Khánh Ly, Hồng Nhung và những bóng hồng gắn liền với nhạc Trịnh
- Manh
- Đăng lúc: Thứ năm, 01/04/2021 11:57 (GMT +7)
Cẩm Vân nhận định, phải là người từng trải qua thăng trầm trong cuộc sống mới có thể hát được những ca khúc của Trịnh Công Sơn.
1/4/2021 đánh dấu 20 năm ngày mất của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. 20 năm đã qua đi nhưng những sáng tác của ông vẫn để lại trong lòng người yêu nhạc cảm xúc bâng khuâng, xao xuyến khó tả.
Nhạc Trịnh đa số là nhạc buồn, mang giai điệu nhẹ nhàng, chậm rãi, đậm chất thơ, chiêm nghiệm về cuộc sống. Những giọng ca nổi tiếng với nhạc Trịnh cũng vì thế mà thường là những giai nhân có cách hát tự sự, độc đáo, thể hiện được cái hồn và tâm tư của người nhạc sĩ.
Khánh Ly
Danh ca Khánh Ly là người gắn liền với tên tuổi Trịnh Công Sơn. Cả hai bắt đầu được biết đến khi hát tại Quán Văn - một quán cà phê đơn sơ được dựng lên phong trào phục vụ thanh niên xã hội chủ trương, từ cuối năm 1966.
Chia sẻ về Khánh Ly, Trịnh Công Sơn kể, ông gặp bà một cách tình cờ lúc bà đang hát ở Đà Lạt. Ấn tượng với giọng hát của Khánh Ly, ông đã mời bà thể hiện những ca khúc của mình. Từ đó, danh ca Khánh Ly chỉ hát nhạc Trịnh chứ không hát nhạc người khác nữa.
"Đó cũng là lý do cho phép mình tập trung viết cho giọng hát đó và từ đó Khánh Ly không thể tách rời những bài hát của tôi cũng như những bài hát của tôi không thể thiếu Khánh Ly", ông nói.
Hoài niệm về giai đoạn cơ cực đói khổ nhưng đầy hạnh phúc những năm 1960, Khánh Ly kể: "Thực sự tôi rất mê hát. Không mê hát thì tôi không có đủ can đảm để đi hát với anh Sơn mười năm mà không có đồng xu, cắc bạc nào, phải chịu đói, chịu khổ, chịu nghèo, không cần biết đến ngày mai, không cần biết tới ai cả, mà chỉ cảm thấy mình thực là hạnh phúc, cảm thấy mình sống khi mình được hát những tình khúc của Trịnh Công Sơn".
Tên tuổi Khánh Ly gắn liền với nhiều ca khúc như Diễm xưa, Ca dao mẹ, Ngủ đi con, Còn tuổi nào cho em…
Đến nay, Khánh Ly vẫn được nhiều người nhận định là ca sĩ hát nhạc Trịnh hay nhất, tuy nhiên bà đã hơn một lần chối từ điều này. Bà cho rằng người hát nhạc Trịnh hay nhất phải là Trịnh Công Sơn. Ông cũng luôn là người đầu tiên hát những ca khúc của mình.
Lệ Thu
Dù Khánh Ly là người gắn bó với nhạc Trịnh thời gian dài nhất nhưng tên tuổi đầu tiên đưa sáng tác của Trịnh Công Sơn đến với công chúng là danh ca Lệ Thu. Lệ Thu và Trịnh Công Sơn từng đi hát du ca ở khắp các trường đại học quanh Sài Gòn.
Trong lần đầu tiên đứng trên sân khấu để hát ở phòng trà Bồng Lai, danh ca Lệ Thu khi đó tròn 18 tuổi đã chọn hát bài Tà Áo Xanh (Dang Dở) của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn.
Tuy nhiên sau đó, trong những năm đầu ca hát chuyên nghiệp, Lệ Thu chủ yếu hát nhạc nước ngoài rồi chuyển sang hát nhạc Việt. Ca khúc đầu tiên bà thu âm trong đĩa nhựa chính là 1 ca khúc của Trịnh Công Sơn: Xin mặt trời ngủ yên.
Ngay sau đó, những bài nhạc Trịnh khác như Hạ trắng, Lời buồn thánh đã góp phần đưa Lệ Thu trở thành một “nữ hoàng phòng trà” của Sài Gòn vào giữa thập niên 1960.
Dù không gắn bó với nhạc Trịnh nhiều như Khánh Ly, nhưng sau đó Lệ Thu vẫn tiếp tục hát và thu thanh rất nhiều ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như Dấu chân địa đàng, Biển nhớ, Tình xa...
Cẩm Vân
Cẩm Vân gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong một đêm nhạc vào năm 1984. Lúc đó, bà được khán giả yêu cầu hát một ca khúc nhạc Trịnh. Vì không thuộc lời, nữ ca sĩ định từ chối nhưng được đích thân Trịnh Công Sơn lên sân khấu động viên.
Sau này, Cẩm Vân đã cho ra mắt 3 album nhạc Trịnh gồm "Huế - Sài Gòn - Hà Nội", "Xin cho tôi", "Xin mặt trời ngủ yên".
Chia sẻ về nhạc Trịnh, Cẩm Vân cho rằng, phải là người từng trải qua thăng trầm trong cuộc sống mới có thể hát được những bản nhạc của ông.
"Nhạc của Trịnh Công Sơn rất dễ đi vào lòng người, ca từ sâu sắc, triết lý. Tôi cảm giác nhạc Trịnh như một cuốn từ điển mới, bởi có những từ ngữ anh Sơn viết trong bài hát mà từ điển không có. Đặc biệt, mỗi khi hát nhạc Trịnh, tôi luôn cảm nhận được những lời mà anh Sơn viết ra rất ý nghĩa và dạy cho mình phải trân trọng cuộc sống này từng giây, từng phút", Cẩm Vân nói.
Hồng Nhung
Khoảng 10 năm cuối đời của Trịnh Công Sơn, Hồng Nhung xuất hiện như một làn gió mới, khiến tâm hồn ông trẻ lại.
Ông sáng tác riêng cho Hồng Nhung 3 ca khúc gắn liền với biệt danh “Bống” của cô là Bống bồng ơi, Bống không là bống và Thuở bống là người. Ba ca khúc tạo nên một câu chuyện cổ tích về Bống. Trong đó, Thuở bống là người được đánh giá là ca khúc buồn nhất.
Ngoài bộ 3 ca khúc riêng, Hồng Nhung từng thể hiện thành công nhiều sáng tác của Trịnh Công Sơn như Ru em từng ngón xuân nồng, Đóa hoa vô thường.
Thời điểm hát nhạc Trịnh, Hồng Nhung mới chỉ 21 tuổi, vì vậy cô phải đón nhận nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, sau đó chính Trịnh Công Sơn đã lên tiếng bênh vực cô "Bống": "Hồng Nhung hát nhạc của tôi, có người thích, có người không, nhưng tôi thích, vì tôi có một chỗ đứng ở hiện tại chứ không phải kẻ nhắc tuồng của quá khứ”.
Hiện nay, dù Trịnh Công Sơn đã rời cõi tạm 20 năm nhưng "Bống" Hồng Nhung vẫn nhớ và dành sự trân trọng đến ông. Hàng năm, cô đều tham gia những buổi lễ tưởng niệm người nghệ sĩ tài hoa.