Tranh luận nảy lửa về hoá học, cặp đôi được cư dân mạng "cầu xin" yêu nhau
- Dawn Humo
- Đăng lúc: Thứ ba, 08/12/2020 21:07 (GMT +7)
Thích thú theo dõi màn tranh luận nảy lửa đầy trí tuệ của hai “giáo sư” về bộ môn Hoá học, cư dân mạng kêu gào nam nữ chính dừng tranh luận để yêu nhau.
Bắt nguồn từ một bài viết bàn về kỳ thi Suneung - kỳ thi đại học khốc liệt tại Hàn Quốc, một bạn nam có nickname N.M.T mở đầu tranh luận bằng quan điểm đầy chất "giáo sư" về lượng kiến thức trong bài thi đại học này. Ngay sau đó, một tài khoản Facebook khác là nữ tên N.T.T. đã lên tiếng đáp trả gay gắt. Cuộc nói chuyện đôi co qua lại kéo dài đến vài ngày.
Bạn nam dẫn loạt thành tích của “con nhà người ta” để chứng minh luận điểm của mình không phải đi bịa ra: “Mình học 6 năm bên Hàn, đang làm Thạc sĩ của 1 trường quốc gia trong top 5 và chuẩn bị xuất bản 1 bài báo nghiên cứu khoa học, mình tự nghĩ ra đó. Sinh viên chưa tốt nghiệp khoa Hoá thì không biết công thức hoá học với quá trình oxi hoá của rượu, sinh viên under khoa Anh thì nói tiếng Anh sida hơn cả học sinh cấp 3 ở Hà Nội”.
Đáp lời, bạn gái nói: “Vậy bạn từng học cấp 3 bên Hàn và cả Việt Nam như mình để so sánh chưa? Hay qua để học đại học thôi nếu chưa vào thử mà học để đánh giá khách quan hơn đi bạn. Mình học cả cấp 3 ở 2 nước rồi và đánh giá từng môn thì mỗi môn đều có sự vượt hơn về lượng kiến thức của 1 trong 2 nước, bạn đánh giá được bao nhiêu sinh viên của nó rồi quy cho "lượng kiến thức" 1 học sinh học được khi thi đại học vậy? À bạn đừng có quên là sinh viên quốc tế có tiêu chuẩn riêng và sinh viên Hàn có tiêu chuẩn riêng.
Thử mua quyển đề của các môn về giải thử xem có hộc máu ra không bạn. Lúc trước ở Việt Nam mình học trường chuyên và chuyên môn của mình là Hóa học. Sau khi qua Hàn học cấp 3 thì 1 trường cấp 3 thông thường của nó kiến thức đã dạy cả 1 phần của chương trình chuyên mà mình từng học rồi, dù lúc đó trường cấp 3 mình học không phải trường điểm hay đặc biệt gì cả”.
Cuộc tranh luận công khai và rộng rãi này nhanh chóng thu hẹp thành cuộc đấu khẩu giữa hai "gương mặt vàng trong làng hóa học" nói trên. Những thành viên khác ban đầu còn góp vài lời, sau đều dạt ra hết để chứng kiến anh chàng và cô nàng dùng kiến thức thâm sâu về giáo dục Hàn Quốc và môn hóa học để phản biện lẫn nhau.
Mỗi bình luận của cặp đôi đều có hàng trăm lượt thích. Một thành viên khá đen đủi khi hóng hớt màn tranh luận một tiếng mà quên cả nồi thịt luộc. Anh bạn hài hước chụp ảnh nồi thịt cháy đen và để lại bình luận: “Mong hai bạn đền cho mình 20,000VND tiền thịt nạc và cái nồi luộc thịt mới”.
Đoạn tranh luận nảy lửa này thú vị đến mức nó được một thành viên chụp lại và đăng tải thành một bài viết khác, thu về hơn 26.000 lượt thích và 6.600 lượt bình luận.
“Bạn N.M.T đã có màn tranh luận vô cùng gay cấn và lôi cuốn với bạn N.T.T, cả hai đưa ra những luận điểm rõ ràng vô cùng thuyết phục đối phương và người chơi hệ hóng hớt như mình. Sau một hồi tranh luận combat qua lại, dân tình trong group đã nhiệt liệt đẩy thuyền và chúc phúc cho hai bạn. Nếu hai bạn đã có người thương thì đừng quan tâm đến câu trước đó của mình nhé...”, S.N, người chia sẻ đoạn tranh luận của hai nhân vật chính nhắn nhủ.
Rất nhiều bình luận từ các thành viên tham gia vào chủ đề này có nội dung mong cặp đôi yêu nhau và kết hôn luôn để nhân giống những bộ não giáo sư.
“Cuộc chiến 2 vị thần. Con dân như tui thấy thật đáng sợ, tui trộm nghĩ 2 người này quen nhau, xong con cái sinh ra chắc có cánh luôn.”
“Mình thấy hai bạn đẹp đôi lắm, hai bạn yêu nhau luôn được không?”
“Nhớ ngày xưa bên RDVN có 2 bạn cãi nhau nên thành người yêu nhau luôn. Giờ đã cưới 1 năm rồi”.
Các bình luận đầy mong chờ của dân mạng. Hai nhân vật chính vẫn tiếp tục bỏ qua những bình luận “ghép cặp” và chỉ quan tâm tranh luận.
Bên cạnh màn tranh luận này, bài viết cũng thu hút nhiều ý kiến từ cộng đồng về chất lượng giáo dục của Việt Nam nói riêng và các nước trên Châu Á nói chung. Có rất nhiều bình luận đóng góp thông tin chất lượng, đồng thời cả những bình luận hoàn toàn chủ quan. Tuy vậy, có thể thấy rõ giới trẻ Việt Nam đã và đang giành sự quan tâm rất lớn tới ngành giáo dục, chú trọng phát triển kiến thức của bản thân và hội nhập quốc tế.