Những thương hiệu hóa mỹ phẩm đình đám cuối thế kỷ 20 ở Việt Nam giờ ra sao
- Lulu
- Đăng lúc: Thứ hai, 07/09/2020 13:03 (GMT +7)
Từng là những thương hiệu lừng danh một thời của Việt Nam, kem đánh răng Dạ Lan, Hynos hay mỹ phẩm Thorakao hiện đang nỗ lực tìm chỗ đứng trên thị trường.
Cách đây hơn 20 năm, khi các thương hiệu mỹ phẩm ngoại chưa tràn vào thị trường, người tiêu dùng Việt chỉ quen thuộc với những dòng mỹ phẩm "made in Vietnam". Nguyên nhân khiến mỹ phẩm Việt được lòng người tiêu dùng là do chúng ta có lợi thế lớn về nguyên liệu, nhân công giúp chi phí sản xuất không quá cao.
Tuy nhiên, thế kỷ 21 với sự phát triển chóng mặt của ngành mỹ phẩm - làm đẹp khiến các thương hiệu Việt xưa cũng có nhiều sự thay đổi về cả sản phẩm và thị trường.
Xà bông Cô Ba
Xà bông Cô Ba là thương hiệu mỹ phẩm nổi danh nhất Việt Nam ba thập kỷ đầu thế kỷ 20. Chủ nhân của thương hiệu hóa mỹ phẩm này là doanh nhân Trương Văn Bền (1883 - 1956).
Vốn gắn bó với nghề kinh doanh dầu dừa, ông Trương Văn Bền đã xây dựng công ty sản xuất xà bông thủ công với nguyên liệu tự nhiên là dầu dừa thu được từ các vườn dừa ở Bến Tre và Mỹ Tho. Thương hiệu xà bông Cô Ba được ra đời từ đó.
Xà bông Cô Ba sử dụng hình ảnh đại diện đậm chất truyền thống đó là cô Ba Thiệu - người phụ nữ Nam Bộ từng đăng quang Miss Saigon hơn 150 năm trước. Các cục xà bông có hình khối chữ nhật bo góc, màu xanh ngọc và được in nổi logo là hình chân dung cô gái Nam Bộ.
Xà bông Cô Ba từ khi ra đời được sử dụng phổ biến trong nước, Mỗi tháng xưởng của ông Trương Văn Bền sản xuất khoảng 1.500 tấn dầu dừa và khoảng 600 tấn xà bông.
Trước ngày giải phóng, sản phẩm này không có đối thủ trên thị trường nội địa, thậm chí đánh bật cả sản phẩm của Pháp là xà bông Marseilles, và xuất sang các nước Đông Dương, tới tận Hong Kong, Tân Đảo (Nouvelle Caledonie) và một số các nước châu Phi.
Ngay đến những năm 1990, xà bông Cô Ba vẫn tạo lập được thị phần rộng lớn trên toàn quốc. Đến năm 1995, nhà máy đổi tên thành Công ty CP Sản xuất thương mại Phương Đông. Đây là kết quả của sự hợp tác, liên doanh giữa Bộ Công nghiệp nhẹ với Tập đoàn Procter & Gamble (P&G).
Tuy nhiên, xà bông Cô Ba không thể cạnh tranh được với vô số sản phẩm khác không chỉ trong tập đoàn P&G mà còn từ đối thủ lớn nhất của P&G lúc bấy giờ là Unilever.
Năm 2014, Công ty cổ phần sản xuất thương mại Phương Đông quyết định làm sống lại thương hiệu này. Tuy nhiên, xà bông Cô Ba vẫn mờ nhạt và khó có thể hồi sinh như một huyền thoại của Việt Nam xưa.
Kem đánh răng Dạ Lan
Kem đánh răng Dạ Lan ra đời vào năm 1988, là sản phẩm hợp tác giữa cơ sở sản xuất Sơn Hải (tiền thân của Công ty TNHH Hóa mỹ phẩm Sơn Hải sau này) và kỹ sư Lưu Trung Nghĩa – một trong những chuyên gia đầu ngành sản xuất kem đánh răng tại Việt Nam vào thời điểm đó.
Dạ Lan là tên một chương trình phát thanh được yêu thích thời bấy giờ và được ông Trịnh Thành Nhơn (chủ cơ sở sản xuất Sơn Hải) chọn đặt tên cho đứa con tinh thần của mình.
