Hạ cánh nơi anh bản Việt - Triều: Yêu 31 năm mới được cưới, đích thân chủ tịch nước đi "xin dâu"
- Alice Pham
- Đăng lúc: Thứ bảy, 12/02/2022 21:51 (GMT +7)
Chuyện tình xuyên biên giới được ví như "Hạ cánh nơi anh" bản Việt - Triều cuối cùng cũng nở hoa sau 31 năm cặp đôi này xa cách.
Người hâm mộ phim "Hạ cánh nơi anh" hẳn đều ngưỡng mộ về mối tình xuyên biên giới giữa chàng đại uý Triều Tiên (Bắc Hàn) và cô gái tài phiệt Hàn Quốc. Vượt qua bao định kiến về khoảng cách địa lý, chính trị, Ri Jung Hyuk (Hyun Bin đóng) và Yoon Se Ri (Son Ye-jin đóng) vẫn trở về bên nhau. Nhưng ít ai biết rằng, ngoài đời thực vẫn tồn tại mối tình xuyên biên giới, thời đại được ví như Hạ cánh nơi anh phiên bản Việt - Triều.
Mối tình ngang trái giữa chàng sinh viên Việt và cô gái Triều Tiên
Ông Phạm Ngọc Cảnh, sinh ra tại Hà Nội, là 1 trong 200 sinh viên được chọn đến học tại Triều Tiên vào những năm 1960, 1970. Năm 1971, Ngọc Cảnh là sinh viên Đại học Hóa học Công nghiệp Hàm Hưng và đến thực tập tại nhà máy phân hóa học Hưng Nam. Cũng tại thành phố biển nên thơ ấy, ông gặp định mệnh của đời mình, bà Ri Yong Hui - nữ nhân viên phòng thí nghiệm tại nhà máy.
Ngay từ giây phút đầu nhìn thấy Yong Hui, chàng sinh viên Việt đã thốt lên trong lòng: "Nếu cô ấy là vợ mình thì hay quá!". Ri Yong Hui cũng vậy, cô gái rất ấn tượng với chàng sinh viên khôi ngô ấy, nhưng ý nghĩ đó cũng vụt tắt vì cô biết rằng chuyện tình này sẽ không thành.
Được biết, thời điểm bấy giờ, cả Triều Tiên và Việt Nam đều không cho phép yêu đương, kết hôn với người nước ngoài. Nhiệm vụ của sinh viên Việt Nam là tập trung học tập để trở về xây dựng Tổ quốc sau chiến tranh. Phía Triều Tiên thì gay gắt hơn, họ tuyệt đối không cho phép kết hôn với người nước ngoài.
Thế nhưng tình yêu đã khiến họ xích lại gần hơn. Khi đó, Ngọc Cảnh chỉ mới 22 tuổi, còn Yong Hui thì hơn anh một tuổi. Chính Ngọc Cảnh đã chinh phục "tình yêu sét đánh" của mình trong thời gian anh thực tập tại đây. Họ chụp ảnh cùng nhau và gói vào chiếc khăn mùi xoa rồi trao cho Ri Yong Hui giữ. Bức ảnh đó được họ gìn giữ như báu vật và được xem như là vật tín tình yêu của hai người.
Trong suốt thời gian yêu đương thận trọng, Ngọc Cảnh thường lui tới gia nhà người yêu để thăm cô. Thấm thoát gần 2 năm thì chàng sinh viên phải về nước sau khi hoàn thành tốt nghiệp. Ngày chia tay, Ngọc Cảnh tìm trốn tại nhà bạn gái. Nghĩ đến chuyện tình éo le không có hậu, Ri Yong Hui đã ngỏ: "Hay chúng mình tự tử đi anh." Thế nhưng ý nghĩ này đã bị Ngọc Cảnh xua đi và hứa với cô rằng hãy chờ mình.
Để có thể duy trì chuyện tình giấu kín này, thanh niên Việt đã mua một lô phong bì viết sẵn địa chỉ Ngân hàng Nhà nước, nơi mẹ anh làm việc, ghi tên người nhận là mẹ và dặn khi viết thư thì cho vào phong bì ấy, dán lại và gửi về Việt Nam chứ không dám để địa chỉ nhà.
