Trào lưu nghệ thuật Pop Art và cuộc cách mạng thời trang thế giới
- Lâm Nguyễn
- Đăng lúc: Thứ bảy, 22/05/2021 08:00 (GMT +7)
Từ khi bắt đầu xuất hiện vào những năm 1950, phong trào nghệ thuật Pop Art đã tạo ra những dấu ấn lớn trong làng thời trang trên khắp thế giới.
Pop Art (viết tắt của Popular Art), hay nghệ thuật đại chúng, là một phong trào nghệ thuật thị giác xuất hiện vào những năm 1950. Sự ra đời của Pop Art ngay lập tức làm sụp đổ hệ thống phân cấp thứ bậc, bởi phong trào này coi trọng nền văn hoá pop (nền văn hoá "phổ biến") cùng các đồ vật thông thường trong cuộc sống hàng ngày. Bởi vậy, bức tranh vẽ một lon súp Campbell lại có thể đột nhiên nhận được nhiều sự chú ý, cứ như thể đó là tác phẩm của danh họa Henri Matisse.
Các nhà thiết kế thời trang cũng nhanh chóng áp dụng chủ nghĩa biểu hiện táo bạo vào thẩm mỹ Pop Art, đưa sự châm biếm của nó vào các thiết kế để thời trang có thể đến gần với đại chúng hơn. Những bộ trang phục được may đo riêng với màu xanh navy và màu đen cổ điển dần được thay thế bằng những chiếc váy ngắn có hoạ tiết rực rỡ. Trên thị trường thời trang, những nhà bán lẻ thuộc phân khúc thấp như Marks&Spencer cũng đánh bại các nhà thiết kế Paris, những người từng thống trị thế giới thời trang với haute couture cao cấp.
Các thiết kế thời trang vẫn thường được tham khảo hoặc lấy cảm hứng từ các yếu tố nghệ thuật sáng tạo. Tuy nhiên trước đó, sự kết hợp giữa nghệ thuật và thời trang không quá phổ biến. Nói cách khác, chỉ bắt đầu vào thập niên 50s khi Pop Art ra đời, nghệ thuật và thời trang mới thật sự giao thoa, nhà thiết kế thời trang và các nghệ sĩ có ảnh hưởng lẫn nhau và cùng chia sẻ tinh hoa của nghệ thuật.
Andy Warhol là một trong những nghệ sĩ có mối quan hệ chặt chẽ với các nhà thiết kế thời trang. Tại studio The Factory của mình, ông đã nhiều lần tổ chức các buổi gặp gỡ với người nổi tiếng. Sự nghiệp của Warhol bắt đầu với tư cách một họa sĩ minh họa thời trang cho những tạp chí như Vogue, vậy nên không có gì lạ khi ông là một trong những biểu tượng Pop Art đi đầu trong làng thời trang trên thế giới. Andy Warhol đã biến tác phẩm nghệ thuật thành những chiếc váy giấy, tiêu biểu là chiếc váy Campbell’s The Souper Dress. Là trang phục mặc một lần, chiếc váy giấy trở thành tuyên bố về lối sống của chủ nghĩa tiêu thụ.
Về sau, các nhà mốt cũng sử dụng những tác phẩm của Andy Warhol trên thiết kế thời trang của họ, như Christian Dior hay Gianni Versace với BST mùa xuân năm 1991. Nhưng trên thực tế, từ rất lâu trước đó, năm 1966, người bạn tốt của Andy Warhol là Yves Saint Laurent đã có một buổi trình diễn thời trang với chủ đề Pop Art cùng cuộc cách mạng nghệ thuật. Mang màu sắc sặc sỡ và thiết kế sống động, BST đó khiến người xem dễ dàng liên tưởng tới những điều nhỏ nhặt trong đời sống thường nhật, cũng chứng minh rằng thời trang cũng có thể đẹp mà không cần tới các yếu tố xa hoa.
Ngay sau BST của Saint Laurent, giới thời trang dần phát triển theo hướng dành cho tất cả mọi người, chứ không chỉ cho giới thượng lưu như trước đó. Một số nhà thiết kế cũng xây dựng được triết lý thời trang của riêng mình thông qua những giá trị nền tảng của phong trào nghệ thuật Pop Art đương đại. Trong số đó có thể kể đến Jeremy Scott, người đảm nhiệm BST Moschino mùa thu 2014, đã thiết kế trang phục dựa trên nghệ thuật Pop Art lấy cảm hứng từ các thương hiệu tiêu dùng như McDonald’s và Frito-Lay.
Tới ngày nay, Pop Art vẫn chứng minh được sức ảnh hưởng của mình và không hề có chút dấu hiệu lụi tàn. Các thương hiệu lớn như Vans và Nike thậm chí đã sử dụng những bản phác thảo của Roy Lichtenstein trên các thiết kế giày chạy bộ và giày thể thao. Nhờ chủ nghĩa tiêu dùng cùng các thiết kế đầy bắt mắt, người ta tin rằng Pop Art vẫn sẽ là phong trào nghệ thuật được sáng tạo nhiều nhất trong thời trang.