Sau khi ra mắt, ông Nhơn vất vả chở hàng đi bán từ Đà Nẵng xuống tận Cà Mau, thậm chí “Bắc tiến” nhưng hàng vẫn không bán được, tồn kho trong một thời gian dài. Lúc đó, để đổi cách thức tiếp thị, ông quyết định bán kem đánh răng sẽ có ưu đãi tặng kèm lịch Tết.
Người dân lúc đó mua kem đánh răng chỉ vì lịch. Nhưng cũng từ đó, kem đánh răng Dạ Lan mới được biết đến và dần được người tiêu dùng đón nhận.
Từ 1992 - 1995, Dạ Lan đánh bật các nhãn hàng kem đánh răng của Trung Quốc, chiếm đến 70% thị phần kem đánh răng cả nước. Riêng các tỉnh từ Đà Nẵng trở vào, Dạ Lan chiếm tới 90% thị phần.
Sau năm 1995, hàng loạt các nhà đầu tư ngoại nhảy vào thị trường Việt Nam, trong đó có những ông lớn trên thị trường hóa mỹ phẩm thế giới như P&G, Unilever.
Cũng trong năm đó, ông Nhơn đã ký hợp đồng liên doanh với Colgate - Palmolive, bán hết công ty cho nhà đầu tư ngoại này với giá 3,2 triệu USD và được nắm 30% cổ phần trong liên doanh, với hy vọng công ty của Mỹ có thể giúp Dạ Lan vươn tầm khỏi biên giới Việt.
Thế nhưng, chỉ 3 tháng sau, Dạ Lan đã gần như bị xóa sổ, thay vào đó là tên tuổi của dòng kem đánh răng nước ngoài Colgate.
Năm 2009, 10 năm sau khi hợp đồng liên doanh giữa Dạ Lan và Colgate hết hiệu lực, ông Nhơn từ Canada trở về Việt Nam, tiếp tục đăng kí, phát triển lại thương hiệu Dạ Lan và thành lập Công ty Hoá mỹ phẩm quốc tế (ICC).
Không thể cạnh tranh được với các tập đoàn đa quốc gia bởi họ có hệ thống phân phối hàng quy mô đến người tiêu dùng, Dạ Lan thay đổi cách thức bán hàng bằng việc trực tiếp mở gian hàng tại nhà máy, phiên chợ đồng thời thay đổi bao bì, mẫu mã, kích thước cho sản phẩm kết hợp các chương trình dùng thử, khuyến mãi.
Hiện kem đánh răng Dạ Lan có gần 10 loại, tập trung sản phẩm dành cho gia đình. Dạ Lan cũng đã được đưa vào LotteMart. Từ nay đến cuối năm, sản phẩm tiếp tục đưa vào các kênh Co.op Mart, Emart, Bách Hóa Xanh và cả Vinmart.
Đã vào siêu thị, theo ông Nhơn, xác định là lỗ, không mưu cầu lãi trong năm đầu, nhưng đó là kênh cần thiết để làm thương hiệu. Sau nhiều nỗ lực quay lại thị trường, cho tới thời điểm này, kem đánh răng Dạ Lan vẫn đang chật vật tìm chỗ đứng.
Kem đánh răng Hynos
Kem đánh răng Hynos là thương hiệu Việt từng làm mưa làm gió trên thị trường trong nước vào thập niên 60-70 thế kỷ 20. Ở bất cứ con phố lớn hay khu dân cư nhỏ nào vào thời đó, người ta cũng có thể bắt gặp biển quảng cáo kem đánh răng Hynos với hình người đàn ông da đen nở nụ cười tươi rói, khoe hàm răng trắng sáng.
Người đã đưa thương hiệu Hynos từ một xưởng sản xuất nhỏ trở thành ông lớn là doanh nhân Huỳnh Đạo Nghĩa (còn gọi là Vương Đạo Nghĩa).
Ban đầu ông Nghĩa chỉ là người làm thuê cho chủ hãng kem Hynos, vốn thuộc sở hữu của một gia đình người Mỹ gốc Do Thái sống tại Sài Gòn. Tuy nhiên, biến cố gia đình người chủ đã khiến hãng kem đánh răng nhỏ bé này được trao lại vào tay ông, bởi ông được tiếng là trung thành, cần cù làm ăn.
