Lăng Tự Đức, di sản văn hóa Việt đầu tiên được Google số hóa 3D
- Rin Chen
- Đăng lúc: Thứ hai, 19/10/2020 15:36 (GMT +7)
Lăng Tự Đức nổi bật với không gian xanh mướt của núi rừng cây cỏ, nơi đây cũng nổi tiếng với phong cảnh sơn thuỷ hữu tình và kiến trúc cầu kì tinh xảo.
Khác với lăng Minh Mạng mang đậm màu sắc Nho giáo và truyền thống hay lăng Khải Định nổi bật với sự kết hợp kiến trúc Đông Tây, lăng Tự Đức làm đắm say lòng người bằng phong cảnh sơn thuỷ hữu tình hệt như trong các bức tranh thuỷ mặc. Là một vị vua uyên bác, có tài văn chương, có thể nói lăng Tự Đức đã phần nào thể hiện được chính tính cách của vị vua này.
Lịch sử hình thành lăng Tự Đức
Vua Tự Đức là một trong những vị vua nổi tiếng và cũng là vị vua có thời gian trị vì lâu nhất triều đại Nguyễn Lăng Tự Đức (hay còn gọi là Khiêm Lăng) được vua Tự Đức xây dựng như một chốn nghỉ ngơi sau khi thoát ra khỏi những bộn bề của việc triều chính.
Công trình này bắt đầu được khởi công vào tháng 12 năm 1864 với sự tham gia của hơn 6000 binh lính và thợ thuyền. Ban đầu công trình này có tên gọi là Khiêm Cung, sau khi vua Tự Đức mất thì mọi người đổi tên cho nó thành Khiêm Lăng.
Vị trí đặc biệt của lăng Tự Đức
Lăng Tự Đức toạ lạc trong một thung lũng hẹp của làng Dương Xuân Thượng, nay là Thôn Thuỷ Ba, phường Thuỷ Xuân, Huế. Được mệnh danh là một trong những công trình kiến trúc đẹp nhất triều nhà Nguyễn, lăng Tự Đức nằm bên phải đồi Cảnh Vọng nổi tiếng và có phong cảnh thiên nhiên vô cùng phong phú.
Cấu trúc của lăng Tự Đức có gì đặc biệt?
Lăng Tự Đức được chia thành hai phần chính: khu tẩm điện và lăng mộ, hai khu vực này được bố trí song song với nhau. Lăng Tự Đức được ví như một công viên rộng lớn với phần kiến trúc cầu kì hoà với thiên nhiên. Công trình không có đường nét góc cạnh mà nổi bật với những đường nét hài hoà, uốn lượn. Quần thể kiến trúc này có tổng diện tích lên tới 12 ha, bao gồm 50 công trình lớn nhỏ trải dài và hầu hết đều trong tên gọi đều có chữ Khiêm.
Một số công trình tiêu biểu tại lăng Tự Đức
Khiêm Cung Môn
Đây là nơi nhà vua nghỉ ngơi mỗi khi đến thăm Khiêm Cung, công trình này được xây hai tầng theo dạng vọng lâu nằm trên nền cao. Ở chính giữa là nơi vua từng làm việc với tên gọi Hoà Khiêm, còn ngày nay, nơi đây được dùng để thờ vua Tự Đức và hoàng hậu.
Nhà hát Minh Khiêm Đường
Là một trong những nhà hát cổ nhất Việt Nam, nhà hát Minh Khiêm Đường là nơi vua Tự Đức xem hát. Các cột đỡ tại đây nổi bật với hoa văn được chạm khắc tinh xảo, đặc biệt khi nhà hát được đóng kín và thắp nến bên ngoài, công trình này sẽ hiện lên khung cảnh đầy lung linh, huyền ảo.
Điện Lương Khiêm
Trước đây, điện Lương Khiêm là nơi nhà vua thường ngồi nghỉ ngơi và thưởng tra, tuy nhiên về sau, nơi đây được dùng để thờ vong linh mẹ là bà Từ Dũ.
Đảo Tịnh Khiêm
Nổi bật với con kênh dài có 3 cây cầu bắc qua, bên cạnh là đồi thông cao vút trong lành, đảo Tịnh Khiêm là nơi vua Tự Đức thường tới để thưởng hoa, đọc sách hay làm thơ sau những giờ lo việc triều đình mệt mỏi.
Khu lăng mộ
Phía sau Bái Đính với hai đầu tượng quan văn võ là Bi Đình, nơi đây có tấm bia đá nặng 20 tấn khắc bài Khiêm Cung Ký – đây được coi là cuốn tự truyện về cuộc đời vua Tự Đức. Ngoài Bửu Thành bằng gạch với chính giữa là mộ vua Tự Đức thì ở đây có thêm Bổi Lăng – là nơi yên nghỉ của vua Kiến Phúc triều Nguyễn.
Cách trung tâm thành phố Huế chỉ khoảng 7 km, đường đến lăng Tự Đức cũng tương đối thuận tiện cho việc di chuyển, vậy thì bạn còn chần chờ gì nữa mà không ghé thăm công trình kiến trúc nổi tiếng này. Lăng Tự Đức chắc chắn là một điểm đến mà bạn không thể bỏ qua khi ghé thăm Huế - mảnh đất cố đô đầy thơ mộng.