Khám phá lịch sử hơn 100 năm của Gucci: Đế chế thời trang hàng đầu nước Ý
- Lâm Nguyễn
- Đăng lúc: Thứ ba, 08/03/2022 08:00 (GMT +7)
Là một trong những thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới, Gucci từng trải qua vô vàn thăng trầm trong hơn 100 năm lịch sử hình thành và phát triển.
Nhắc đến những thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới không thể không nói tới nhà mốt Gucci của nước Ý. Năm 2021 vừa qua đã đánh dấu cột mốc 100 năm thành lập thương hiệu Gucci. Trải qua hơn 100 năm lịch sử, thương hiệu nước Ý đã từng trải qua rất nhiều thăng trầm để vươn lên thành một đế chế thời trang.
>>> Xem thêm: Gucci hoàn toàn ngó lơ “House of Gucci”
Guccio Gucci và niềm đam mê đồ da mãnh liệt
Guccio Gucci sinh năm 1881 trong một gia đình trung lưu có truyền thống làm đồ da ở vùng Florence, nước Ý. Tuy nhiên vào những năm 1890, do việc kinh doanh của gia đình gặp nhiều khó khăn, Guccio Gucci đã phải rời xa quê hương để tới nơi khác kiếm việc làm.
Năm 1897, cậu thanh niên Guccio Gucci làm công việc bốc vác hành lý tại khách Savoy ở London, nước Anh. Chính tại nơi đây, Guccio đã bị thu hút bởi những chiếc vali đầy tính nghệ thuật của các vị khách. Điều này đã thôi thúc Guccio quay về quê hương vào năm 1902 và làm việc cho Franzi - một nhà sản xuất hành lý bằng chất liệu da. Công việc này đã đem tới cho Guccio Gucci kĩ thuật làm nghề thủ công điêu luyện để tạo ra những chiếc vali và túi xách xuất sắc.
Năm 1921, Guccio Gucci rời Franzi để thành lập thương hiệu mang tên của mình. Cửa hàng Gucci đầu tiên được mở ở vùng Via della Vigna Nuova thuộc Florence, và tiếp sau đó là một cửa hàng khác được khai trương ở Via del Parione.
Những trở ngại từ cuộc Chiến tranh Thế giới II
Guccio Gucci có ba người con trai lần lượt là Aldo Gucci, Vasco Gucci và Rodolfo Gucci. Mỗi người con đóng một vai trò khác nhau trong việc phát triển thương hiệu Gucci. Aldo Gucci chính là người đã thiết kế logo của thương hiệu, gồm 2 chữ G lồng vào nhau, là tên viết tắt của người sáng lập Guccio Gucci.
Năm 1935, Hội Quốc Liên, tiền thân của Liên Hợp Quốc được thành lập sau Thế chiến thứ nhất, đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Vương quốc Ý nhằm buộc nước này từ bỏ cuộc chiến chống lại Đế quốc Ethiopia. Lệnh cấm vận tới từ các nước khác đã gây nhiều thiệt hại cho các doanh nghiệp của Ý, bao gồm cả Gucci. Chất liệu da thuộc thiếu hụt nghiêm trọng, làm ảnh hưởng tới quá trình sản xuất của Gucci, báo hiệu dấu chấm hết cho thương hiệu này. Bất chấp những khó khăn, Gucci đã tạo ra những sản phẩm độc đáo bằng cách sử dụng các chất liệu thay thế cho những vật liệu không có sẵn. Guccio Gucci đã tìm ra cách thay thế da nhập khẩu và các vật liệu khác bằng vải sử dụng sợi gai dầu dệt từ Naples, vải canvas, hoặc thậm chí là dùng tre cho quai túi xách.
Thương hiệu Gucci hậu chiến tranh
Sau khi Thế chiến II kết thúc, nhu cầu dùng đồ xa xỉ cũng tăng cao. Bên cạnh việc tiếp tục sản xuất các mặt hàng bằng da thuộc, Gucci cũng tích cực đẩy mạnh những sản phẩm canvas.
Hệ thống cửa hàng Gucci liên tiếp được mở rộng trên khắp nước Ý, đặc biệt là ở Rome và Milan. Con trai cả của Guccio Gucci là Aldo Gucci là người tiên phong đưa thương hiệu ra thế giới. Năm 1953, cửa hàng quốc tế đầu tiên của Gucci được khai trương tại New York, Mỹ. Chỉ 15 ngày sau khi cửa hàng này được mở, Guccio Gucci qua đời tại Milan. Việc kinh doanh thương hiệu được chuyển giao cho các con trai của Guccio phụ trách: Aldo nắm quyền kiểm soát các hoạt động ở Mỹ, Vasco xử lý việc kinh doanh ở Florence, trong khi Rodolfo quản lý mọi thứ ở Milan.
