Sở GD-ĐT TP.HCM kiến nghị: Học sinh chuyên được thi tín chỉ chương trình đang được dạy ở ĐH
- Thanh Lê
- Đăng lúc: Thứ tư, 19/05/2021 17:32 (GMT +7)
Học sinh chuyên ở các trường chuyên, lớp chuyên được thi tín chỉ ở một số môn tương ứng, phù hợp đang được giảng dạy trong các trường ĐH, CĐ.
Trong báo cáo gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư của Sở GD-ĐT TP.HCM về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 16/NQ-CP ngày 8/6/2012 và Nghị quyết 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017, Sở đã kiến nghị Bộ GD-ĐT và các cấp lãnh đạo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhằm triển khai những giải pháp mang tính đột phá, đổi mới, cho phép ngành GD-ĐT TP.HCM được áp dụng 1 số cơ chế đặc thù.
Cụ thể, để có thể được chứng nhận hoàn thành tín chỉ môn cơ bản dành cho học sinh chuyên thuộc các lớp chuyên trên địa bàn, Sở đề nghị Bộ cho phép các em được thi tín chỉ ở một số môn tương ứng, phù hợp hiện đang được giảng dạy tại các trường ĐH, CĐ. Đồng thời, phía nhà trường và giáo viên là người sẽ có trách nhiệm giảng dạy cũng như tiến hành kiểm tra đánh giá định kỳ học sinh. Sở cũng cho biết, để làm cơ sở xem xét hoàn thành chương trình học của cả cấp, đơn vị sẽ tổ chức đánh giá chung giữa và cuối cấp học.
Đồng thời, Sở đã kiến nghị Bộ GD-ĐT, giao quyền cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được tiến hành kiểm tra đánh giá, cũng như công nhận tốt nghiệp THPT. Tại các tỉnh, thành phố, Bộ sẽ định kỳ tổ chức đánh giá chất lượng giáo dục theo các chuẩn quốc tế (PISA, PASEC...) và công bố rộng rãi toàn quốc.
Ngoài ra trên cơ sở đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng, Sở cũng đề nghị Bộ phép các trường chủ động điều chỉnh thời lượng giảng dạy của các bộ môn theo tiêu chí chủ động xây dựng chương trình giảng dạy tích hợp, liên môn và đa dạng hóa việc kiểm tra đánh giá cho phù hợp với tình hình giảng dạy thực tế trong từng loại hình trường như trường chuyên, trường tiên tiến hiện đại...
Đối với các trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, Sở cũng kiến nghị Bộ điều chỉnh tỷ lệ % số trường theo đặc thù từng địa phương. Đối với cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố điều chỉnh mức diện tích tối thiểu xây dựng trực tiếp phục vụ giáo dục và đào tạo là 2m2/ học sinh; thực hiện việc trông 2 ca giữ trẻ cho con công nhân đến 20 giờ 30 và giữ cả ngày thứ Bảy, Chủ Nhật.
Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, hiện TP có hơn 1,7 triệu học sinh các cấp với số lượng giáo viên gần 79.000 người. Trong giai đoạn từ 2012-2020, mỗi năm thành phố tăng thêm 50.000-70.000 học sinh, với ngân sách mà thành phố cấp cho ngành giáo dục hằng năm là khoảng 26%.