Lee Kun-hee: Người đưa Samsung từ công ty bán cá khô thành tập đoàn tỷ đô
- Thanh Pham
- Đăng lúc: Chủ nhật, 25/10/2020 18:24 (GMT +7)
Samsung được thành lập bởi Lee Byung-chu , cha đẻ Lee Kun-hee. Nhưng có thể nói, không có Lee Kun-hee thì không có Samsung ngày hôm nay.
Ngày 25/10 vừa qua, ông Lee Kun-hee qua đời tại nhà riêng tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc sau thời gian dài điều trị nhiều loại bệnh, nằm liệt giường 6 năm trời. Trong suốt sự nghiệp huy hoàng của mình, ông Lee đã lèo lái con tàu tạo nên “kỳ tích Samsung”, vượt qua rất nhiều sóng gió của nền kinh tế toàn cầu để đạt tới vị thế hàng đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực như ngày hôm nay.
Chàng trai trẻ với tư duy đi trước thời đại
Ông Lee Kun-hee sinh ra tại Daegu vào ngày 9/1/1942. Cha ông, nhà sáng lập Lee Byung-chu thành lập Samsung vào năm 1938 với tư cách là một công ty xuất khẩu trái cây và cá khô, sau đó mới chuyển đổi và mở rộng dần sang các lĩnh vực đa ngành như thầu xây dựng, hàng nhu yếu phẩm, hóa chất, dệt may...
Chàng trai Lee Kun-hee tốt nghiệp ngành kinh tế tại Đại học Waseda và theo học thạc sĩ ở Đại học George Washington (Mỹ) vào năm 1965. Lee chính thức gia nhập Samsung vào năm 1968. Ngay khi còn là trợ tá cho cha mình, Lee Kun-hee đã hướng công ty tập trung vào ngành công nghiệp sản xuất bán dẫn và sản xuất các mặt hàng điện tử giá rẻ.
Đây là bước đi được đánh giá là liều lĩnh của Lee, bởi từ trước đó đến những năm 70, thị trường hàng điện tử và chất bán dẫn được coi là sân chơi với ưu thế vượt trội hoàn toàn thuộc về người Nhật Bản. Tuy nhiên, Samsung Electronics lần lượt trình làng những sản phẩm gây chấn động toàn cầu, đại diện là 64K DRAM, sản phẩm tiên phong về phiến bán dẫn 8inch, vượt trên các tên tuổi lớn Toshiba, NEC, Hitachi.
Cú hích này đã đưa Samsung tiếp tục phát triển trở thành nhà sản xuất vi mạch nhớ lớn nhất thế giới vào năm 1992, và là nhà sản xuất vi mạch chủ lớn thứ 2 thế giới sau Intel. Đây là tiền đề và là nền móng cho những sản phẩm thành công vượt ra khỏi tầm nội địa của Samsung sau này, giúp Samsung giữ vị thế là một tập đoàn công nghệ đứng đầu thị trường thế giới như hiện nay.
Người kế thừa hoàn hảo và những thay đổi cách mạng trong tập đoàn
Năm 1987, Chủ tịch sáng lập Samsung – Lee Byung Chu - qua đời và người kế thừa vị trí dẫn đầu chính là người con thứ 3: Lee Kun-hee
Đến thập niên 80, Samsung đã là một trong những tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc nhưng ngay trong nội bộ tập đoàn Samsung khi đó đã tồn tại vô vàn bất cập trong vận hành lẫn hệ thống sản xuất, kiểm soát chất lượng.
Các sản phẩm của Samsung khi ấy hầu như chỉ được tiêu thụ trong nước và các cấp lãnh đạo của Samsung dường như đã thỏa mãn vì điều ấy. Trên bình diện toàn cầu, Samsung hoàn toàn “yếu thế” tại các thị trường khó tính như Châu Âu hay Mỹ bởi chất lượng thấp với giá thành rẻ mạt. Sản phẩm từ Samsung luôn bị coi như “sản phẩm hạng 2” đồng thời mặc định bị coi là dành cho “giới nhà nghèo”.
Lee Kun-hee thấy được vị trí của Samsung trên thị trường lúc đó và nung nấu quyết tâm không để kéo dài tình trạng này lâu hơn nữa.
Tháng 2 năm 1993, Lee Kun-hee đã triệu tập các giám đốc phụ trách sản xuất hàng điện tử tới Frankfurt (Đức). Tại đây ông đã đưa ra Tuyên bố kinh doanh mới của Samsung hay còn được biết đến với cái tên “Tuyên ngôn Frankfurt” với nhiều câu nói nổi tiếng: “Hãy thay đổi tất cả, chỉ trừ vợ con”, "Hãy bỏ qua số lượng để tập trung cho chất lượng".
Trong suốt bốn tháng, Lee Kun-hee mang theo đội ngũ 1.800 người bao gồm các nhân viên và nhiều lãnh đạo của Samsung đi tới các ‘cứ điểm’ chính của Samsung trên toàn thế giới như Los Angeles, Tokyo, Frankfurt, Osaka, London để ‘khai nhãn’ cho cấp dưới của mình thấy rằng thế giới đã thay đổi ra sao và Samsung đang ở đâu trên vũ đài quốc tế.
Lee liên tục có những cuộc họp thuyết trình về triển vọng mới của Samsung kéo dài tổng cộng 800 giờ đồng hồ, thường bắt đầu vào 8 giờ tối và kết thúc vào 2 giờ sáng ngày hôm sau.
‘Tuyên bố kinh doanh mới’ đã giáng mạnh vào lòng tự tôn dân tộc của các cấp lãnh đạo của Samsung, giúp họ nhận ra các sản phẩm của tập đoàn, dù giữ vị thế số 1 trong nước, nhưng chỉ là số 0 vô nghĩa trên thị trường thế giới.
