Uniqlo vượt Zara để trở thành thương hiệu quần áo lớn nhất thế giới
- ThanhPham
- Đăng lúc: Thứ tư, 17/02/2021 12:31 (GMT +7)
Trong những năm qua, hãng thời trang Uniqlo đã có những bước phát triển mạnh mẽ để lần đầu tiên "lên đỉnh" thế giới, vượt mặt hãng thời trang Zara danh tiếng.
Theo hãng tin Nikkei, hiện giá trị thị trường của Fast Retailing - công ty mẹ của thương hiệu quần áo Uniqlo - vừa đạt 10,87 nghìn tỷ yên (103 tỷ USD) tính tới cuối phiên giao dịch ngày 16/2/2021. Như vậy, Fast Retailing trở thành doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu trong ngành công nghiệp quần áo xét về mặt vốn hóa thị trường.
Giá cổ phiếu của Fast Retailing đã tăng ổn định kể từ tháng 8 năm ngoái và có lần đầu tiên vượt Inditex - công ty mẹ thương hiệu Zara - hiện có vốn hóa thị trường 81,7 tỷ euros (tương đương 99 tỷ USD). Cổ phiếu Fast Retailing đã tăng trong 7 phiên liên tiếp tới ngày thứ 3, đạt mức giá 102.500 yên/1 cổ phiếu, tăng 3% so với phiên trước và vượt 100.000 yên /1 cổ phiếu lần đầu tiên trong lịch sử.
Chủ tịch Fast Retailing và CEO Tadashi Yanai tự hào nói với các nhân viên trong ngày đầu năm mới rằng: "Chúng ta đã chạm tới vị thế số 1 thế giới trong ngành công nghiệp quần áo". Những năm qua, Fast Retailing đã thu được thành công lớn khi tập trung vào thị trường châu Á, đặc biệt là Trung Quốc - nơi nền kinh tế đã hồi phục nhanh chóng sau khủng hoảng vì dịch bệnh nhờ vào nỗ lực kiểm soát của chính phủ.
Fast Retailing hiện có 2.298 cửa hàng Uniqlo trên khắp thế giới tính tới tháng 11/2020. Trong đó tại Châu Á chiếm 60% số cửa hàng, Trung Quốc hiện là thị trường lớn thứ 2 sau Nhật Bản của Uniqlo với 815 cửa hàng. Trong năm tài chính năm ngoái thì lợi nhuận hoạt động của Uniqlo tại Trung Quốc đại lục đạt mức 14,4%, vượt mức 13% ở thị trường Nhật Bản. Trong khi đó, 70% cửa hàng của Zara hoạt động tại Mỹ và châu Âu - những nơi đã phải trải qua nhiều đợt phong toả. Zara chỉ có gần 20% lượng cửa hàng ở châu Á.
Ngoài sự đúng đắn về chiến lược lựa chọn trọng điểm khu vực kinh doanh, Fast Retailing còn tiên phong trên mặt trận kỹ thuật số. với việc cho ra đời khái niệm "bán lẻ tiêu dùng kỹ thuật số" vào năm 2016, liên quan đến việc phân tích dữ liệu từ việc mua hàng trực tuyến và lưu trữ từ các thẻ IC gắn trên tất cả hàng hóa, hợp tác với Google và các công ty bên ngoài khác để phát triển cơ sở hạ tầng sản xuất được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo.
Tuy nhiên xét về doanh thu, Fast Retailing vẫn đứng vị trí thứ 3 với gần 2 nghìn tỷ yên (18,9 tỷ USD) trong năm tài chính trước đó. Inditex dẫn đầu ở mức 28,2 tỷ euros (tương đương 34,1 tỷ USD) trong năm tài chính kết thúc vào tháng 1/2020, H&M đứng vị trí thứ 3 với 187 tỷ kronor (22,5 tỷ USD) trong năm tài chính tính tới tháng 11 năm ngoái.
Về lợi nhuận những tháng đầu năm, Inditex báo cáo lợi nhuận 866 triệu euros (1 tỷ USD), cao hơn 60% so với mức lợi nhuận 680 triệu USD của Fast Retailing. Còn về mảng bán hàng trực tuyến, Fast Retailing gần như đuổi kịp Inditex về mặt doanh số, lĩnh vực sẽ định hình tốc độ tăng trưởng sau này. Thương mại điện tử chiếm 14% doanh thu của Inditex trong năm 2019 nhưng họ cũng lên kế hoạch nâng con số này lên 25% trong năm tới.
Chuyên gia phân tích thị trường Takahiro Kazahaya đưa ra nhận định, Fast Retailing có lợi thế hơn Inditex xét về tốc độ tăng trưởng trong tương lai. Ông nói: "Nếu xét về chỗ đứng ở châu Á, Fast Retailing đang dẫn đầu về tiềm năng tăng trưởng trung và dài hạn và sự tăng trưởng ở châu Á có thể sẽ quyết định giá trị thị trường của hai công ty trong tương lai".