Chống "tối cổ" với loạt từ của hội Gen Z: "lemỏn", "dảk dảk bủh bủh" là gì?
- Thu Trà
- Đăng lúc: Thứ năm, 08/04/2021 09:31 (GMT +7)
Tốc độ gia tăng từ mới của Gen Z nhanh đến nỗi chưa kịp hiểu từ này là gì thì hôm sau đã có cả rổ từ mới. Chúng có gì hay ho mà được giới trẻ dùng nhiều thế.
Ngập tràn các trang mạng xã hội hiện nay là những từ bạn có thể đọc được nhưng ghép vào với nhau lại chẳng ra ý nghĩa gì. Hoặc có khi nó còn được viết bằng thứ ngôn ngữ gì đó mà bạn còn không dám chắc chắn có phải tiếng Việt hay không. Để không rơi vào thảm cảnh đó, series "Từ điển Gen Z" sẽ giúp bạn update những từ lóng, những cách viết teencode mới nhất, nhờ thế mà bạn không bị bại lộ việc mình đã già.
Mở đầu cho chuỗi từ điển này, chúng ta sẽ đến với một từ mới, đó chính là "lemỏn". Nhìn từ "lemỏn", bạn sẽ liên tưởng đến gì đầu tiên? Chắc sẽ là từ "lemon" trong tiếng Anh. Đúng vậy, "Lemon" trong tiếng anh có nghĩa là "Chanh", khi thêm dấu hỏi ta được chữ "Chảnh". "Lemỏn" là tính từ chỉ sự kiêu kỳ, chảnh chọe của một ai đó. Ví dụ cụ thể là trong một mùa Next Top, nhà chung được chia làm hai team là team Sang và team: "Lemỏn".
Một cụm từ nữa cũng khá phổ biến, dám thề rằng bạn đã ít nhất 1 lần nhìn thấy trên Facebook của mình, thậm chí còn gặp Gen Z đem đi spam khắp nơi nữa, đó là: "dảk dảk bủh bủh". Về mặt hình thức "dảk - bủh" là "dark - bruh", do lỗi gõ Telex mà thành. "Dark" có nghĩa là đen tối, được sử dụng khi nhìn thấy những điều dễ khiến người ta liên tưởng đến những suy nghĩ không trong sáng, như một bức hình hơi hướng bí ẩn, thậm chí là sexy. Còn"Bruh" là một cụm từ tiếng lóng khá phổ biến trên thế giới. Có công thức biến thể giống "dảk - bủh" do lỗi gõ Telex là cặp "pềct - rếpct", khi gõ đúng thì pềct = perfect (hoàn hảo) và rếpct = respect (sự tôn trọng).
Ngoài ra, đi cùng với hai từ đó còn có từ "lmao". "Lmao" là viết tắt của từ “Laughing My Ass Off" (cười muốn rớt mông), có nghĩa tương tự như cười ha ha được sử dụng nhằm biểu thị cảm xúc hài hước cực mạnh của người dùng. Từ ngày có nguồn gốc từ cộng đồng người Mỹ da đen. Tuy nhiên, trên tại Việt Nam người đối diện có thể không hiểu ý nghĩa thực sự của nó mà coi đó là một hành động cười mỉa mai. Vì vậy, bạn nên lưu ý sử dụng đúng đối tượng và trường hợp để tránh gây hiểu lầm.
Môn Hoá học có thể là ám ảnh kinh hoàng với nhiều Gen Z nhưng "chằm Zn" thì không mấy ai là không biết. Cho những ai vẫn chưa nhìn thấy mối liên hệ thì "phương trình" ở đây: Chằm Zn = chằm kẽm = trầm cảm. Những ai không đội trời chung với môn Hóa chắc là "suy nhược" lắm. Lưu ý rằng từ này không chỉ để dùng để nói đến bệnh trầm cảm mà với Gen Z, đây đơn thuần là chỉ là cảm giác mệt mỏi mà thôi.
Sự biến tấu từ ngữ của Gen Z một lần nữa khiến dân tình chóng mặt với "trmúa hmề". Thẳng thắn mà nói luôn thì "trmúa hmề" có nghĩa là chúa hề, dùng để gọi những người hài hước. Ngoài từ này ra bạn cũng có thể thêm chữ "m" vào phía trước tất cả nguyên âm để tạo thành từ mới. Ví dụ như: hmoàng hmôn.
Song song với đó không thể không kể đến từ "phanh xích lô". Thật ra nếu Gen X, Gen Y nhớ dai thì hẳn sẽ thấy "phanh xích lô" quen quen. Bởi nó xuất phát từ Phía Trước Là Bầu Trời - bộ phim đình đám một thời. Còn để giải thích thì đơn giản là khi phanh xe xích lô sẽ có tiếng "kítttt", cũng là cách phát âm từ "kiss" (hôn). Sau đoạn clip cut của phim viral trên TikTok, "phanh xích lô" đã được Gen Z tích vào từ điển.
Một từ nữa chúng ta cũng gặp rất nhiều đó là tư "khum". Chỉ là từ "không" được đọc lái cho dễ thương hơn nhưng "khum" đang có độ phổ biến cực mạnh: "Ăn gì khum?", "Em khum biết", "Em khum ăn đâu"... Dễ thương hay không thì tuỳ người nhưng nhiều Gen X, Gen Y muốn sang chấn vì đi đâu cũng thấy "khum khum" rồi đấy!
Ngoài ra còn có rất nhiều từ khác mà Gen Z cất công suy nghĩ, sáng tạo ra. Một trào lưu tưởng chừng đã biến mất của thế hệ 8X, 9X, nay teencode đã được thế hệ Gen Z đưa trở lại một cách mới mẻ và đầy độc đáo.