Giày Thượng Đình sau cổ phần hóa: Cú ngã đau cho một thương hiệu quốc dân

Việc IPO không giúp Giày Thượng Đình khắc phục khó khăn mà thương hiệu này tiếp tục trượt dài trong thua lỗ và những tranh chấp về đất đai.

Khi quyết định IPO năm 2015, Công ty Cổ phần (CTCP) Giày Thượng Đình (Mã: GTD) chắc cũng không thể nghĩ được tới viễn cảnh một thương hiệu giày dép với tuổi đời hơn 60 năm, được ví như thương hiệu "quốc dân" này lại có kết quả kinh doanh bết bát đến như vậy.

Giày Thượng Đình và cú ngã sau cổ phần khóa: Tiếc nuối cho một thương hiệu quốc dân.

Khi ấy, Giày Thượng Đình quyết định IPO trên sàn HNX với hơn 1,9 triệu cổ phiếu tung ra với mức giá tham chiếu là 10.000 đồng/cp. Ngay sau khi mã GTD lên sàn, các nhà đầu tư đã nhiệt tình ủng hộ vì danh tiếng không thể chối bỏ của cái tên Thượng Đình. Có lúc, 22 triệu cổ phiếu GTD được đăng ký mua vào, gấp hơn chục lần số lượng chào bán với mức giá cao nhất lên đến 51.000 đồng/cp, giúp công ty thu về khoản vốn hóa lên tới hơn 1 nghìn tỷ đồng.

Nhưng đáng tiếc, tuần trăng mật của giày Thượng Đình sớm kết thúc khi những chuỗi ngày hậu cổ phần hóa diễn ra không hề suôn sẻ với kết quả là 4 năm liền từ 2016 tới 2020, công ty liên tiếp làm ăn thua lỗ và "ẵm" về các khoản nợ khổng lồ. Theo lý giải của công ty thì nguyên nhân là do việc xuất khẩu gặp khó khăn và không có đủ nhân công để sản xuất các đơn hàng.

Kết quả kinh doanh của giầy Thượng Đình những năm qua.

Chỉ tính trong năm 2020, doanh thu của giày Thượng Đình giảm mạnh xuống 104 tỷ đồng. Chưa kể chi phí nhân công và chi phí khấu hao tăng gần gấp đôi cộng với ảnh hưởng khủng khiếp của đại dịch Covid-19. Đến cuối năm tài chính 2020, Thượng Đình ghi nhận khoản lỗ lịch sử lên tới 114 tỷ đồng, tính lỗ lũy kế là hơn 48 tỷ đồng, chiếm suýt soát một nửa vốn điều lệ.

Đỉnh điểm là khi thực hiện kê khai thuế và báo cáo tài chính năm 2020. Đơn vị kiểm toán đã loại trừ khả năng thu lại các khoản thu ngắn hạn đang tồn đọng của công ty trị giá 11,87 tỷ đồng. Dẫu ban giám đốc Giày Thượng Đình cho rằng khoản công nợ sẽ được thu hồi nhưng rốt cục, Thượng Đình đã không vượt qua cuộc kiểm toán và bị bác bỏ khả năng thu hồi lại được số dư nợ tồn đọng này. Chưa kể, việc xác định khoản nợ này có tác động tới khoản lỗ trong năm tài chính của Thượng Đình cũng không thể làm rõ.

Khoản lỗ được ghi nhận của giày Thượng Đình.

Khi kiểm kho thì hàng tồn kho của công ty có nhiều vật tư, hàng thành phẩm bị chậm luân chuyển với số tiền đọng kho là 2,6 tỷ đồng. Số hàng này được giải thích là mặt hàng dự trữ cần thiết và không bị suy giảm giá trị tại thời điểm cuối năm 2020.

Tính đến hết ngày 31/12/2020, số dư nợ ngắn hạn của Giày Thượng Đình đã vượt quá giá trị của tài sản ngắn hạn tới hơn 4 tỷ đồng. Két của công ty chỉ còn 1,2 tỷ đồng tiền mặt, quá ít so với số nợ và công ty bị đánh giá là không có đủ khả năng trả món nợ ngắn hạn kể trên trong thời gian sớm.

Nhà máy giầy Thượng Đình đối mặt với vô vàn khó khăn.

Tính đến hết năm 2020, tổng tài sản của Giày Thượng Đình đạt xấp xỉ 110 tỷ đồng, giảm 33 tỷ đồng so với đầu năm. Nợ phải trả của công ty đang ở mức 65 tỷ đồng, giảm 20 tỷ đồng và chiếm 59% tổng nguồn vốn. Tuy nhiên công ty gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết nợ ngắn hạn, với con số ghi nhận là 55 tỷ đồng,  các khoản đi vay là khoảng 23 tỷ đồng. 

Hiện trên thị trường chứng khoán, mã cổ phiếu GTD chỉ còn ở mức 24.600 đồng/CP, giảm một nửa so với thời đỉnh cao 2015.

Cửa hàng kinh doanh mặt hàng giày Thượng Đình ở Thanh Xuân.

