Nương pháo là gì? Vì sao nương pháo bị cơ quan quản lý nghệ thuật Trung Quốc bài trừ?
- Alice Pham
- Đăng lúc: Thứ hai, 06/09/2021 15:17 (GMT +7)
Hiện giới cơ quan quản lý nghệ thuật Trung Quốc đang ra sức bài trừ hiện tượng Nương pháo trong làng giải trí nước này.
Nội dung chính
1. Nương pháo là gì?
Nương pháo (娘炮) là cụm từ xuất hiện từ năm 2007, để chỉ những người đàn ông có cách cư xử, tính cách hay phong cách nói chuyện thiên về hướng nữ tính, giống con gái, tuy nhiên điều này không liên quan đến ngoại hình, cũng không liên quan đến việc người đó là "trai thẳng" hay thuộc cộng đồng LGBT.
Hiểu nôm na, một người đàn ông có ngoại hình bụi bặm, rắn rỏi nhưng cách cư xử thất thường, tính cách yểu điệu, dễ khóc như con gái, họ vẫn có thể được gọi là "Nương pháo". Hiểu theo nghĩa tiếng Việt tức là "ẻo lả".
Hồ Diệp Thao - thí sinh Sáng tạo doanh 2021 - là một ví dụ khi anh công khai theo đuổi hình tượng nữ tính, để tóc dài, sơn móng tay, trang điểm đậm.
2. Nương pháo mang nghĩa tốt hay xấu?
Khái niệm "nương pháo" ra đời từ sau bộ phim thần tượng Đài Loan Tôi muốn trở thành trái hồng giòn vào năm 2007. Trong phim, nam chính được miêu tả có tính cách nhút nhát, yếu đuối, nên bị nữ chính chê là "tính cách nương pháo". Từ đó, cụm từ này phổ biến trong cộng đồng giới trẻ, sau dần trở thành từ ngữ được sử dụng cả trên mặt báo. Theo thời gian, cụm từ "nương pháo" bị biến tướng và được nhiều người sử dụng để ám chỉ những chàng trai bị đánh giá là ẻo lả về mặt ngoại hình. Nhìn chung khái niệm này không có ý nghĩa tốt đẹp, thậm chí còn mang hàm ý phê phán, miệt thị.
3. Trung Quốc cấm nam nghệ sĩ mang hình tượng "Nương pháo", bài trừ dòng phim đam mỹ
Ngày 29/7/2017, tờ báo Nhân dân online của Trung Quốc từng đăng bài viết liệt kê "nương pháo" vào danh sách những từ có tính phân biệt giới tính, đồng thời khuyên khán giả không nên lạm dụng cách nói này.
Đến năm 2018 hãng thông tấn Tân Hoa Xã đã lên tiếng phê bình những nghệ sĩ xây dựng hình tượng "nương pháo", đồng thời Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) cũng ra lệnh cấm sử dụng những "nương pháo" trong các chương trình tiết mục, đêm hội lớn.
Tuy nhiên, "Nương pháo" mới thực sự được nhiều sự chú ý nhiều nhất từ sau vụ việc NRTA (Quảng Điện Trung Quốc) ra lệnh cấm nghệ sĩ nam có hình tượng ẻo lả, trang điểm đậm, đồng thời bài trừ dòng phim đam mỹ, văn bản đã được phát hành vào ngày 2/9/2021.
4. Vì sao Nương pháo bị cấm tại Trung Quốc?
Những năm gần đây, xu hướng "nữ tính hóa" ở các idol nam trẻ đang ngày càng phổ biến tại Trung Quốc. Hình tượng này không chỉ xuất hiện ngoài đời mà còn nhan nhản trên phim ảnh, phương tiện thông tin đại chúng, trở thành vấn đề nóng của xã hội. Vì lợi ích kinh tế, không ít thần tượng, sao nam đã theo đuổi ngoại hình yểu điệu.
Điều đáng nói, bên cạnh những khán giả không thích thì cũng có rất nhiều người tỏ ra cực kỳ yêu thích hình tượng "Nương pháo" của idol khi cho rằng điều này rất đáng yêu, dễ thương và trở thành tiêu chuẩn của những "tiểu thịt tươi". Dần dần giới trẻ chú tâm vào các sao nam sở hữu mặt mũi thanh tú, thích trang điểm, ăn mặc phi giới tính. Một số gương mặt điển hình cho hình tượng "nương pháo" tại làng giải trí Cbiz có thể kể đến như Lộc Hàm, Vương Nhất Bác, Thái Từ Khôn, Vương Nguyên, Lưu Vũ,...
Nhận thấy tiềm năng kinh doanh từ lượng người hâm mộ, nhiều công ty quản lý, nhà sản xuất chương trình giải trí đã đầu tư xây dựng và quảng bá hình ảnh cho các sao nam này. Thậm chí nhiều nam diễn viên trẻ dù bị đánh giá diễn xuất kém nhưng vẫn cho đóng chính trong các sản phẩm điện ảnh, truyền hình chỉ vì đem lại hiệu ứng truyền thông hơn. Trong phim, đa phần các "Nương pháo" đều được trang điểm đậm, ăn mặt trau chuốt, hay có những cử chỉ làm nũng, biểu cảm dễ thương. Điển hình như tác phẩm Thiên Long Bát Bộ 2021, ngay từ khi ra mắt, tạo hình Đoàn Dự của tài tử Bạch Chú đã nhanh chóng gây tranh cãi bởi hình ảnh đeo hoa tai, tô son trét phấn, hay tạo biểu cảm dễ thương, ngô nghê dù theo nguyên tác, nhân vật này vốn được miêu tả là võ sinh học rộng, võ công cao cường.
Hình tượng "Nương pháo" khiến tài năng của nghệ sĩ dần không được chú trọng, thay vào đó chỉ đầu tư vào nhan sắc, lượng fan của họ. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng phim ảnh, sự phát triển của ngành giải trí. Bên cạnh đó, xu hướng sao nam yểu điệu thục nữ khiến giới chức lo ngại sẽ gây độc hại tới các đối tượng thanh thiếu niên, hình thành lớp trẻ mải mê vun đắp ngoại hình xinh đẹp, chạy theo thần tượng.
Điều này dẫn đến quy định chấm dứt tình trạng "nương pháo" ở làng giải trí đến từ Tổng cục Phát thanh, Truyền hình vào ngày 2/9 vừa qua.