Nike: Thương hiệu "số nhọ" nhất năm khi vướng tẩy chay toàn cầu, tài trợ 9 đội bóng tham dự EURO thì 8 đội đã "xách vali về nước"
- Alex
- Đăng lúc: Thứ năm, 01/07/2021 14:50 (GMT +7)
Trong giới thể thao thì Nike là thương hiệu lớn mạnh và có sức ảnh hưởng bậc nhất, nhưng thời gian gần đây, họ lại phải đối mặt với không ít sóng gió.
Thương hiệu thể thao nổi tiếng Nike đã tài trợ trang phục tới 9 đội tuyển quốc gia tham dự kỳ EURO 2020 này. Tức là hơn 1/3 số đội trong số 24 đội tuyển góp mặt trong giải đấu. Có thể kể tới vài cái tên sáng giá nhất như nhà đương kim vô địch thế giới Pháp, nhà đương kim vô địch châu Âu Bồ Đào Nha, quê hương môn túc cầu - đội tuyển Anh.
Thế nhưng "vận số" của Nike có vẻ không được "phong thủy" cho lắm khi mà sau vòng đấu loại trước tiếp thì chỉ còn sót lại mỗi đội tuyển Anh là trụ lại. Còn những cái tên khác, kể cả hai đội bóng sừng sỏ kể trên đều đã "xách vali về nước" đầy cay đắng. Có lẽ thời gian tới, các đội bóng nên "cân nhắc" hợp tác với Nike trước mỗi giải đấu lớn nếu muốn tiến xa.
Adidas – kì phùng địch thủ của Nike cũng không kém cạnh với việc tài trợ cho 8 đội, bao gồm Bỉ, Đức và Tây Ban Nha. Tính ra, Nike và Adidas cung cấp trang phục cho 70% số đội tham gia giải đấu nhưng chiếm tới 85% giá trị hợp đồng tài trợ và các khoản doanh thu liên quan.
Việc ký hợp đồng với các đội bóng danh tiếng thường có giá trị về mặt thương mại và giá trị kinh tế lớn hơn rất nhiều so với các đội bóng "nhỏ" khác. Lấy ví dụ, hợp đồng mà Adidas kí với đội tuyển quốc gia Đức trị giá 77,3 triệu USD/năm, gấp tới 15 lần các bản hợp đồng tài trợ với Thụy Sĩ, Đan Mạch, Thụy Điển... của các hãng thể thao ít danh tiếng hơn như Hummel, Jako và Joma (khoảng gần 5 triệu USD/hợp đồng).
So sánh như vậy để thấy, việc tất cả các tên tuổi lớn của bóng đá thế giới do Nike tài trợ rơi rụng hết sẽ ảnh hưởng lớn thế nào tới Nike. Hiện tại, Nike vẫn giữ vững vị trí dẫn đầu về doanh thu trong năm 2020 khi kiếm được 36 tỷ USD – nhiều hơn đáng kể so với 23 tỷ USD của "đối thủ truyền kiếp" Adidas.
Ngoài những thiệt hại tại EURO nói trên. Nike gần đây còn vướng vào một lùm xùm mới khi tuyên bố "là thương hiệu Trung Quốc", dù thực tế vốn là tập đoàn được khai sinh và đóng trụ sở tại Mỹ.
Những phát ngôn của CEO của Nike là John Donahoe đã gây sóng gió lớn khi khẳng định: "Chúng tôi đang là thương hiệu thể thao lớn nhất tại Trung Quốc. Chúng tôi là thương hiệu của Trung Quốc và cho người Trung Quốc. Tài sản lớn nhất mà chúng tôi có ở Trung Quốc là niềm tin của người tiêu dùng. Khách hàng cảm thấy kết nối sâu sắc và mạnh mẽ với Nike, Jordan và thương hiệu Converse tại Trung Quốc. Điều đó là thật".
Ngay lập tức, Nike đã vấp phải làn sóng chỉ trích mạnh mẽ trên các nền tảng truyền thông xã hội bởi nhiều ý kiến cho rằng, đây thực sự là phát ngôn ninh bợ "trơ trẽn" và "thiếu tự trọng". Trên Twitter, hashtag #BoycottNike (tẩy chay Nike) tràn lan, các hội nhóm và phong trào kêu gọi không sử dụng các loại hàng hóa của thương hiệu này ngày càng rộng hơn.
Nike sẽ lại cố gắng tìm cách "sửa chữa" các sai lầm của mình, song rõ ràng, ngoài tác động xấu của dịch bệnh Covid-19 thì năm 2021 quả là thời gian không mấy thuận lợi cho thương hiệu thể thao đình đám này.