MV Sơn Tùng và quảng cáo Samsung: Thông điệp sai thời điểm là lời tỏ tình không đúng lúc
- Thu Trà
- Đăng lúc: Thứ sáu, 29/04/2022 23:07 (GMT +7)
Đôi khi yếu tố giúp một sản phẩm thành công không nằm ở thông điệp mà lại chính là thời điểm phát hành.
Mới đây Samsung đã vướng phải chỉ trích khi thực hiện chiến dịch quảng cáo với hình ảnh người phụ nữ chạy bộ lúc 2h sáng. Trong chiến dịch quảng bá đồng hồ Galaxy Watch 4, tai nghe Galaxy Buds 2 và điện thoại Galaxy S22, Samsung đã tung TVC mang tên “Night Owls” có hình ảnh người phụ nữ thức dậy từ sớm để chạy bộ, đồng hồ lúc này hiển thị 2 giờ sáng. Vô tình, quảng cáo này đã khiến thương hiệu bị chỉ trích là "vô cảm" và "không thực tế".
Những con đường vắng tanh vào lúc rạng sáng tưởng chừng như thật thích hợp để chạy bộ nhưng thực tế không phải vậy. Cách đây chưa lâu, một nữ giáo viên nữ đã bị sát hại khi đang chạy bộ tại thị trấn Tullamore, Ireland. Vụ việc làm rúng động truyền thông và khởi phát một chiến dịch cảnh báo mối đe dọa khi phụ nữ chạy bộ một mình vào buổi đêm.
Thế nhưng, Samsung lại thể hiện sự thiếu nhạy cảm khi sử dụng hình ảnh người phụ nữ chạy bộ một mình vào lúc 2 giờ sáng để làm nội dung cho chiến dịch truyền thông của mình. Chiến dịch này của Samsung đã nhanh chóng nhận về nhiều chỉ trích của công chúng.
Esther Newman, biên tập viên của tạp chí Women’s Running đã thẳng thắn thể hiện thái độ của mình trên tờ The Guardian rằng “Quảng cáo này thật là lố bịch!". Người này cho rằng kể từ khi vụ việc thương tâm xảy ra, phần lớn phụ nữ ở quốc gia cô cảm thấy không an toàn khi chạy bộ một mình vào mọi thời điểm, nữa là chạy bộ lúc 2 giờ sáng với một cái tai nghe.
Trước những chỉ trích, Samsung phải gửi lời xin lỗi, đồng thời khẳng định không bao giờ có ý định vô cảm trước những chuyện đang diễn ra về sự an toàn của phụ nữ.
Có thể thông điệp của Samsung không sai và cũng không có gì xấu, tuy nhiên đưa ra một thông điệp và hình ảnh đúng vào thời điểm một sự việc rúng động vừa xảy ra khiến mọi người có một cái nhìn khác về thương hiệu.
Từ vụ việc của Sam Sung, không khó hiểu khi MV “There's No One At All” của Sơn Tùng M-TP vướng phải chỉ trích từ cộng đồng.
Trên thực tế câu chuyện mà Sơn Tùng muốn truyền tải không phải lần đầu tiên được sản xuất thành MV ca nhạc. Rất nhiều những nghệ sĩ Hàn Quốc hay Âu Mỹ cũng đã từng phát hành những video ca nhạc với nội dung tương tự. Thế nhưng trong bối cảnh xã hội đang đối mặt với vấn nạn tự tử tuổi vị thành niên, MV của Sơn Tùng vô tình khoét sâu nỗi đau của các gia đình có con tự tử, đồng thời có thể tạo ra một trường cảm xúc độc hại ở những người trẻ mang sẵn tổn thương.
Nếu MV của Sơn Tùng ra mắt vào một thời điểm khác, thông điệp về những đứa trẻ méo mó, cô độc vì thiếu tình yêu thương mà nam ca sĩ gửi gắm có thể sẽ được ca tụng như một tiếng chuông thức tỉnh. Nhưng sự xuất hiện của nó vào thời điểm này lại giống như cái vẫy gọi ma mị của tử thần.
Việc ra mắt một sản phẩm MV ca nhạc với bất kỳ một công ty hay cá nhân nào đó đều phải chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước trong một khoảng thời gian dài. Sơn Tùng và ê-kíp có thể lựa chọn thời điểm phát hành. Khi xuất hiện vấn đề xã hội liên quan có khả năng ảnh hưởng đến sản phẩm, phía công ty Sơn Tùng có thể lựa chọn giải pháp lùi lịch comeback. Nhưng họ đã đưa ra một quyết định sai.
Như một lời tỏ tình của chàng trai nào đó trên phố đi bộ gần đây, không đúng lúc thì sẽ bị từ chối!