Với phương thức tiếp thị và quảng bá rộng rãi, Hynos cạnh tranh với các hãng kem đánh răng Việt Nam hiệu Perlon và Leyna ở miền Nam và kem đánh răng ngoại quốc như Colgate (Mỹ), C’est it (Pháp). Hynos có mặt khắp nơi tại Việt Nam, Campuchia, Lào, Singapore, Thái Lan, Hồng Kông.
Trong vòng 10 năm, kể từ ngày góp mặt trên thị trường, kem đánh răng Hynos đã từ một cơ xưởng sản xuất nhỏ bé vượt lên thành một xí nghiệp với cá thiết bị sản xuất hiện đại.
Năm 1975, hãng Hynos được bàn giao lại cho Nhà nước, sáp nhập với Công ty Kolperlon thành Xí nghiệp Kem đánh răng Phong Lan. Sau đó liên doanh với các công ty nước ngoài và đổi tên thành công ty Hoá phẩm P/S. Sau khi nhượng vốn liên doanh cho Unilever, công ty Hoá phẩm P/S quay lại sản xuất kem đánh răng Hynos.
Sau nhiều lần chuyển nhượng, công ty ấp ủ tham vọng phục hưng lại thương hiệu sơ khai là Hynos thông qua mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm. Dù thiếu vắng nụ cười quen thuộc của anh Bảy Chà, nhưng tuýp kem đánh răng mang dòng chữ Hynos đã dần xuất hiện nhiều hơn trên những kệ hàng siêu thị.
Với gần 6 tỷ đồng, mảng kem đánh răng vẫn chiếm tỷ lệ khá nhỏ trong cơ cấu doanh thu 2016 của công ty nhưng là tín hiệu tích cực cho sự hồi sinh của thương hiệu từng một thời lừng lẫy đất Sài Gòn.
Thorakao
Thương hiệu mỹ phẩm Thorakao được thành lập từ năm 1961 với một số mặt hàng truyền thống như kem dưỡng da trân châu, dầu gội đầu hoa bưởi, xà bông thơm...
Thorakao lấy cảm hứng từ đạo Tin lành, mang ý nghĩa “dùng kem sẽ mang vẻ đẹp toả sáng tựa thiên thần”. Biểu tượng của thương hiệu là hình ảnh tiên nữ cách điệu.
Với thông điệp hấp dẫn, giá thành hợp lý, Thorakao nhanh chóng nổi tiếng, chiếm được lòng người tiêu dùng và đã có bằng sáng chế số 1779 ngày 15/11/1968.
Không chỉ nổi tiếng ở Việt Nam, Thorakao còn có chi nhánh ở Campuchia và mở rộng cung cấp toàn Đông Nam Á.
Hiện, thương hiệu mỹ phẩm này vẫn được ưa chuộng tại các vùng nông thôn và đô thị nhỏ ở Việt Nam.Công ty đã đầu tư mở rộng nhà máy tại TP.HCM lên 50.000m2 với những cụm nhà máy và trang thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế thế giới.
Nước hoa Miss Sài Gòn
Nước hoa Miss Sài Gòn là một thương hiệu của công ty Cổ phần Mỹ phẩm Sài Gòn (SCC), tiền thân là hãng nước hoa Imortel trước năm 1975. Sau năm 1975, Imortel được chuyển thành Phân xưởng Mỹ phẩm II, sau đó là Xí nghiệp Mỹ phẩm II và trở thành Xí nghiệp Mỹ phẩm Sài Gòn vào năm 1990.
Các sản phẩm chủ yếu của Xí nghiệp Mỹ phẩm Sài Gòn bao gồm nước hoa Saigon N1, nước hoa Saigon Imortel, dầu gội đầu Sài Gòn, dầu gội đầu New Shampoo…
Những loại nước hoa nổi tiếng một thời như Imortel, Manley, Mirage, Cindy, Fantasy French… cũng đều thuộc Công ty Cổ phần Mỹ phẩm Sài Gòn (SCC).
Hiện nay trên thị trường, dòng nước hoa Miss Saigon nổi danh một thời với hình ảnh thân chai là cô gái mặc áo dài vẫn giữ được vị trí nhất định, đặc biệt là với khách du lịch Trung Quốc. Thương hiệu này ngày càng được đầu tư về mặt tiếp thị để tiến ra ngoài biên giới Việt Nam.