Kiều Chinh: Minh tinh điện ảnh Việt nổi danh Hollywood
- Lulu
- Đăng lúc: Thứ bảy, 10/10/2020 00:34 (GMT +7)
Trải qua nhiều biến động trong cuộc sống, ở tuổi ngoài 80, nữ diễn viên Kiều Chinh vẫn giữ được vẻ ngoài phúc hậu, cuộc sống bình yên.
Cơ duyên bất ngờ với điện ảnh
Kiều Chinh tên thật là Nguyễn Thị Kiều Chinh. Bà sinh ngày 3/9/1937 trong một gia đình khá giả tại Hà Nội. Mẹ qua đời sớm, cha Kiều Chinh một mình nuôi 3 con.
Năm 1954, Kiều Chinh được gia đình người bạn của cha đưa vào miền Nam sinh sống, khi đó bà 15 tuổi. Kể về cuộc chia ly với cha, Kiều Chinh hoài niệm:
"Đêm trước khi gia đình ra đi, anh trai tôi theo phong trào sinh viên, đi ra chiến khu. Đến lượt chúng tôi, bố đẩy tôi lên máy bay và nói, ‘Con đi đi, bố ở lại tìm anh, rồi bố và anh sẽ gặp con sau’.
Lúc tôi trèo lên máy bay cũng là lần cuối cùng tôi nhìn thấy bố, nghe thấy tiếng nói của bố. Bố nói rằng, ‘Con đi đi, bố sẽ gặp con sau’, thế nhưng chúng tôi đã không bao giờ gặp lại nhau nữa".
Hai năm sau, Kiều Chinh kết hôn với người con trai của gia đình ân nhân đã cưu mang mình và có với chồng 3 người con.
Sau khi kết hôn, Kiều Chinh mới bén duyên với điện ảnh. Chia sẻ về cơ duyên này, nữ minh tinh cho biết, năm 1956, khi bà đang đi lễ nhà thờ về và dạo bước trên đường Tự Do, vị đạo diễn nổi tiếng Hollywood Joseph L. Mankiewicz ngồi trong quán cafe tầng trệt Contentinal Palace vô tình phát hiện ra bà.
Ngay lập tức, ông mời bà đóng vai Phượng cho phim The Quiet American. Vị đạo diễn đưa script kịch bản cho Kiều Chinh để về đọc thuộc và ngày hôm sau sẽ lên thử vai.
Khi Kiều Chinh trở về, bà trình bày với cha mẹ chồng sự việc này. Thời điểm đó, điện ảnh chưa thịnh hành ở Việt Nam nên việc một cô gái được Hollywood mời đóng phim là điều rất lạ lẫm. Sau khi nghe sơ qua kịch bản, cha mẹ chồng của Kiều Chinh không đồng ý để bà tham gia đóng vai chính trong phim.
Kiều Chinh quay trở lại gặp vị đạo diễn, trình bày lại và cáo lỗi vì không tham gia được, ông cảm thấy rất ngạc nhiên, nhưng cũng đành chịu, bèn mời Kiều Chinh đóng một vai cameo (khách mời) chỉ xuất hiện có vài giây trong phim và không có thoại.
Đến 1 năm sau, khi 18 tuổi, Kiều Chinh mới chính thức có vai diễn chính đầu tay trong bộ phim Hồi Chuông Thiên Mụ (1957).
Tuy không học diễn xuất từ một trường lớp nào, nhưng diễn xuất của Kiều Chinh rất tự nhiên như một bản năng. Bà tâm sự:
“Lúc đó Việt Nam mình chưa có trường nào dạy về diễn xuất cả. Tuy nhiên, thủa bé tôi được coi điện ảnh rất nhiều và coi sách vở điện ảnh bởi vì bố tôi hay đọc những cuốn như ‘Ciné Monde’, ‘Ciné Revue’ thành ra tôi cũng được coi sách vở về điện ảnh từ thời rất là nhỏ”.
Với sắc đẹp dịu dàng tự nhiên và khả năng diễn xuất thiên phú, Kiều Chinh được khán giả đón nhận nồng nhiệt, bà từng bước khởi trở thành nữ minh tinh nổi tiếng hàng đầu của Việt Nam trước năm 1975.