Cũng vào năm 1953, nhà mốt nước Ý cho ra mắt sản phẩm bán chạy nhất lịch sử thương hiệu: giày Horsebit Loafer. Đây là đôi giày lười được làm thủ công tại xưởng của hãng ở Florence, sử dụng chất liệu da mềm mại và chất lượng nhất, và còn được trang trí với phụ kiện horsebit nhằm gợi nhớ quá khứ sản xuất hụ kiện cưỡi ngựa của thương hiệu.
Nhằm tăng sức cạnh tranh với các đối thủ, Gucci còn tạo nên hoạ tiết hình quả trám gọi là monogram Diamante trên nền vải canvas. Các sản phẩm monogram nhận được sự yêu thích từ các ngôi sao điện ảnh Hollywood, giúp Gucci ngày càng khẳng định tên tuổi của mình trong ngành thời trang toàn cầu. Ngoài ra, hoạ tiết mang sọc xanh và đỏ - ngày nay gọi là hoạ tiết Web - cũng trở nên phổ biến trên các sản phẩm của Gucci.
Aldo Gucci cũng liên tục mở rộng thương hiệu tại các nước phương Đông. Các cửa hàng lần lượt được mở ở Tokyo và Hồng Kông vào năm 1972 và 1974, trong khi một cửa hàng mới được ra mắt ở New York cho dòng quần áo của Gucci.
Vào năm 1975, thương hiệu hàng đầu nước Ý đã cho ra mắt Gucci No. 1, dòng nước hoa đầu tiên đánh dấu sự gia nhập của công ty vào thị trường làm đẹp đầy triển vọng.
Tranh chấp gia tộc vào thập niên 1980s
Gucci làm ăn rất phát đạt vào những năm sau chiến tranh. Tuy nhiên, tới thập niên 80s, thương hiệu nằm trên bờ vực khủng hoảng gây ra bởi những tranh chấp trong nội bộ gia đình.
Năm 1974, Vasco Gucci qua đời, sau đó Aldo và Rodolfo chia đều công việc kinh doanh cho nhau. Tuy nhiên, các con trai của Aldo cảm thấy rằng chú của họ - Rodolfo, không đóng góp được gì cho sự phát triển của doanh nghiệp. Aldo sau đó thành lập một công ty nước hoa với tư cách là một công ty con của Gucci và giữ 80% cổ phần cho chính mình và các con trai của mình. Và rắc rối trong gia đình không ngừng tăng lên sau đó.
Paolo, người từng là phó chủ tịch của Gucci và là một trong những người con của Aldo, đã nổi loạn và quyết định thành lập một thương hiệu Gucci của riêng mình. Điều này đã khiến Aldo Gucci tức giận và kiện con trai mình trên toà, đe dọa các nhà cung cấp không được hợp tác với Paolo. Để đáp trả, Paolo đã cáo buộc cha mình, chú Rodolfo, các anh trai Giorgio và Roberto, và em họ Maurizio rằng họ đã hành hung mình trong cuộc họp hội đồng quản trị. Paolo cũng công khai việc cha mình trốn thuế, khiến Aldo Gucci phải ngồi tù vào năm 1986.
Trong khi đó, Rodolfo qua đời vào năm 1983 và con trai ông là Maurizio được thừa kế một phần cổ phần của cha mình. Maurizio sau đó bắt đầu nỗ lực chiếm lấy quyền kiểm soát toàn bộ hoạt động kinh doanh của Gucci. Bị bác và anh em họ của mình cáo buộc tội giả mạo chữ ký của Rodolfo Gucci, Maurizio đã phải trốn sang Thụy Sĩ. Maurizio bị kết án trốn thuế nhưng sau đó đã được xóa bỏ mọi cáo buộc.
Đến năm 1988, cổ phần của Aldo và các con trai trong công ty đã được doanh nghiệp Investcorp có trụ sở tại Bahrain mua lại. Maurizio sau đó đã nắm quyền kiểm soát tập đoàn Gucci với tư cách là chủ tịch vào năm 1989 với sự đồng thuận của Investcorp. Nhưng vào thời điểm đó, việc kinh doanh của Gucci đã trở nên vô cùng lộn xộn. Vào năm 1993, Maurizio bán luôn phần cổ phiếu còn lại của mình. Từ đây, thương hiệu Gucci chính thức thoát khỏi sự ràng buộc với gia tộc Gucci. Bi kịch chưa dừng lại ở đó. Năm 1995, Maurizio qua đời ở Milan do bị chính vợ của mình Patrizia Reggiani thuê người ám sát chồng.
Xuyên suốt thập niên 80s, Gucci được biết tới không phải vì chất lượng sản phẩm mà bởi những sóng gió trong nội bộ gia tộc. Sau khi mua lại toàn bộ cổ phần của gia tộc Gucci, Investcorp đã cho Domenico De Sole, luật sư của gia đình Gucci, lên làm chủ tịch thương hiệu tại Mỹ năm 1994. Năm 1995, ông trở thành tổng giám đốc điều hành.
