Những quy định để một bộ đồng phục thi đấu bóng đá được đưa vào thi đấu
- Lu Ân
- Đăng lúc: Thứ ba, 06/07/2021 11:31 (GMT +7)
Trông đơn giản nhưng bộ đồng phục bóng đá của các đội tuyển phải tuân theo nhiều tiêu chuẩn và quy định khác nhau để được đưa vào thi đấu.
Để một bộ trang phục thi đấu bóng đá (thông thường được gọi là kit) với đầy đủ áo, quần, tất đùi, tất giày, bọc ống chân và giày thi đấu của một đội tuyển đủ tiêu chuẩn lên sân cỏ, thì thiết kế đó phải trải qua nhiều công đoạn kiểm duyệt theo những tiêu chuẩn nhất định.
1. Quy định về logo, kiểu dáng
Về phần in ấn, áo thi đấu bắt buộc phải được in tên cầu thủ và số áo lên phần mặt lưng. Ngoài ra chiếc áo thi đấu còn phải thoả mãn về việc sắp đặt vị trí các loại logo khác nhau, từ logo đội bóng, logo nhà tài trợ đến logo giải đấu cũng phải được in theo những kích thước tiêu chuẩn.
Áo thi đấu luôn là áo ngắn tay cách khuỷu tay từ 3-4 cm. Quần cũng phải ngắn trên đầu gối, số áo của cầu thủ phải được in ở mép quần trái. Thủ môn là người duy nhất được mặc quần dài thay cho quần đùi, màu áo của anh ta phải khác biệt so với các thành viên đội bóng, đối thủ và cả trọng tài.
2. Quy định về màu sắc trang phục
Màu sắc trang phục của 2 đội thi đấu không được trùng nhau. Vì vậy, mỗi đội thường chuẩn bị 2 bộ trang phục với màu sắc khác nhau để linh hoạt trong các trận đấu. Đội nhà sẽ được ưu tiên chọn trang phục thi đấu trước và đội khách bắt buộc phải khác màu. Điều này giúp khán giả, trọng tài và ban tổ chức có thể phân biệt các tuyển thủ hai đội bóng trong suốt quá trình thi đấu.
3. Không được cởi áo hoặc truyền tải thông điệp dưới áo
Quy định này áp dụng cho cả cầu thủ lẫn cổ động viên. Khi một cầu thủ cởi áo trong quá trình thi đấu, điều này đồng nghĩa với thẻ vàng. Nhưng nhiều cầu thủ vẫn bất chấp qui định này để ăn mừng sau mỗi bàn thắng.
Cổ động viên hay cầu thủ cũng không được vén áo để truyền tải các thông điệp nhạy cảm liên quan đến văn hoá, tôn giáo và chính trị. Mọi hành động này sẽ bị mời ra khỏi sân vận động nếu quá nghiêm trọng.
4. Không được phép đeo trang sức
Những phụ kiện nhỏ bằng kim loại hay có tính sắc nhọn, dễ gây tổn thương như nhẫn, khuyên tai, đồng hồ, vòng cổ... đều không được mang lên sân thi đấu. Chúng có thể sẽ trở thành "hung khí" gây nên nhiều tai nạn đáng tiếc cho cả người mang lẫn người tiếp xúc.