Tỷ lệ ly hôn tăng cao, chính phủ Trung Quốc ra quy định "câu giờ" khiến các đôi muốn chia tay cũng vất vả
- Alex
- Đăng lúc: Thứ tư, 19/05/2021 15:06 (GMT +7)
Điều luật mới chính là yêu cầu hai vợ chồng đang muốn ly hôn phải có khoảng thời gian "ngẫm lại" kéo dài tới 30 ngày trước khi chính thức được ly hôn.
Trong những năm gần đây thì tỷ lệ ly hôn tại Trung Quốc ngày càng có dấu hiệu tăng. Theo số liệu do Bộ Dân chính Trung Quốc công bố thì quý I của năm 2019 đã có đã có tới 1,05 triệu vụ, đến quý 4 năm 2020 là 1,06 triệu vụ. Điều này khiến chính quyền Bắc Kinh rất "đau đầu" bởi tỷ lệ ly hôn tăng đều trong khi tỷ lệ kết hôn lại giảm. Xu hướng này được cho là có liên quan đến tỷ lệ sinh thấp đang gây ra cuộc khủng hoảng nhân khẩu học của Trung Quốc hiện nay.
Để tránh tình trạng này thêm sa lầy, chính phủ Trung Quốc đã đẩy mạnh tuyên truyền về giá trị của hôn nhân, khuyến khích người dân không nên ly hôn. Để tăng cường biện pháp "mạnh mẽ" hơn, chính quyền Bắc Kinh đã cho áp dụng chính sách thời gian "nghĩ lại" hay khoảng thời gian “hạ nhiệt” trước khi đưa ra quyết định cuối cùng là ly hôn cho các cặp đôi đang trục trặc.
Chính sách này sẽ là một phần của bộ luật dân sự sâu rộng có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2021. Cụ thể, luật này sẽ yêu cầu các cặp đôi đang muốn ly hôn phải đợi 30 ngày trước khi thủ tục ly hôn của họ được chính thức hóa. Và cả hai vợ chồng sẽ phải xuất hiện trong hai cuộc gặp mặt tại văn phòng dân sự địa phương (trong khoảng thời gian 30 đến 60 ngày từ khi nộp đơn) và chỉ cần 1 trong 2 không xuất hiện. Đơn ly hôn sẽ bị bác bỏ.
Khoảng thời gian hòa giải này sẽ không được áp dụng cho những vụ ly hôn liên quan đến bạo lực gia đình hay dính dáng tới yếu tố lừa đảo, hình sự. Chính sách này của chính phủ Trung Quốc đã có hiệu lực gần như ngay lập tức, bởi tính hết 3 tháng đầu năm 2021 thì mới có 296.000 vụ ly hôn được đăng ký. Giảm đáng kể so với con số gần 1 triệu vụ cùng kỳ năm trước.
Thế nhưng, trong khi những nhà làm luật của Trung Quốc đang "gật gù" thì dư luận Trung Quốc lại tỏ ra vô cùng tức giận, đặc biệt là ở nữ giới. Bởi vì theo họ, đây rõ ràng là sự cản trở nghiêm trọng quyền tự do hôn nhân đúng luật của họ. Tỷ lệ ly hôn giảm đơn giản bởi chính quyền tìm mọi cách gây khó dễ thì tất nhiên số lượng vụ ly hôn thành công sẽ giảm xuống mà thôi.
Đa phần những người đang trục trặc hôn nhân cho rằng, họ đã phải chịu đựng quá đủ người kia rồi thì mới dẫn đến quyết định ly hôn. Việc phải "chịu đựng" nhau thêm hơn 1 tháng nữa không có ý nghĩa gì cả mà chỉ làm cho cuộc sống của họ thêm bế tắc.
Chưa kể, nếu một trong hai người cố tình không xuất hiện trong các buổi gặp mặt tại phòng dân chính trong thời gian "hòa giải" hoặc tự rút đơn thì coi như vụ ly hôn bị hủy bỏ. Đây thực sự là điều không khác gì "chặn đường" cho việc ly hôn. Ngoài các nghi ngờ về quyền tự do ly hôn bị cản trở thì lo ngại về những trường hợp bạo lực gia đình cũng tăng cao hơn.
Thậm chí, nhiều người trẻ cho rằng, họ e ngại việc kết hôn hơn bởi từ giờ việc ly hôn khó khăn hơn rất nhiều. Nếu lỡ có "sai lầm" thì thật khó có đường để rút lui.