Ngày 8/3 có phải ngày diễn ra cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng lừng lẫy?
- Alex
- Đăng lúc: Thứ hai, 08/03/2021 00:12 (GMT +7)
Hai Bà Trưng (Trưng Trắc và Trưng Nhị) là hai vị nữ anh hùng đầu tiên của dân tộc ta đã có công đứng lên khởi nghĩa đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước.
Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng bùng nổ vào tháng 2 âm lịch (tức là tháng 3 theo dương lịch) năm Canh Tý (năm năm 40 sau công nguyên). Hai Bà Trưng là Trưng Trắc và Trưng Nhị (hai chị em ruột, con gái dòng dõi Lạc Tướng đất Mê Linh) đã giương cao ngọn cờ tụ nghĩa, kêu gọi hào kiệt bốn phương và nhân dân cả nước đứng lên đánh đuổi giặc Đông Hán đô hộ nước Việt ta khi đó.
Hai Bà Trưng đã thể hiện ý chí quật cường và lòng quyết tâm quét sạch quân thù khỏi bờ cõi bằng những câu thơ hùng hồn, tráng lệ:
Một xin rửa sạch nước thù
Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng,
Ba kẻo oan ức lòng chồng
Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này!
Ngọn cờ khởi nghĩa như tiếng gọi thiêng liêng cứu nước đã lan truyền rộng rãi và nhận được sự hưởng ứng của quân và dân khắp các quận huyện vùng lưu vực sông Hồng. Phụ nữ là lực lượng đông đảo tham gia đội ngũ của nghĩa quân, trong đó có các mẹ, những người vợ, những cô gái trẻ là nữ tướng tài giỏi của thời đại ấy như Bà Man Thiện (mẹ của Hai Bà Trưng), Bát Nàn (Thái Bình), Lê Thị Hoa (Thanh Hóa), Lê Chân (Hải Phòng), Thánh Thiên (Bắc Giang)… Trong ngày xuất quân, hàng vạn dân chúng, tướng lĩnh, nghĩa quân đã cùng Hai Bà Trưng ào ào xuất trận. Chỉ trong một thời gian ngắn, dưới sự lãnh đạo của Hai Bà Trưng, cuộc khởi nghĩa nhanh chóng lan ra cả nước, làm sụp đổ toàn bộ chính quyền quân xâm lược.
Sau khi đánh đuổi quân Đông Hán khỏi bờ cõi, giành lại nền độc lập, tự chủ dân tộc. Bà Trưng được các tướng lĩnh và nhân dân các địa phương đồng lòng suy tôn làm vua, Bà lấy hiệu là Trưng Vương và đóng đô ở Mê Linh (Vĩnh Phúc ngày nay).
Mặc dù triều đại của Hai Bà Trưng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, nhưng thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là dấu son chói lọi đầu tiên trong lịch sử hào hùng của dân tộc, khẳng định vai trò to lớn, tài năng thao lược, sức mạnh chiến đấu và khả năng lãnh đạo của người phụ nữ Việt Nam cũng không hề thua kém bất cứ đấng nam nhi nào.
Khi cuộc khởi nghĩa thất bại, quyết không để sa vào tay giặc, Hai Bà đã gieo mình xuống sông Hát tuẫn tiết. Tương truyền sau khi mất, khí phách của Hai Bà kết thành tượng đá, theo dòng nước trôi xuôi đến bãi Đồng Nhân. Dân làng Đồng Nhân xưa đã lấy vải đỏ làm lễ rước tượng vào bờ. Năm 1142, vua Lý Anh Tông truyền lập đền thờ Hai Bà Trưng ngay tại bờ sông. Năm 1819, do bến sông sạt lở, đền thờ Hai Bà Trưng được chuyển vào khu Võ Miếu, thôn Hương Viên, huyện Thọ Xương, chính là phường Đồng Nhân, phố Hai Bà Trưng ngày nay.
Để kỷ niệm cuộc khởi nghĩa hào hùng và vinh quanh nay thì cứ vào tháng 2 âm lịch (tháng 3 dương lịch) hàng năm, người dân tại quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội và người dân tại Mê Linh, Vĩnh Phúc lại long trọng tổ chức lễ kỷ niệm tại các đền thờ Hai Bà Trưng. Như vậy, cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng không phải trùng với ngày quốc tế phụ nữ 8/3. Vì thời gian hai ngày lễ này khá sát nhau, đồng thời cũng là để tôn vinh những người phụ nữ huyền thoại của dân tộc nên có nhiều dịp người ta đã tổ chức gộp cả hai ngày lễ cho thêm phần long trọng.
Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là hiện thân tiêu biểu của hào khí, tinh thần đấu tranh bất khuất, tinh thần thượng võ của dân tộc Việt Nam ta, cũng như là mình chứng khẳng định những giá trị văn hóa tốt đẹp nhằm tôn vinh người phụ nữ Việt Nam, luôn âm thầm hy sinh và chịu đựng để xây dựng hạnh phúc gia đình, đồng thời vẫn mạnh mẽ đứng lên đấu tranh, bảo vệ đồng bào, đất nước khi cần. Họ xứng đáng nhận được sự tôn trọng và quan tâm, yêu thương của xã hội. đồng thời giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước, đạo lý uống nước nhớ nguồn tốt đẹp.