Cách làm sạch mặt bếp từ, bếp hồng ngoại để dùng lâu vẫn bóng như mới mua
- Thùy Linh
- Đăng lúc: Thứ ba, 19/01/2021 23:11 (GMT +7)
Biết cách làm sạch mặt bếp từ, bếp hồng ngoại, bạn sẽ ngăn chặn được sự tích tụ của thức ăn, dầu mỡ bám trên bếp, giúp bếp luôn bền đẹp, sáng bóng.
Gốm thủy tinh là chất liệu được sử dụng rộng rãi cho bề mặt của bếp từ, bếp điện tử. Nó có ưu điểm là độ bền cao, chịu nhiệt tốt, lại có vẻ ngoài bóng bẩy, dễ dàng lau chùi. Mặt bếp thường có màu trắng hoặc đen, có thể trong suốt hoặc mờ đục tùy vào nhà sản xuất, đem lại độ thẩm mỹ cao. Hầu hết các bề mặt bếp này đều sử dụng cuộn dây nhiệt bức xạ cho phép đầu đốt nóng lên nhưng vẫn cho phép các bề mặt bên cạnh vẫn mát.
Mặc dù độ bền cực kỳ cao nhưng không vì thế mà chúng ta chủ quan khi sử dụng bếp có bề mặt làm bằng chất liệu này. Nếu không cẩn thận thì chúng vẫn có thể bị xước khi bạn kéo lê xoong chảo trên mặt, bị vật nặng rơi trúng hoặc vết dầu mỡ lâu ngày không chùi rửa trở nên cháy khét khi bếp hoạt động trở lại.
Bao lâu thì cần vệ sinh mặt bếp nấu bằng gốm thủy tinh?
Tốt nhất bạn nên lau bếp sau mỗi lần sử dụng, ngăn chặn thức ăn, dầu mỡ bắn tung tóe tích tụ nhiều ngày. Ngay cả khi không thường xuyên dùng bếp nấu, bề mặt bếp vẫn phải được làm sạch sâu ít nhất 1 lần/tuần để bếp luôn sáng bóng và bền đẹp.
Bạn cần chuẩn bị:
- Giấm trắng chưng cất
- Xà phòng rửa bát
- Baking soda
- Kem tẩy đa năng cho bề mặt kính (nếu cần)
- Khăn vải mềm (không xơ)
- Miếng bọt biển
- Dao cạo bằng nhựa
- Bình xịt phun sương
Hướng dẫn thực hiện:
1. Tắt bếp, để nguội
Không chỉ riêng với bếp nấu mà tất cả các thiết bị điện tử trước khi vệ sinh cần được tắt nguồn, rút điện, để nguội hoàn toàn để đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
2. Pha dung dịch làm sạch
Mặc dù có thể tìm mua chất tẩy rửa đa năng dành cho mặt bếp bằng gốm thủy tinh nhưng để tiết kiệm chi phí và đảm bảo an toàn, bạn có thể tự chế dung dịch sau: Cho một cốc nước nóng và một cốc giấm trắng chưng cất vào bình xịt, thêm nửa thìa xà phòng rửa bát có thành phần đánh bay dầu mỡ. Lắc đều tay để các thành phần trộn lại cùng nhau. Dung dịch này được sử dụng để vệ sinh mặt bếp hàng ngày, sau khi nấu nướng.
3. Vệ sinh mặt bếp
Dùng bình xịt phun sương xịt dung dịch trên lên bề mặt bếp, chờ 1-2 phút để các thành phần bắt đầu hoạt động. Dùng miếng bọt biển lau sạch theo vòng tròn một cách nhẹ nhàng.
4. Rửa sạch và lau khô mặt bếp
Rửa sạch miếng bọt biển trong nước sạch và lau sạch cặn xà phòng nhiều lần. Điều này rất quan trọng bởi vì nếu bạn để lại lượng dung dịch dư thừa trên mặt bếp, nó sẽ bị “cháy” trên bếp khi bếp hoạt động trở lại. Kết thúc bằng việc dùng một miếng khăn mềm hoặc vải không xơ để lau khô mặt bếp.
5. Cách loại bỏ thức ăn bị cháy
Ở những khu vực có thức ăn bị cháy, bạn có thể sử dụng kem tẩy đa năng cho bề mặt kính hoặc dung dịch tự chế như sau để xử lý chúng:
Xịt giấm trắng chưng chất vào bề mặt có thức ăn bị cháy rồi rắc một ít bột baking soda, hiện tượng sủi bọt sẽ xảy ra. Nhúng khăn mềm vào nước ấm và vắt cho đến khi chỉ còn hơi ướt. Dùng khăn đậy kín hỗn hợp giấm trắng và baking soda, để yên chiếc khăn trên bề mặt bếp khoảng 15 phút. Lấy khăn ra, sử dụng miếng bọt biển để chùi rửa khu vực đó, tương tự như bước trên. Dùng bọt biển nhúng nước sạch để vệ sinh lần cuối và lau khô bằng khăn, vải mềm.
6. Cạo bỏ mảng bám “cứng đầu”
Nếu trên bề mặt vẫn còn những vết thức ăn “cứng đầu” do đã bám chắc từ lâu mà không được vệ sinh kịp thời, bạn có thể sử dụng dao cạo bằng nhựa (loại chuyên dùng cho mặt kính để không không trầy xước).
Dùng khăn ẩm đặt lên chỗ cần xử lý khoảng 15 phút để vết bẩn mềm ra, giữ lưỡi dao cạo ở một góc 45 độ, từ từ loại bỏ phần thức ăn bị cháy. Khi vết bẩn không còn, hãy làm sạch tổng thể bằng giấm trắng hòa với nước và xà phòng rửa bát. Lau sạch bằng miếng bọt biển và lau khô bằng khăn mềm.