Sau thành công từ vai diễn đầu tiên, Kiều Chinh liên tiếp góp mặt trong nhiều bộ phim nổi tiếng như Mưa rừng, Ngàn năm mây bay, Người tình không chân dung...
Trong thập niên 1960, bên cạnh những bộ phim Việt, bà cũng góp mặt trong nhiều bộ phim nổi tiếng của Mỹ như A Yank in Vietnam (1964), Operation C.I.A. (1965) (diễn chung với Burt Reynolds), Destination Vietnam (1968). Năm 1970, Kiều Chinh một lần nữa xuất ngoại để sang Ấn Độ cùng ngôi sao Ấn – Dev Anand đóng chính trong bộ phim The Evil Within.
Bằng tài năng của mình, Kiều Chinh đã đặt chân tới nhiều Liên hoan phim quốc tế như: Tây Đức, Ấn Độ, Hồng Kông, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan... Bà trở thành nữ minh tinh hiếm hoi của Việt Nam ghi danh trong “bảng vàng” Hollywood.
Dù gặp nhiều may mắn trong sự nghiệp nhưng cuộc hôn nhân của Kiều Chinh lại không được bình yên. Vợ chồng bà có với nhau 3 người con, 1 gái, 2 trai, tuy nhiên vẫn đi đến đổ vỡ 25 năm sau chung sống. Lý do của chuyện chia tay này được nữ diễn viên giữ kín.
Thành công vang dội vẫn không quên nguồn cội
Sự kiện 30/4 xảy ra khi Kiều Chinh đang đóng phim ở nước ngoài. Không thể trở về quê nhà, bà sang Canada tị nạn và định cư. Ở Canada, việc làm duy nhất bà kiếm được lúc bấy giờ là đi hốt phân gà, làm lao động tay chân rất bình thường như bao phụ nữ khác, thậm chí làm cả những công việc như quét dọn để kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Trong lúc khó khăn, Kiều Chinh liên hệ với đồng nghiệp cũ - tài tử Tippy Hedren - để nhờ giúp đỡ. Ngay lập tức, nam diễn viên bảo trợ Kiều Chinh vào Mỹ, khi đó bà 38 tuổi.
Quay trở lại kinh đô điện ảnh, Kiều Chinh tiếp tục nhận được những vai diễn đình đám trong phim Hollywood như MASK, The Letter, The Joy Luck Club…
Hàng loạt vai diễn nổi tiếng giúp Kiều Chinh gặt hái vô số thành công tại Mỹ. Năm 1996, bà nhận giải Emmy cho phim tài liệu Kieu Chinh: A Journey Home của đạo diễn Patrick Perez / KTTV. Năm 2003, Kiều Chinh được trao giải thưởng Thành tựu Suốt đời (Lifetime Achievement Award).
Cũng trong năm 2003, tại liên hoan phim Phụ nữ (Womens Film Festival) ở Torino, Ý, Kiều Chinh được trao giải Diễn xuất Đặc biệt (Special Acting Award). Cho đến hiện tại, Kiều Chinh là diễn viên Việt Nam đầu tiên và cũng là duy nhất đạt được những thành tích đáng nể này tại Hollywood.
Dù thành danh tại nước ngoài nhưng Kiều Chinh chưa bao giờ quên nguồn cội. Bà luôn nhận mình là người con gái Hà Nội và thừa nhận, dù đã định cư tại nhiều nơi nhưng Hà Nội vẫn là nơi quan trọng nhất trong cuộc đời bà.
Hiện nay, nữ diễn viên đã ở tuổi ngoài 80 nhưng bà vẫn thường xuyên trở về Việt Nam, tổ chức, xây dựng những quỹ từ thiện để đóng góp cho quê hương, đất nước. Cho đến nay, quỹ VCF (The Vietnam children fund - Quỹ Trẻ em Việt Nam) của nữ diễn viên đã xây dựng 50 ngôi trường tại nhiều tỉnh thành tại Việt Nam.