6 món đặc sản độc đáo, nghe tên đố bạn đoán được nguyên liệu, cách chế biến
- Ngân Thị
- Đăng lúc: Thứ bảy, 13/03/2021 23:53 (GMT +7)
Thường với đồ ăn, nghe tên ta sẽ ít nhiều đoán được về nguyên liệu, cách nấu. Nhưng có những đặc sản nghe xong có đoán mãi bạn vẫn chưa nghĩ ra nó là gì.
Là đất nước có nền văn hóa ẩm thực đa dạng nên ngoài các món ăn được quốc tế đánh giá cao thì Việt Nam còn rất nhiều món ăn có thể coi là "độc lạ" hiếm thấy. Không những nguyên liệu tưởng chừng như ít nơi nào sử dụng mà cái tên của chúng cũng đặc biệt không kém.
1. Thắng cố
Tiếp tục là một món ăn đặc sản của người Mông được làm từ nội tạng, thắng cố làm chủ yếu từ nội tạng của ngựa như tim, lòng, tiết, gan, thịt,... kết hợp với các loại gia vị đặc trưng của vùng núi rừng như quế, hồi, hạt dổi, gừng... Thắng cố cần nấu rất lâu, và thường nấu liu riu để thịt nhừ và luôn nóng hổi.
Nếu muốn thưởng thức món ăn này thì hãy tìm đến những phiên chợ ở vùng cao như Sa Pa, Hà Giang. Ăn thắng cố, uống rượu ngô là trải nghiệm ẩm thực nhớ đời của vùng Tây Bắc. Thắng cố đúng kiểu người đồng bào khá khó ăn, tuy nhiên gần đây, để phục vụ du khách, thắng cố có nhiều thay đổi về nguyên liệu và chế biến.
2. Khâu nhục
Khâu nhục còn có tên gọi khác là nằm khâu, đây là món ăn có nguồn gốc từ Quảng Đông (Trung Quốc) và được dân tộc Tày, Ngái, Nùng tiếp nhận và biến tấu trở thành món ăn đặc sản nổi tiếng của người dân tộc. Món ăn này chỉ xuất hiện trong những dịp gia đình có chuyện vui như lễ Tết, cưới hỏi, kỷ niệm,...
Cái tên xuất phát từ phiên âm của tiếng Hoa, trong đó “khâu” có nghĩa là “hấp đến mềm rục”, “nhục” là “thịt”. Chính vì thế, món ăn này là thịt được hấp đến chín nhừ. Thịt lợn sẽ được chế biến cả khúc lớn, tẩm ướp với gia vị cho thật đậm đà. Khâu nhục là món ăn rất cầu kỳ và làm rất lâu công.
3. Sỏi mầm
Sỏi mầm là đặc sản nổi tiếng của vùng Phụng Hiệp, Hậu Giang, cái tên này được đặt theo cách chế biến món ăn. Sỏi được nung nóng, sau đó dùng để nướng chín thịt lợn rừng đã được thái mỏng, tẩm ướp gia vị như ớt, hành, tiêu, tỏi. Ăn kèm với rau sống và chấm nước mắm chua ngọt. Sức nóng của sỏi khiến cho thịt chín từ từ mà không bị quá cháy nên hương vị rất độc đáo.
4. Lợn cắp nách
Lợn cắp nách còn gọi là lợn Mường Sa Pa, là giống lợn lửng, lợn ri, lợn còi đặc sản của vùng cao, đặc biệt xuất hiện nhiều ở Lai Châu. Thực chất, lợn cắp nách là phiên bản kết hợp giống nòi của lợn rừng và lợn Mường. Giống lợn này thường được nuôi theo kiểu thả rông trong rừng. Vì có ngoại hình nhỏ, chỉ khoảng chừng 10kg - 15kg nên người dân dễ dàng “cắp nách” đem đi chợ bán. Từ đó, giống lợn này có thêm một cái tên giản dị là lợn cắp nách.
Người ta thường chia thịt lợn ra làm nhiều món khác nhau như nướng, hấp, giả cầy, ninh, lòng dồi nhưng ngon nhất vẫn là món lợn căp nách quay nướng thơm lừng, vàng óng ả.
5. Chắt chắt
Cái tên nghe thật dễ thương, như tiếng kêu của loài chuột nhưng thực chất nó lại là một loài hải sản chuyên sống ở vùng đáy sông nước lợ và nước ngọt. Chắc chắt có hình dáng giống với hến nhưng nhỏ hơn một chút, đặc biệt có nhiều ở Quảng Bình và Quảng Trị.
Để lấy thịt ở bên trong lớp vỏ của chắt chắt, đầu tiên cần rửa chắt chắt thật sạch, đun nước thật sôi rồi đổ chúng vào và dùng đũa đánh đều để tách ruột ra khỏi vỏ và đãi lấy phần ruột. Phần thịt sẽ dùng để nấu các món xào, phần nước luộc thì nấu với canh mít non, rau lốt hoặc nấu cháo.
6. Tung lò mò
Theo phát âm của tiếng Chăm “tung lamaow”, tung lò mò là món ăn được làm từ ruột của con bò. Hay nói quen thuộc hơn thì đây chính là món lạp xưởng bò - món ăn lâu đời gắn liền với nền văn hóa ẩm thực của đồng bào người Chăm ở Châu Đốc (An Giang).
Cách để chế biến món ăn này như sau: Ruột bò sẽ trở thành một “cái túi” chứa đựng hỗn hợp nhân. Hỗn hợp này gồm có thịt bò trộn với mỡ băm nhuyễn, sau đó trộn tất cả các nguyên liệu với gia vị, hoa hồi, cơm nguội lên men, tiêu sọ. Sau khi lấp đầy nhân vào trong ruột bò, từng chiếc lạp xưởng căng tròn sẽ được buộc thắt từng khúc và đem phơi nắng. Phơi khoảng 3 nắng, lạp xưởng phơi ráo nước, thịt săn lại là có thể thưởng thức. Món ăn ngậy nhân vì những lớp mỡ, lại có vị đậm đà được cho là rất “hao cơm”.