Christian Dior: Khi cảm hứng nở rộ từ những đoá hoa

Lâm Nguyễn Đăng lúc: Thứ hai, 04/01/2021 11:58 (GMT +7)
Xuyên suốt cuộc đời và sự nghiệp của Christian Dior cũng như của các hậu duệ sau này là những tác phẩm được lấy cảm hứng từ muôn loài kỳ hoa dị thảo.
Hashtag #Lịch sử thời trang #Fashion brands - Thương hiệu thời trang #Dior #Christian Dior #BEAUTORY #Thời trang

Tháng 11 vừa qua, nhà mốt Dior đã cho ra mắt cuốn sách mang tên "Dior in Bloom". Đây là ấn phẩm thể hiện niềm đam mê của người sáng lập ra thương hiệu - Christian Dior dành cho thực vật, đặc biệt là các loài hoa. Niềm đam mê đó lớn tới nỗi rất nhiều những sản phẩm, kiệt tác của thương hiệu này đều được lấy cảm hứng từ những đoá hoa tươi.

Được ví như là "người anh hùng" giải thoát cho ngành thời trang khỏi hố sâu tăm tối thời kỳ hậu chiến, Christian Dior đánh dấu điểm mốc đầu tiên cho đế chế của mình bằng thiết kế New Look kinh điển. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể nhận ra mối liên quan giữa New Look và tình yêu dành cho công việc làm vườn của ông.

Christian Dior phác hoạ những bản thiết kế lấy cảm hứng từ khu vườn của mình
Christian Dior phác hoạ những bản thiết kế lấy cảm hứng từ khu vườn của mình

Christian Dior và tình yêu dành cho các loài hoa

Christian Dior sinh vào ngày 21/1/1905 tại Villa Les Rhumbs và là con của một gặp vợ chồng chủ doanh nghiệp phân bón. Ngay từ thuở thơ ấu, những mảnh vườn bên bờ biển Normandy đã sớm khơi dậy tình yêu và niềm đam mê bất tận của Christian Dior dành cho muôn loài hoa. Bằng cách tham khảo những cuốn sách làm vườn Vilmorin-Andrieux của người mẹ Madeleine, cậu bé Christian Dior khi đó đã học được cách chăm sóc vườn cũng như thoả sức nuôi dưỡng nguồn sáng tạo của mình. Giống như ông đã từng chia sẻ: “Phong cách sống của tôi phần lớn mang ơn từ ngôi nhà Les Rhumbs”.

Cậu bé Christian Dior tại khu vườn của mình
Cậu bé Christian Dior tại khu vườn của mình

Nước Pháp hậu Chiến tranh Thế giới II chẳng còn gì ngoài những ngôi nhà đổ nát, sự khắc khổ và bóng tối bao trùm. Trong tình cảnh đó, việc tái thiết đất nước trở thành nhiệm vụ cấp bách. Nhưng không chỉ có đường xá, nhà cửa, mà chính con người cũng cần phải đổi mới.

Năm 1946, Dior cho ra mắt thương hiệu mang tên mình. Chẳng cần cầm súng trên tay, ông vẫn có thể hoàn thành công cuộc giải phóng phụ nữ. Ông đem tới niềm vui cho một nửa thế giới bằng sự sáng tạo của mình, giúp kinh đô Paris trở lại vị trí "ngôi vương" của ngành thời trang chỉ với 20m vải để tạo nên di sản New Look.

Thiết kế New Look đánh dấu mốc phát triển mới cho ngành thời trang
Thiết kế New Look đánh dấu mốc phát triển mới cho ngành thời trang

New Look không chỉ đơn giản là một bộ trang phục. Nó còn là sự giải thoát cho phụ nữ sau nhiều năm chiến tranh phải lo lắng bao bộn bề của gia đình, người thân. Sau bộ sưu tập diễn ra vào 2/1947, tổng biên tập của Harper’s Bazaar – Carmel Snow đã chấp bút ngợi khen, giúp thiết kế New Look tạo nên cuộc cách mạng với kiểu dáng đầy duy mỹ.

Báo chí không tiếc lời ca tụng chiếc eo thon gọn, áo khoác bó sát, chân váy chữ A đầy đặn của Dior, như sự hồi tưởng về thời trang tiền chiến, về những tháng ngày tươi đẹp đã qua. Nếu quan sát kĩ hơn, ta có thể nhận ra rằng thiết kế này có liên quan tới tuổi thơ của Christian Dior. Bởi lẽ ông đã từng viết rằng: “Tôi đã vẽ một người phụ nữ đẹp như hoa nở, bờ vai nàng mềm mại, eo nàng thon như dây leo và phần váy tựa tràng hoa.”

Nếu xem xét kĩ hơn thì ta có thể nhận ra rằng thiết kế này mang bóng dáng những bông hoa trong ký ức của Dior
Nếu xem xét kĩ hơn thì ta có thể nhận ra rằng thiết kế này mang bóng dáng những bông hoa trong ký ức của Dior

Vào mùa thu cùng năm, nhà mốt nước Pháp bước sang bộ sưu tập thứ hai, đưa thương hiệu lên một tầm cao mới. Không còn là chiếc Bar suit với bờ vai mềm mại, mẫu váy Junon đem tới vẻ đẹp nền nã, phom dáng đồng hồ cát, những cánh hoa được đính cườm tỉ mỉ. 

