Minimalism - phong cách nội thất tạo nên miền thư thái đằng sau cánh cửa
- W.A
- Đăng lúc: Thứ hai, 21/12/2020 09:20 (GMT +7)
Phong cách Minimalism đem lại không gian thoáng đãng, tràn ngập ánh sáng và tiện nghi. Lối thoát dành cho những người đang bị sự bí bách kiềm kẹp mỗi ngày.
Có một sự thật là cuộc sống càng hiện đại, thì nhịp độ cuộc sống ngày càng nhanh, áp lực trong cuộc sống cũng càng lớn. Dù các thành phố lớn được xem là đích đến của người người, đặc biệt là người trẻ nhưng song song với những tiện nghi của đô thị, những ngôi nhà chật hẹp, mật độ người đông cũng khiến con người càng cảm thấy tù túng, cảm xúc trở nên lộn xộn, không phân biệt được thế nào là cần, thế nào là đủ.
Chính bởi thế, con người cần một không gian thật thoáng đãng, đầy đủ tiện nghi nhưng không phức tạp, rườm rà để lui về nghỉ ngơi, thư giãn và sắp xếp lại cuộc sống của mình. Phong cách tối giản - Minimalism đáp ứng được mọi yêu cầu của họ.
Minimalism - Phong cách tối giản là gì?
Minimalism sinh ra từ một chủ nghĩa bắt nguồn từ phong cách nghệ thuật của những năm 1960. Minimalism đi theo khuynh hướng tạo nên sự đa dạng nghệ thuật về thị giác và âm nhạc nhưng được phép tối giản các yêu cầu cần có. Lâu dần, Minimalism đã gợi cảm hứng cho nhiều lĩnh vực, trong đó có cả lĩnh vực kiến trúc và thiết kế nội thất. Nhiều ứng dụng của nó đã được áp dụng vào hạng mục nhà ở.
Ở khía cạnh nội thất và kiến trúc, Minimalism hay còn gọi là phong cách tối giản tuân theo nguyên tắc "Less is more” (tạm dịch: ít mà nhiều), loại bỏ mọi chi tiết thừa, dù là hình khối hay màu sắc đều chỉ sử dụng nếu cần thiết.
Sự tối giản đúng như cái tên của phong cách này thể hiện rõ ở việc không gian sống bố trí càng ít đồ đạc và càng ít chi tiết càng tốt. Song song với đó, phong cách tối giản cũng chú ý đến hình dạng, màu sắc và vật liệu sao cho mọi thứ nhẹ nhàng, không vướng víu và đảm bảo công năng cơ bản.
Nền móng ban đầu của Minimalism được xây dựng bởi vị kiến trúc sư đại tài người Đức, Ludwig Mies van der Rohe. Mục của ông là đích tạo sự giản đơn, trong sạch, tinh tế, sử dụng những mặt phẳng, đường thẳng, đường vuông góc,...
Phong cách tối giản trong kiến trúc
Phong cách thiết kế tối giản hiện đại hướng đến giá trị không gian. Nó xác định không gian là yếu tố chính gợi lên cảm xúc chứ không phải là diện tích lớn hay nhỏ, đồ nội thất hay trang trí đẹp.
Trong phong cách tối giản, những chi tiết rườm rà được hạn chế tối đa. Thay vào đó, giải pháp ánh sáng và các đường nét hình học lại được chú trọng trở thành yếu tố thẩm mỹ qua thị giác nhằm nhấn mạnh các khu vực quan trọng.
Các kiến trúc sư tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên nhiên được lọc qua các bình phong lá chắn, rèm cửa hay các tán cây để tạo ra hiệu ứng màu sắc, ngoài ra còn giúp tạo ra điểm nhấn trong hình dạng và cấu trúc của các thành phần trang trí giúp tôn lên hình khối vật dụng và các thành phần khác trong kiến trúc căn nhà.
Điều này giữ cho không gian đơn giản, gọn gàng và làm nổi bật các đường nét dễ gây được ấn tượng và tạo cảm giác sạch sẽ hơn, cũng dễ dàng mang đến sự nhẹ nhàng, thư thái.
Những gam màu trung tính như trắng, xám nhẹ hoặc pastel thường được sử dụng làm màu tường để tạo ra bức đệm hoàn hảo cho đồ nội thất bên trong. Những gam màu nhẹ nhàng khi được kết hợp với sự tối giản về đường nét, khiến cho phong cách Minimalism trở nên trang nhã và tinh tế.
Minimalism chịu ảnh hưởng rất lớn từ quan niệm cũng như thiết kế nội thất của Nhật Bản: Thay vì làm phong phú không gian bên trong thì loại bỏ hết các vật dụng thừa thãi hay chỉ mang yếu tố trang trí đẹp mắt nhằm giữ gìn và tận hưởng triệt để không gian thông thoáng, hoàn hảo.
Việc trang trí nội thất căn nhà hướng nhiều sự chú ý đến những đường nét và kết cấu được ẩn giấu bên dưới, mộc mạc nhưng đầy đủ công năng. Cách bày trí hay sử dụng màu sắc của đồ nội thất cũng được cân nhắc lựa chọn, sắp xếp sao cho thống nhất được với tổng thể căn nhà.
Nhờ đó, Minimalism dễ dàng giải quyết các vấn đề gây ra bởi sự lộn xộn, chật chội, thiếu cân bằng ánh sáng và ngăn nắp, góp một phần không nhỏ cho việc tăng cường sinh khí cho ngôi nhà và tiếp thêm năng lượng tích cực cho những người sinh hoạt trong đó. Có thể đây là lí do khiến càng nhiều người, nhất là những người trẻ, ưu ái áp dụng phong cách tối giản để xây dựng nên ngôi nhà mơ ước của họ.
Triết gia nổi tiếng người Hy Lạp từng có câu: “Cái đẹp của phong cách, của sự hài hoà, của sự duyên dáng và nhịp nhàng phụ thuộc vào sự đơn giản”. Vậy thì, Mininalism - một phong cách có thể hướng con người đến cái đẹp bằng sự đơn giản vốn có, dẫn dắt tâm trí trở trở về bên trong, tránh xa khỏi mọi sự phù phiếm, mệt mỏi, sống chậm thật sâu là một phong cách có thể vượt khỏi giới hạn "xu hướng", xứng tầm trở thành một "lối sống" đáng để học theo và lan tỏa rộng rãi.