Kim loại, chiếc áo ngực phụ nữ và nữ quyền
- hải đường
- Đăng lúc: Thứ ba, 03/11/2020 11:47 (GMT +7)
Hai cuộc đại thế chiến đã giúp những chiếc áo ngực phụ nữ thoải mái hơn.
Chiếc áo ngực của phụ nữ không chỉ là sản phẩm đồ lót giúp phụ nữ che chắn những khu vực nhạy cảm của cơ thể, mà đã trở thành biểu tượng của nữ quyền cũng như gửi gắm khao khát tự do của phái đẹp.
Chuẩn mực của phụ nữ bao đời nay luôn là những người phụ nữ "thắt đáy lưng ong". Nên hàng trăm năm trước, phụ nữ đã ép mình trong những chiếc áo corset (áo ngực liền gen bụng) bằng kim loại cứng ngắc đến mức nội tạng bị biến dạng nhằm sở hữu vòng eo bé xíu.
Dấu mốc giải phóng phái đẹp bắt đầu vào thời kỳ chiến tranh thế giới thứ I khi Ủy ban Công nghệ Chiến Tranh đã yêu cầu phụ nữ Mỹ ngưng mua corset để dành kim loại phục vụ chiến đấu. Đây là lúc những chiếc áo ngực hiện đại ra đời.
Corset
Phụ nữ Hy Lạp là người đầu tiên diện corset. Họ dùng một dải len hoặc vải lạnh vòng qua ngực, dùng ghim để cố định hoặc buộc lại phía sau.
Chiếc corset nhanh chóng lan tỏa ra khắp thế giới và trở thành một món đồ không thể thiếu của phụ nữ tầng lớp thượng lưu. Tuy nhiên, việc mặc một chiếc áo bó sát vào cơ thể trong nhiều giờ liền đã gây nên những hậu quả như biến dạng nội tạng, teo cơ, ngất xỉu.
Chiếc áo ngực hiện đại
Caresse Crosby là người đầu tiên trên thế giới phát minh ra chiếc áo ngực hiện đại vì “phát chán với việc hàng ngày phải mặc một chiếc áo giáp”. Sau đó bà đã đăng ký bằng sáng chế và bắt đầu kinh doanh nhưng không thật sự thành công và phải bán lại đứa con tinh thần của mình với giá 1500 đô la Mỹ.
Thuở ban đầu, bra chỉ được thiết kế với một kích cỡ phù hợp với tất cả các loại ngực. Tới những năm 1920, khái niệm chia hệ thống kích cỡ áo thành A, B, C, D mới được ra đời.
Áo ngực và nữ quyền
Dù việc phụ nữ mặc áo ngực đã trở nên bình thường nhưng bắt đầu từ năm 1960, phong trào “no bra” đã manh nha tại nước Mỹ từ một cuộc biểu tình tại New Jersey. Những người phụ nữ đã đồng loạt lột áo lót, treo lên băng rôn rồi sau đó tháo ra và đốt chúng để phản đối những cuộc thi sắc đẹp khi biến cơ thể phụ nữ thành một món hàng.
Từ những năm 2010, phong trào #Nobra càng trở nên phổ biến với sự lăng xê nhiệt tình của các ngôi sao như Miley Cyrus, chị em nhà Kardashian hay Rihanna. Mục đích của chiến dịch là để hạn chế sự kì thị đối với phụ nữ, “tại sao đàn ông lại được còn chúng tôi thì không?” – Lina Esco, người sáng lập ra #nobra chia sẻ.
Tuy nhiên, chiến dịch này vẫn chỉ là một cơn sóng nhỏ giữa đại dương bao la. Sự bất bình đẳng giới trong việc lộ ngực được truyền thông thúc đẩy rất nhiều: “Nam giới được quyền làm nhiều thứ còn phụ nữ thì không”. Một khuôn giới được xây dựng và lan truyền qua nhiều thế hệ.
Dù còn rất nhiều ý kiến trái chiều về việc nên hay không nên mặc áo ngực nhưng quyền tự do ăn mặc của phụ nữ là một điều chính đáng. Nếu đàn ông để ngực trần là đương nhiên thì phụ nữ cũng quyền thoải mái xuống phố mà không diện áo ngực nếu đó là mong muốn của họ.