Giá vàng hôm nay 9/3: Tiếp tục guồng quay trượt giá
- Alex
- Đăng lúc: Thứ ba, 09/03/2021 09:52 (GMT +7)
Đồng USD duy trì ngưỡng cao với nhiều đồng tiền khác, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tiếp tục tăng đẩy giá vàng thế giới tiếp đà trượt dốc không phanh.
Tại các phiên giao dịch đầu giờ ngày 9/3. Giá vàng trong nước đã lao dốc mạnh theo đà rơi tự do của giá vàng thế giới. Tại TP Hồ Chí Minh, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết ở mức 54,87 triệu đồng/lượng (mua vào) và 55,3 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 350.000 đồng/lượng so với ngày 8/3.
Ở Hà Nội, mức giá mua vào của các doanh nghiệp kinh doanh vàng như Doji, Phú Quý phổ biến ở mức 54,85 triệu đồng/lượng (mua vào) và 55,3 triệu đồng/lượng (bán ra). Giá vàng trang sức các loại được niêm yết ở mức 51,9 triệu đồng/lượng (mua vào) và 52,5 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm mạnh tới 600.000 đồng mỗi lượng so với sáng hôm qua.
Tỉ giá trung tâm của đồng USD sáng nay được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.200 đồng/USD, tăng 15 đồng mỗi USD. Đây cũng là mức tăng giá USD ở các ngân hàng thương mại với 22.960 đồng/USD (mua vào) và 23.140 đồng/USD (bán ra).
Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay ở mức 1.681 USD/ounce, giảm tới 30 USD mỗi ounce so với hôm qua, tương đương mức giảm 800.000 đồng/lượng. Điều này khiến khoảng cách chênh lệch của giá vàng trong nước và thế giới đào sâu thêm ở mức kỷ lục 8,4 triệu đồng/lượng, trong khi vàng trang sức cũng cao hơn giá thế giới 5,6 triệu đồng/lượng.
Giá vàng "lao dốc không phanh" trong bối cảnh lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tiếp tục tăng, USD duy trì sức mạnh so với nhiều đồng tiền khác. Thông tin về việc Thượng viện Mỹ thông qua gói kích thích kinh tế 1.900 tỷ USD vào cuối tuần trước và hiện đang chờ Tổng thống Mỹ Joe Biden ký sắc lệnh triển khai cũng chỉ giúp cho giá vàng tăng một chút thêm 10 USD/ounce vào ngày 8/3 rồi lại giảm trở lại vào ngày hôm nay.
Đối với giới đầu tư, sự kỳ vọng nền kinh tế toàn cầu phục hồi nhanh hơn dự kiến và nhu cầu giảm sút trong việc nắm giữ kim loại quý, tăng nhu cầu chuyển dịch vốn sang trái phiếu nên có thời điểm giá vàng mất hơn 30 USD/ounce.
Mặt khác, giới đầu tư tài chính lại dồn vốn vào cổ phiếu giúp thị trường chứng khoán châu Âu và phố Wall "đổ màu xanh" trở lại. Thế nên khi một phần của dòng tiền không chảy vào thị trường kim loại quý, giá vàng thiếu động lực đi lên.
Thời gian tới, giá vàng sẽ tiếp tục gánh chịu áp lực lao dốc từ đà bán ra của các quỹ đầu tư. Theo báo cáo mới nhất của Hội đồng Vàng thế giới cho thấy trong tháng 2-2021, các quỹ đầu tư đã bán 84,7 tấn vàng và chưa có dấu hiệu dừng lại.