"Chào đồng chí. Đồng chí Ri Yong Hui lúc này có mạnh khỏe không? Công việc thế nào? Mùa đông năm nay, tuyết ở Hàm Hưng có đổ dày hơn không?", "Chúc đồng chí luôn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao?". Họ gửi thư hỏi thăm nhau, xưng nhau là "đồng chí". Những cánh thư gửi đi trong sự bồn chồn, lời lẽ vô cùng thận trọng, không dám nhắc một lời đến yêu thương nhưng điều này không khiến họ thôi nuôi hy vọng ngày đoàn tụ.
Năm 1978, Ngọc Cảnh sang Triều Tiên công tác và hẹn gặp được người yêu đúng 1 lần rồi lại về nước. Ông tiếp tục dặn người yêu chờ mình, hẹn thời điểm thích hợp sẽ kết hôn. Ri Yong Hui cũng một lòng một dạ với người mình yêu, đợi chờ bạn trai sống cách mình 5.000 cây số.
Yêu 31 năm mới được cưới, đích thân chủ tịch nước đi "xin dâu"
20 năm sau, tức vào năm 1997, thấy con trai không chịu lấy vợ và lần đầu được nghe con kể về mối tình câm lặng trong 26 năm. Cha của Ngọc Cảnh mới viết thư gửi Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm để nhờ giải quyết, chấp nhận cho con ông và Ri Yong Hui được kết hôn và sống với nhau. Thế nhưng phía Triều Tiên không hồi đáp đề nghị của đoàn Việt Nam.
Những năm đó, Triều Tiên lâm vào cảnh thiếu đói, thiên tai, Việt Nam lúc này đã viện trợ và cho lãnh thổ này vay hàng trăm nghìn tấn gạo cho đến năm 2000. Trong số hàng trăm nghìn tấn gạo ấy, có 7 tấn mà bản thân Ngọc Cảnh quyên góp được.
Năm 2002, Việt Nam lại có đoàn sang Triều Tiên nhằm duy trì không khí nồng ấm ngoại giao giữa hai nước, đẫn đầu đoàn là Chủ tịch nước Trần Đức Lương. Biết được câu chuyện tình trắc trở của Ngọc Cảnh và bạn gái Triều Tiên, nguyên Chủ tịch nước khi ấy không kìm được nước mắt. Để se duyên cho cặp đôi xa cách mấy chục năm trời, ông Trần Đức Lương đã đích thân sang nước bạn "xin dâu". Lần này, lời đề nghị này được phía Triều Tiên chấp thuận.
Tháng 9/2002, Đại sứ quán nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên tại Việt Nam gửi công hàm đến Bộ Ngoại giao Việt Nam thông báo, việc kết hôn được phê chuẩn bởi Ủy ban Thường vụ Hội nghị nhân dân tối cao Triều Tiên.
Khi ấy, Ngọc Cảnh phải ở đại sứ quán 15 ngày mới đưa anh ra gặp vợ sắp cưới. Gặp được Yong Hui, ông liền lao ra cầu thang, ôm lấy người yêu mà khóc như mưa. Hôn lễ của 2 người sau đó được tổ chức đơn giản theo nghi thức truyền thống tại Đại sứ quán Việt Nam tại Bình Nhưỡng.
Ngày 31/12/2002, cuộc hôn nhân vượt biên giới đã được tổ chức Hà Nội với 800 khách mời. Đám cưới nhà trai được tổ chức linh đình như giải tỏa bao nhớ mong, khát khao dồn nén 31 năm của "đôi trẻ" đã bước sang tuổi ngũ tuần.
Từ khi hội ngộ với vợ, Ngọc Cảnh đi đâu cũng đưa vợ theo, như thể bù đắp lại những tháng năm xa cách. Còn bà Ri Yong Hui, dù luôn đau đáu nỗi nhớ cố hương nhưng bên bà luôn có người chồng yêu chiều và tình yêu cháy bỏng.