Thậm chí, Lee còn làm những việc “không giống ai” khi có thời gian ông không đến công ty, làm việc tại nhà ở ngoại ô Seoul, buộc các quản lý cấp dưới của mình phải tự ra quyết định và chịu trách nhiệm trước các quyết định đó.
Lee mạnh tay sa thải hàng nghìn công nhân và xây nhiều nhà máy tại những nước có nguồn nhân lực rẻ. Tiếp đó, rót hàng tỷ USD vào các nhà máy chuyên sản xuất bộ nhớ và màn hình tinh thể lỏng mà sau này được áp dụng toàn diện lên thế hệ thiết bị điện tử dân dụng mới như điện thoại di động, tivi có độ phân giải cao.
Lấy phương châm kinh doanh “chất lượng là số 1”, áp dụng những biện pháp cương quyết và mạnh bạo, Lee từng yêu cầu công nhân tự tay tiêu hủy toàn bộ số sản phẩm điện tử trị giá 50 triệu USD khi phát hiện lỗi. Tháng 5/2012, 100.000 vỏ máy Galaxy S3 đang ở trong kho và hàng chờ xuất ở sân bay đã bị lôi ra tiêu hủy vì phát hiện sản phẩm không “đẹp như hàng mẫu”.
Ông Lee đã cho trình bày "Chính sách quản lý mới" của Samsung thành 1 cuốn sách 200 trang, phát đến tận tay cho từng công nhân. Cuốn sách này được ví như “kinh thánh” của Samsung, luôn nhắc nhở mọi con người làm việc tại đây về lý tưởng và nguyên tắc làm việc dưới thời Lee Kun-hee. Tiếp theo đó, Lee dành thời gian để đi khắp các chi nhánh của Samsung trên thế giới để trực tiếp truyền đạt khát vọng thay đổi của mình đến từng lãnh đạo dưới quyền. Tổng cộng ông đã có 350 giờ thuyết giảng và được ghi chép lại chiếm hết 8.500 trang giấy.
Trong những năm sau "Tuyên ngôn Frankfurt", Lee biến Samsung trở thành 1 trường đại học khổng lồ. "Trường dạy CEO Samsung" ra đời tháng 9/1993 với các phương pháp giảng dạy độc đáo.
Khi các học viên thực tập ở nước ngoài, Lee yêu cầu họ chỉ được sử dụng phương tiện công cộng để cảm nhận rõ ràng hơn văn hóa nước sở tại. Trong 5 năm từ 1994 đến 1999, mỗi năm có 400 nhân viên trẻ được lựa chọn làm “hạt giống”, được cấp chi phí, yêu cầu phải ra nước ngoài “nằm vùng” trong một năm, muốn đi đâu, làm gì thì tùy ý với mục tiêu tiếp cận sâu sắc và thấu hiểu toàn diện nhất về thị trường mà họ tới.
Lee hi vọng sau khi họ trở về, đội ngũ hạt giống này sẽ trở thành chủ lực cho chính sách “hiểu rõ địa bàn, phủ sóng toàn cầu” của Samsung. Lee đã không tiếc tay tiêu tốn khoảng 100 triệu USD để đào tạo 2000 hạt nhân chủ chốt cho kế hoạch đánh chiếm thị trường thế giới của mình.
Hiện nay Trung tâm phát triển nhân lực của Samsung đóng ở Hàn Quốc vẫn tiếp nhận khoảng 50 ngàn học viên mỗi năm. Cho ra đời nối tiếp các thế hệ nhân tài kế thừa tôn chỉ và ý chí của Lee mong muốn.
Những thành tựu để đời và di sản khổng lồ để lại
Đến năm 1997, cuộc khủng hoảng tài chính đã khiến không ít tập đoàn điêu đứng và đổ vỡ, nhưng Samsung vẫn trụ vững và phát triển. Samsung trở thành tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc với hơn 400.000 công nhân trên toàn thế giới cùng ngành nghề kinh doanh đa dạng gồm: đồ điện tử, hóa chất, thương mại, kinh doanh khách sạn, xây dựng, du lịch… và nhiều ngành nghề khác.
Ông Lee Kun-hee đã biến Samsung trở thành một trong những công ty công nghệ lớn nhất thế giới và có ảnh hưởng to lớn đến toàn bộ nền kinh tế của Hàn Quốc thể hiện qua việc đóng góp 20% tổng kim ngạch xuất khẩu, chiếm 20% tổng lượng GDP toàn nền kinh tế Hàn Quốc.
Mới đây nhất, Samsung đã đạt Top 5 Thương hiệu tốt nhất toàn cầu 2020 của Interbrand, với giá trị thương hiệu đạt mức 62,3 tỷ USD, tăng gấp mười hai lần so với đánh giá ban đầu vào năm 2000.
Với khối tài sản được ước tính vào khoảng $26,74 tỷ đô la Mỹ, năm 2013, ông Lee được vinh danh là người quyền lực thứ 41 của trong top "Những người quyền lực nhất thế giới" do tạp chí Forbes bình chọn.
Tuy vậy, trong cuộc đời lừng lẫy của mình, Lee Kun-hee từng 2 lần vướng phải vòng vòng lao lý. Năm 2008, ông buộc phải từ chức Chủ tịch tập đoàn Samsung và lĩnh án 3 năm tù treo với tội danh trốn thuế và giao dịch trái phiếu bất hợp pháp.
Song, bất chấp những tài tiếng đó, Lee Kun-hee rõ ràng là nhà chiến lược gia kinh tế vĩ đại trong lịch sử Hàn Quốc nói riêng và thế giới nói chung.