến khô khan của HVL Richard Moeller Nielsen đã được chứng minh là hiệu quả, là kim chỉ nam và cốt lõi cho cái gọi là "chuyện cổ tích Đan Mạch".
Sự kiên định của Nielsen và chức vô địch thấm nhuần câu nói: "Chúng ta phải hiểu rõ mình là ai"
Trong câu chuyện truyền kỳ năm ấy của đội tuyển Đan Mạch. Vai trò của HLV Nielsen là vô cùng to lớn. Là một chiến lược gia tôn thờ tính kỷ luật và lối chơi nặng chiến thuật thậm chí là chặt chẽ đến buồn chán. Cần phải biết rằng, những năm 80, đầu 90 của thế kỷ trước. Bóng đá châu Âu đắm chìm đắm trong thứ bóng đá tấn công tổng lực mãn nhãn của "Cơn lốc màu da cam" Hà Lan với Van Basten, Rudd Gullit... hay những bàn thắng của cặp tiền đạo Pháp trứ danh Jean Pierre Papin - Eric Cantona hoặc Gary Linerke của Anh, thậm chí khi chức vô địch thế giới năm 1990 thuộc về Đức, một đội bóng cũng nổi tiếng về sự chặt chẽ thì người ta cũng không thôi niềm yêu thích cho thứ bóng đá tấn công hoa mỹ.
Ngay tại Đan Mạch khi ấy, thế hệ vàng của Michael Laudrup, Allan Simonsen và Frank Arnesen cũng làm những người hâm mộ xứ sở nàng tiên cá say mê bằng lối chơi tự do, phóng khoáng. World Cup 1986, họ có thể thắng Uruguay tới 6-1 rồi ngay sau đó lại vỡ vụn trước Tây Ban Nha với tỷ số 1-5. Nhưng không sao cả, người Đan Mạch vẫn yêu và vẫn tự hào bởi họ tin những "chú lính chì" của mình đang thực sự tôn vinh vẻ đẹp của môn túc cầu.
Vậy nên, khi Richard Moeller Nielsen, một HLV "bảo thủ" và "cứng nhắc" với vô vàn các quy định, chiến thuật "khô khan" dẫn dắt đội tuyển Đan Mạch, ông đã nhanh chóng vấp phải sự phản đối của các ngôi sao kể trên, dẫn đầu là cặp anh em huyền thoại nhà Laudrup. Triết lý nặng về phòng ngự và kỷ luật của Nielsen đã khiến huyền thoại Michael Laudrup quyết định từ giã đội tuyển, nhiều ngôi sao như Jan Molby, Jan Heintze, Jan Bartram hay Brian Laudrup cũng tuyên bố chia tay với màu áo quốc gia (sau này Brian Laudrup đã bỏ qua mâu thuẫn để dự EURO 1992).
Các cổ động viên khi ấy cũng mạt sát Nielsen, nhất là sau khi đội nhà vuột mất chiếc vé dự EURO 1992 vào tay Nam Tư. Khiến vị HLV trưởng đội tuyển quốc gia gần như đã tiến tới việc phải "ngồi chơi xơi nước". Ông đã có thể chìm trong những chỉ trích ấy, nhưng cơ hội bất ngờ được mở ra khi Đan Mạch có vé tới EURO, Nielsen có cơ hội để chứng minh những gì ông làm là chính xác, và sau đó, tất cả đã thành huyền thoại như chúng ta đã biết.
EURO 1992 chính là đỉnh cao minh chứng cho con đường HLV Nielsen theo đuổi là chính xác. Đó có thể không phải cách chơi bóng thỏa mãn số đông, nhưng đó là lối chơi phù hợp cho Đan Mạch. Và khi mọi thứ trở nên nhuần nhuyễn thì triết lý Nielsen bắt đầu phát huy tác dụng. Như Nielsen từng nói: “Nếu chúng ta phải tìm ra lợi thế cạnh tranh với tư cách một đất nước nhỏ thì mấu chốt là chúng ta phải hiểu rõ mình là ai”.
Đan Mạch hiểu rõ mình là ai khi bước vào EURO 1992, chính nhờ điều đó, họ đã lần lượt vượt qua mọi chướng ngại vật lớn nhất để tới đỉnh vinh quang, còn HLV Richard Moeller Nielsen, ông đã có sự thừa nhận cho riêng mình với danh hiệu HLV hay nhất thế giới 1992 do tạp chí World Soccer trao tặng, một lời khẳng định cho những cống hiến và sự kiên định của một người đàn ông, một chiến lược gia xuất sắc.