Thượng Đình là cái tên kỳ cựu với bề dày lịch sử hơn 60 năm, song gần một thập kỷ qua, các hãng giầy ngoại quốc đã tràn vào cùng với cơ chế mở cửa tự do thương mại của chính phủ Việt Nam khiến cho thị trường giày dép trở nên khốc liệt vô cùng. Những cái tên đình đám như Adidas, Puma, Nike, hay các thương hiệu của Trung Quốc với mẫu mã đẹp, thiết kế thời thượng đã nhanh chóng chiếm sạch thị phần của giày Thượng Đình. 

Một thương hiệu "quốc dân" khác là Biti's đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ.

Cuộc cạnh tranh khốc liệt đến mức, một cái tên kỳ cựu khác của ngành giày dép Việt Nam là Biti's cũng phải thay đổi tư duy và định hướng phát triển sản phẩm khi chịu chi hàng trăm tỷ đồng thực hiện các chiến lược nhận diện thương hiệu, các chiến dịch marketing rầm rộ để thu về các thành công lớn tạo tiền đề đứng vững trong trái tim người tiêu dùng Việt.

Thì đây vẫn là các hình ảnh quen thuộc của giầy Thượng Đình.

Vậy nhưng, Giày Thượng Đình lại chọn cách "im hơi lặng tiếng", công ty này không có nhiều thay đổi về mẫu mã. Vẫn cố chấp giữ nguyên những hình ảnh quen thuộc đã tồn tại hàng chục năm, thậm chí các sản phẩm của Thượng Định vẫn loanh quanh với các mẫu giày thể thao giá rẻ, có giá khoảng 100.000 đồng.

Giày Thượng Đình bị mặc định là giày "nhà nghèo", giày "bảo hộ lao động".

Những đôi giày bata, giày vải bị gán mác là giày cho dân lao động, giày "thợ", giày "phụ hồ" đã nhanh chóng bó hẹp tệp khách hàng của Thượng Đình. Cái tên Thượng Đình cuối cùng chỉ còn được nhắc tới là một loại giày siêu bình dân, thậm chí chỉ ngang hàng với "hàng chợ" và hàng giá rẻ nhập Trung Quốc.

Tất nhiên, Thượng Đình "không có cửa" chen chân vào cuộc đua với các thương hiệu giày cao cấp, việc giành giật thị phần chỉ còn là bài toán không lời giải và họ đành an phận trở thành kẻ hết thời. Gặp nhấm lại chút vinh quang quá khứ còn sót lại.

Giày Thượng Đình cố tồn tại với chút vinh quang quá khứ sót lại.

Ban Giám đốc của giày Thượng Đình đầu năm 2021 đã đưa ra các  thông tin lạc quan hơn như công ty đã nhận được nhiều đơn hàng xuất khẩu, các khoản nợ đến hạn đã được thanh toán trước hạn và công ty cam kết sẽ duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, trả lương đầy đủ cho người lao động

Theo kế hoạch, UBND TP Hà Nội buộc phải thoái toàn bộ gần 70% số vốn tại Giày Thượng Đình trước ngày 31/12/2020, nhưng đến hiện tại việc thoái vốn vẫn chưa hoàn tất bởi những tranh chấp và khó khăn trong việc xác định giá trị của các khu đất vàng mà Giày Thượng Đình đang sở hữu nằm tại  phố Hạ Đình, quận Thanh Xuân và Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, Hà Nội.

Khu "đất vàng" của giày Thượng Đình đang có nhiều vướng mắc không thể giải quyết để di dời nhà máy.

Các khu đất này cũng chính là điểm tựa cuối cùng của Giày Thượng Đình. Chủ yếu là đến từ khu đất hơn 36.000 m2 được sử dụng làm nhà xưởng tại quận Thanh Xuân, Hà Nội. Đây giống như một khoản đảm bảo giúp Thượng Đình thu hút được nhà đầu tư thời điểm mới IPO. 

Theo lộ trình thì nhà máy giầy Thượng Đình sẽ phải di dời ra khu vực ngoại đô, bản thân đơn vị này cũng muốn "đi càng sớm càng tốt" để tránh khoản tiền thuê đất đắt đỏ hàng chục tỷ đồng. Ban quản trị cho biết sẽ đẩy nhanh việc thoái vốn và cố gắng cầm cự trong thời gian tới. Song nếu quá trình này tiếp tục kéo dài bởi không thể tiến hành ổn thỏa việc định giá thuê lại khu đất và tìm được đối tác phù hợp, chắc chắn các khoản dư nợ tồn đọng sẽ ngày càng tăng cao và khó giải quyết hơn.

Giày Thượng Đình có nguy cơ chỉ còn trong dĩ vãng.

Đối với những người hoài cổ, thì không ai muốn cái tên giày Thượng Đình biến mất. Còn đối với những người hiểu chuyện, viễn cảnh thêm một thương hiệu "quốc dân" chỉ còn trong ký ức đang đến rất gần, giống như những cái tên dĩ vãng như dầu Con Ó, Diêm Thống Nhất hay xà phòng Dạ Lan...

Bài liên quan

News feed