Những nỗ lực hồi sinh thương hiệu Gucci
Nhằm ngăn chặn sự phá sản của thương hiệu, Dawn Mello, chủ tịch của Bergdorf Goodman, đã được bổ nhiệm làm giám đốc sáng tạo của Gucci. Dawn Mello đã thuê Tom Ford làm nhà thiết kế cho dòng hàng may sẵn vào năm 1990, mặc dù lúc bấy giờ ông chẳng có chút kiến thức gì về thời trang. Bên cạnh việc cải tổ đội ngũ thiết kế của thương hiệu, Dawn Mello cũng dời trụ sở chính của Gucci từ Milan về Florence. Bà cũng cắt giảm các mặt hàng từ 20.000 xuống chỉ còn 5.000 sản phẩm.
Tới năm 1994, Dawn Mello quay về Bergdorf Goodman, khiến Tom Ford được cất nhắc lên làm giám đốc sáng tạo. Những thiết kế của Tom Ford mang đầy tính quyến rũ đã ngay lập tức đã thay đổi hình ảnh của Gucci.
Nhờ những nỗ lực đó, Gucci một lần nữa trở thành một trong các thương hiệu thời trang xa xỉ được yêu thích nhất. Từ năm 1995 tới 1997, doanh số của thương hiệu cứ đều đặn tăng gấp đôi mỗi năm.
Thập niên 2000s: Gucci trở nên mờ nhạt dưới sự điều hành của Frida Giannini
Với sự đồng tình của Tom Ford và Domenico De Sole, Investcorp đã bán lại Gucci cho tập đoàn PPR (về sau là Kering). Vào thời điểm thập niên 2000s, Gucci là một trong những thương hiệu thời trang được yêu thích hàng đầu thế giới, với bằng chứng tiêu biểu nhất là sản phẩm Gucci bị làm giả, làm nhái với số lượng cực lớn.
Tới năm 2004, do bất đồng quan điểm với PPR, Tom Ford và Domenico De Sole đều rời bỏ Gucci. Frida Giannini trở thành người đảm nhiệm vị trí giám đốc sáng tạo thay Tom Ford.
Khác với Tom Ford, Frida Giannini đã làm giảm bớt tính táo bạo trong các sản phẩm của Gucci, hướng tới những thiết kế duyên dáng và lãng mạn hơn. Frida cũng thích vay mượn những mẫu thiết kế cũ của Gucci và cách tân chúng cho các BST mới của thương hiệu. Điều này khiến sản phẩm của Gucci dần trở nên thiếu sự nhất quán.
Ngoài ra, ban giám đốc của Gucci đã đưa ra quyết định giảm bớt việc sử dụng hoạ tiết monogram GG trong sản phẩm. Đặc biệt là ở Anh, khi một thương hiệu dừng sử dụng monogram trong vòng 5 năm liên tiếp thì hãng sẽ mất quyền kiểm soát logo. Bởi vậy vào năm 2013, hoạ tiết monogram GG được Cục Sở hữu Trí tuệ của Vương quốc Anh cho phép các công ty khác sử dụng, đồng nghĩa với việc hợp lệ hoá hàng nhái của Gucci tại Anh.
Dưới sự chèo lái của Frida Giannini, doanh số của Gucci ngày càng ngưng trệ. Hậu quả là vào năm 2014, Gucci đã sa thải Frida Giannini (mặc dù họ tuyên bố với giới truyền thông là Frida xin từ chức).
Gucci một lần nữa trỗi dậy nhờ Alessandro Michele
Alessandro Michele là người thay thế vị trí của Frida Giannini. Alessandro Michele chính là một thành viên trong đội ngũ do Tom Ford từng tuyển chọn và đào tạo. Trước đó chẳng ai biết tới Alessandro, nhưng những nỗ lực phát triển thương hiệu đã khiến công chúng phải chú ý tới anh.
Giống như Tom Ford, Alessandro Michele tập trung vào việc tạo dựng một phong cách nhất quán cho các thiết kế của Gucci. Anh áp dụng phong cách maximalism, kết hợp các hoạ tiết monogram của thương hiệu với nét lãng mạn của phong cách thời trang thập niên 1970s.
Các BST sử dụng lối quảng cáo logomania dày đặc, không quá tập trung vào việc chạy theo các xu hướng thời trang mới nổi. Alessandro cũng ưa thích việc hợp tác với các nghệ sĩ âm nhạc để quảng bá sản phẩm của Gucci, giúp đưa thương hiệu tới gần hơn với giới trẻ.
>>> Xem thêm: Gucci đã ảnh hưởng đến các thế hệ nghệ sĩ nhạc Rock hiện đại như thế nào?
Như vậy, hành trình phát triển của Gucci đã kéo dài hơn một thế kỷ với rất nhiều những thăng trầm lớn nhỏ. Thế nhưng nhà mốt nước Ý vẫn mang sức sống mãnh liệt để chứng minh vị thế hàng đầu trong ngành thời trang thế giới.