John Galliano: Thành lũy bảo vệ Haute Couture trước thời trang nhanh
- Hải Đường
- Đăng lúc: Thứ năm, 31/12/2020 08:48 (GMT +7)
John Galliano giống như thành lũy cuối cùng bảo vệ Haute Couture trước sự xâm lăng của xu hướng thời trang nhanh.
John Galliano là hiệp sĩ đơn độc chống lại cơn sóng thần mang tên thời trang nhanh. Trong thời kỳ mà thời trang chỉ đúng nghĩa là áo quần đắp lên người, làm sao để tiện nhất để bỏ vào máy giặt thì Galliano vẫn theo đuổi thứ áo quần rực rỡ và phù phiếm. Gã hiệp sĩ cần mẫn theo đuổi định nghĩa về cái đẹp mà chỉ còn số ít đoài hoài.
Tuổi thơ khắc nghiệt của một thiên tài
John Galliano xuất thân từ một gia đình nhập cư Tây Ban Nha nghèo khổ, túng quẫn sống tại ngoại ô Nam London của dân nhập cư thấp hèn.
Ngay từ khi còn là một cậu nhóc nhỏ thó, Galliano đã biết rằng mình và thời trang là mối tình không bao giờ có thể tách rời. Dù diện đồng phục nhưng Galliano vẫn tìm cách biến tấu một chút trên trang phục để mình trở nên nổi bật. Điều này biến cậu trở thành tâm điểm bắt nạt tại trường. Ở nhà Galliano cũng không thể chia sẻ được với ai. Cha cậu, một người đàn ông gày còm, cục cằn sẵn sàng thẳng tay tặng cho Galliano vài cái bạt tai nếu cậu chia sẻ rằng mình bị bắt nạt. Bởi với ông ta, sự khác biệt về ngoại hình và tâm hồn của Galliano là biểu hiện của kẻ hèn yếu. May mắn thay, cái vòng tròn luẩn quẩn của đói nghèo, bạo lực đó không khuất phục được thiên tài.
Bước tiến của một thiên tài
Mọi chuyện chỉ khá hơn khi Galliano theo học tại Central Saint Martins - điện thờ tạo nên những vĩ nhân của làng thời trang thế giới như Alexander McQueen, Stella McQueen, Riccardo Tisci. Tại đây, những điều khác biệt bị hắt hủi của Galliano lại trở thành lợi thế để ông được tán dương và yêu mến. Trong thời kỳ theo học tại trường, Galliano có công việc làm thêm là quản lý phục trang cho một nhà hát. Đây cũng là cái nôi để biến những thiết kế sau này của Galliano trở thành những tác phẩm nghệ thuật mang câu chuyện hơn là áo quần thông thường.
BST tốt nghiệp của ông mang tên Les Incroyables được lấy cảm hứng từ Cách mạng Pháp thế kỷ 18 - là một hồi chuông thức tỉnh với thế giới rằng, một cuộc cách mạng, một kẻ tiên phong tạo nên những điều hoang đường nhất đã nhập cuộc đua. Thời trang cao cấp hãy chờ đó, Galliano đã sẵn sàng chiến đấu.
Kẻ ngang tàng tìm lối đi riêng
Galliano cứ thế, khiến cả thế giới phải quỳ rạp dưới chân mình. Những thiết kế của John không phải là quần áo theo xu hướng, được làm ra để đáp ứng nhu cầu của những kẻ tầm thường. Mỗi bộ áo quần của Galliano là một câu chuyện. Những người mẫu khoác lên mình trang phục của John không đơn thuần khoác lên mình những thiết kế và cứ như vậy bước ra đường băng trình diễn, thực sự là họ đã hóa thân vào bộ trang phục mà John đưa cho họ.
Có lúc là một nàng công chúa bước ra từ cổ tích, khi thì là nữ hoàng Marie Antoinet với vết cứa ở cổ bước ra cùng mục sư, đôi lúc lại là những vương hậu châu Á đầy ma mị... Những người mẫu với vai trò vừa như người kể chuyện vừa như những diễn viên trong một vở kịch, khi thì trầm mặc dịu dàng lúc thì hoang dã, bạo liệt và tràn đầy năng lượng. Cuối mỗi vở diễn, John bé nhỏ sẽ kết lại show diễn trong những trang phục khi thì bảnh bao, lúc thì như gã côn đồ.
John cứ thế khật khưỡng bước qua những vinh quang của thời trang.Sau 15 tháng nắm quyền tại Givenchy, Galliano dành 15 năm cuộc đời từ năm 1996 - 2011 để ngồi vào ngai vàng Dior.
Dior trong thời kỳ của Galliano vẫn giữ được "gen gốc" từ những người tiền nhiệm nhưng bạo liệt và hoang dại hơn. Dior trở thành một thương hiệu mà người ta chỉ dám len lén ngưỡng vọng vì quá dị biệt nhưng ai ai cũng muốn một lần được nếm trải sự khác thường đó.
Tuy nhiên, dưới áp lực cao khi đứng đầu một thương hiệu danh tiếng, Galliano chìm vào rượu bia và chất kích thích để cuốn trôi đi những sự tuyệt vọng và áp lực của bản thân. Đã từng có thời kỳ Galliano chia sẻ rằng, mình bị ám ảnh bởi sự hoàn hảo, hàng ngàn tiếng nói chì triết bám rễ vào tâm trí ông và nếu không tìm tới chất kích thích để giải tỏa, chẳng chóng thì chầy, ông sẽ trượt vào hố đen như người đông môn Alexander McQueen.
Vào ngày 25/2/2011, Dior tuyên bố sa thải Galliano sau khi ông bị bắt gặp có những lời lẽ phân biệt chủng tộc. Sự kiện này chỉ trước show diễn Thu/Đông 2011 vài ngày. Show diễn cuối cùng John không xuất hiện, những môn đồ của ông chỉ thầm nuốt nước mắt vào trong mà thì thầm với nhau rằng "Nhà vua đã băng hà". Rượu, chất kích thích và những lời "vạ miệng" đã trở thành lí do hợp thức hóa để các nhà đầu tư sa thải và đã bóp nát một tài năng.
Nhà vua trở lại
Bỏ lại những vết nhơ, bỏ lại ma men, Galliano sống lại. Thế giới thời trang một lần nữa reo lên rằng nhìn xem kìa nhà vua đã tái sinh! Nhờ sự giúp sức của những người bạn như Anna Wintour, Kate Moss, Evangelista, Diane von Furstenberg, Oscar de la Renta, John đã quay lại làng mốt với ví trí Giám đốc sáng tạo của Maison Margiela. Tuy nhiên, đối với cả những kẻ mơ mộng nhất cũng phải đắt dấu hỏi: "Liệu cái sự bay bổng của John có đi được với sự thực tiễn của Margiela? Một sự sánh đôi có phần khập khiễng."
Những thiết kế của John trong thời kỳ này dịu dàng hơn, dè dặt hơn, không còn cái chất điên rồ bay bổng như thời Dior. tuy nhiên, những đường cắt may tuyệt hảo, kỹ thuật chồng lớp bậc thầy và những câu chuyện ẩn sau mỗi thiết kế vẫn được ông nâng niu, giữ gìn và bảo toàn nguyên vẹn.
Dù không còn ở thời kỳ đỉnh cao như 25 năm trước nhưng tài năng của Galliano vẫn khiến người khác phải ngưỡng vọng. Trong trái tim của những con chiên thời trang, ông mãi là kẻ điên theo đuổi những giấc mơ thời trang vĩ cuồng nhưng sâu sắc.