Thương nhớ sự bình dị trong mâm cơm Tết miền Trung

Cũng giống như miền Bắc và miền Nam, mâm cơm Tết miền Trung dù bình dị nhưng cũng có những sự khác biệt, độc đáo riêng.

Hashtag: Món ăn ngày Tết Tinh hoa ẩm thực Văn hóa ẩm thực Tết Nhâm Dần

Với người Việt, Tết là dịp lễ quan trọng nhất năm, là thời điểm cả gia đình sum vầy. Cũng chính bởi thế mâm cơm Tết bao giờ cũng thịnh soạn, phần để dâng cúng tổ tiên, mong cầu những điều tốt lành trong năm mới, phần để các thành viên cảm nhận được sự đủ đầy, cùng thưởng thức những món ngon lành.

Ở mỗi miền, mâm cơm Tết lại có những điều đặc biệt riêng, tùy theo phong tục, văn hóa. Nếu mâm cơm Tết của người miền Bắc rất cầu kỳ, tượng trưng cho tứ trụ, bốn mùa, mâm cơm Tết miền Nam tuy đơn giản hơn nhưng lại chứa đựng triết lý ngũ hành.

Mâm cỗ Tết miền Trung đơn giản, các món ăn đều màu sắc đậm đà.

Ở miền Trung, do thời tiết khắc nghiệt, thường phải chịu nhiều thiên tai, đời sống kinh tế nhiều nơi chưa khấm khá nên mâm cơm Tết cũng đơn giản hơn. Dù vậy, mỗi dịp Tết đến xuân về, người dân miền Trung đều chuẩn bị tươm tất những mâm cơm cỗ để dâng lên cúng bái tổ tiên với ước mong một năm mới thuận lợi và mưa thuận gió hòa.

Một nét đặc trưng trong những món ăn của người miền Trung đó là ở hương vị chua, cay, mặn, ngọt, đậm đà hơn so với ở ngoài Bắc, thế nhưng lại ít ngọt hơn so với ở miền Nam. Các món ăn cũng có sắc màu rực rỡ hơn, có thiên hướng màu nâu sậm và màu đỏ. 

Do thời tiết miền Trung nóng nên mâm cơm miền Trung thường chuộng các món gỏi như gỏi gà vì dễ ăn và mát ruột. Thêm nữa, mâm cơm Tết miền Trung cũng thoải mái hơn, không câu nệ như miền Bắc, nghĩa là người ta miền Trung thậm chí có thể ăn mực ngay ngày mùng 1.

Các món ăn đa dạng, được bày vào bát đĩa nhỏ.

Một số món ăn đặc trưng trong mâm cơm Tết miền Trung phải kể đến bánh Tét, nhưng bánh Tét ở miền Trung gói nhỏ hơn so với bánh Tét miền Nam để bảo quản được lâu hơn. Ngoài ra, nhiều gia đình miền Trung cũng vẫn gói thêm bánh chưng. Thế nên trên mâm cơm Tết của nhiều gia đình miền Trung có cả bánh Tét và bánh chưng.

Không có bánh chưng dày dặn, vuông vắn như ở ngoài Bắc, nhưng thay vào đó, bánh tét lại là món bánh được ưa chuộng và không thể thiếu trong dịp lễ tết của người dân miền Trung. Bánh tét được gói theo dáng hình trụ, tròn đầy với lá chuối. Phía nhân bên trong cũng giống như nhân trong bánh chưng như: thịt lợn, gạo nếp, đỗ xanh. Khi ăn, thường người ta sẽ ăn kèm với dưa món để tăng thêm hương vị cho món bánh này.

Bánh Tét miền Trung gói nhỏ, ít nhân thịt hơn bánh Tét miền Nam.

Một đặc điểm nữa của mâm cơm Tết miền Trung là tuy nhiều món nhưng chén, đĩa bày món thường chỉ nho nhỏ, vừa đủ, hết sẽ lấy thêm chứ không chủ trương bày những tô lớn, đĩa đầy ắp như của miền Bắc. Trong mâm cơm, các món ăn nguội nổi bật bao gồm: nem chua, giò bò, tré, tôm chua, thịt heo,... Còn về phần các món ăn chính thì có bò nấu thưng, gà quay, giò heo hon, củ cải kho nạc heo, thịt heo ngâm nước mắm,... tùy theo từng vùng, thói quen của từng nhà.

Trong những ngày Tết ở miền Trung, nếu không kể đến các món cuốn thì quả là một thiếu sót vô cùng lớn - một trong những nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực ở nơi đây. Món cuốn ở miền Trung trong ngày lễ Tết đa dạng lăm! Nào là nem lụi, bánh tráng cuốn thịt heo, cá hấp, bánh ướt cuốn cùng thịt nướng hay thậm chí là cuốn bành xèo. Đơn giản vì món này dễ ăn, phù hợp khẩu vị của đa số người miền Trung.

Tré Huế

Song song với đó là món ăn chống ngán. Nếu miền Bắc ưa dưa hành muối thì miền Trung lại giống miềm Nam, hay làm dưa món để chống ngán cho mâm cỗ Tết. Món dưa món với củ cải trắng, cà rốt, củ kiệu... phơi khô rồi ngâm với nước mắm khi ăn vừa giòn, vừa đậm đà lại bớt ngán.

Ngày nay mâm cỗ trong những ngày Tết của người miền Trung không chỉ gói gọn theo hướng truyền thống mà  theo nhu cầu của mỗi gia đình, người ta cũng có thể biến tấu thành nhiều món ăn ngon lành, sáng tạo khác nhau nhưng vẫn rất đỗi bình dị và mộc mạc.

Bài liên quan

News feed