Nó chính là thiết kế khắc hoạ một trong các loài hoa mà Christian Dior yêu thích nhất - hoa hồng.
Nó chính là thiết kế khắc hoạ một trong các loài hoa mà Christian Dior yêu thích nhất - hoa hồng.

Mỗi khi không phải làm việc tại xưởng may ở Paris, Dior lại dành một giờ lái xe để quay về chăm sóc khu vườn của mình ở Le Moulin du Coudret. Về sau, ông mua lại lâu đài gần Cannes để mở rộng khu vườn. Rồi tới năm 1950, những đoá hoa tươi thắm vẫn là nguồn cảm hứng bất tận cho các phác thảo của Dior. Theo ông, khi quay về với cội nguồn, với khu vườn đã bao bọc tuổi thơ thì ông có thể quên đi nhà thiết kế Christian Dior để trở thành cậu trai Christian một lần nữa. 

Tình yêu dành cho khu vườn ngát hương hoa của ông dường như là bất tận
Tình yêu dành cho khu vườn ngát hương hoa của ông dường như là bất tận

Niềm đam mê và tình yêu vẫn cháy mãi

Dẫu cho Dior đã nằm xuống thì lịch sử của nhà mốt vẫn tiếp tục được đánh dấu bằng những mốc son chói lọi. Trải qua 6 đời Giám đốc sáng tạo tiếp bước, Dior vẫn không ngừng chứng minh cho thế giới đẳng cấp của mình. Trong một bộ sưu tập haute couture dành cho thương hiệu, John Galliano đã tạo nên tiếng vang lớn khi tái hiện lại khu vườn thời ấu thơ của Christian Dior một cách sống động. Sàn diễn là một nhà kính khổng lồ, với biết bao bông hoa tulip được bài trí xung quanh. Tất cả mọi người ở đó đều cảm thấy ngỡ ngàng khi người mẫu đầu tiên bước ra, bởi giây phút đó giống như mùa Xuân đang thổi sinh khí vào muôn loài kỳ hoa dị thảo, đem tới cho đất trời sắc hương ngất ngây.

BST haute couture Xuân 2008 thực hiện bởi John Galliano
BST haute couture Xuân 2008 thực hiện bởi John Galliano
BST Christian Dior haute couture Đông 2010
BST Christian Dior haute couture Đông 2010

Vào năm 2012, giữa tiết trời nóng bức mùa hè của Paris, Raf Simons lại đem tới một khu vườn bí mật của Dior. Các bức tường của dinh thự 30 Montaigne được phủ kín với hoa bạch lan và phi yến xanh, đẹp như trong cõi mộng. Khác với phong cách thiết kế cuồng quái đậm chất John Galliano, Raf Simons lại tối giản hơn nhiều. Xuyên suốt bộ sưu tập là những họa tiết thực vật được tái hiện thông qua hình bóng New Look, những cánh hoa được thêu đính lặp đi lặp lại. Tất cả cho thấy niềm tôn kính của các thế hệ sau đối với tình yêu làm vườn của Christian Dior.

Thiết kế của Raf Simons
Thiết kế của Raf Simons
Sàn diễn giống như một khu vườn thật sự
Sàn diễn giống như một khu vườn thật sự

Là nữ giám đốc sáng tạo đầu tiên của Dior, Maria Grazia Chiuri đã định hình thương hiệu gắn với phong trào nữ quyền. Bà tái định nghĩa cách chúng ta nghĩ về nữ quyền với bộ sưu tập haute couture đầu tiên dành cho nhà mốt. Những cô gái Dior bước trên sàn diễn trông chẳng khác nào cô công chúa mặc chiếc váy tulle bồng bềnh bước ra khỏi khu rừng cổ tích đầy rêu phong.

Thiết kế thuộc BST Christian Dior Haute Couture Xuân 2017 của Maria Grazia Chiuri
Thiết kế thuộc BST Christian Dior Haute Couture Xuân 2017 của Maria Grazia Chiuri

Sang tới bộ sưu tập Xuân - Hè 2020, tầm nhìn của Maria Grazia Chiuri càng được tô đậm thêm với các thiết kế lấy cảm hứng từ Catherine Dior - cô em gái mà Christian Dior hết mực yêu thương. Catherine Dior là người phụ nữ có công trong phong trào kháng chiến Pháp, một người có tấm lòng kiên cường và mang niềm đam mê làm vườn giống anh trai của mình.

BST Xuân Hè 2020
BST Xuân Hè 2020

Trong bối cảnh xã hội vẫn đang phải giãn cách vì dịch bệnh, việc quay về với thiên nhiên dường như được thôi thúc mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Dưới sự bế tắc và guồng quay bất tận của giới thời trang, trong sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và kỹ thuật số, chúng ta thầm ước rằng mình có một nơi bình yên để về, giống với khu vườn thơ mộng ngát hương hoa của Christian Dior. 

Biểu tượng của Dior: Áo khoác Bar Hơi thở đồng quê Puglia trong BST Dior Cruise 2021 Chiếc túi yên ngựa của Dior phiên bản "ăn được" - bạn đã thử chưa?
Copy URL

Bình luận

Tin đáng chú ý

Chủ đề mới trên 2Đẹp