Về Bạc Liêu thưởng thức bánh củ cải dân dã nhưng kỳ công, lạ miệng
- Hà My
- Đăng lúc: Thứ sáu, 15/04/2022 11:41 (GMT +7)
Bánh củ cải Bạc Liêu nhìn đơn giản, dân dã là vậy, nhưng lại có hương vị vô cùng độc đáo và thơm ngon, được kết hợp từ các nguyên liệu như tôm, thịt, củ cải,...
Có người nói vui rằng, nếu đã đặt chân tới “xứ công tử” mà chưa một lần được nếm thử hương vị của món bánh củ cải, thì coi như là chưa khám phá hết nét đẹp ẩm thực của người dân Bạc Liêu. Ngày trước, bánh củ cải thường được chế biến và thưởng thức trong những dịp lễ Tết, cúng giỗ. Thế nhưng trải qua biết bao nhiêu thế hệ, món bánh này đã trở thành một món ngon đặc sản, khiến cho người dân nơi đây luôn phải tự hào với du khách bốn phương.
Bánh củ cải là món ăn đường phố hoặc được bán rong trên các gánh hàng, xe đẩy, hoặc ở những quán hàng vỉa hè. Mới nhìn thoáng qua, nhiều người cứ nghĩ rằng bánh củ cải giống với loại bánh há cảo của người Trung Quốc. Thế nhưng bánh củ cải của Bạc Liêu có rất nhiều điều khác biệt từ hình thức đến hương vị. Theo đó bánh củ cải có kích thước to hơn, vỏ bánh có màu trắng đục và lộ rõ được cả phần nhân tôm thịt ở phía trong, trông vô cùng bắt mắt và kích thích vị giác.
Vỏ bánh củ cải được chế biến từ bột mì, pha cùng với bột củ cải trắng xay nhuyễn. Sau đó, phần bột sẽ được cán mỏng, mỏng hơn cả loại bánh ướt. Những người có kinh nghiệm lâu năm cho rằng, đối với bánh củ cải, vỏ càng được cán mỏng thì bánh khi ăn sẽ ngon hơn và cũng sẽ đẹp mắt hơn.
Nguyên liệu để làm nhân bánh không phải sơn hào hải vị, chỉ đơn giản là sự kết hợp giữa tôm khô, thịt, củ sắn và củ cải trắng mà thôi. Thế nhưng đổi lại, quá trình để làm bánh lại cầu kỳ, phức tạp và tốn nhiều công sức hơn chúng ta tưởng rất nhiều đấy.
Người làm bếp sẽ thể hiện sự khéo léo, tỉ mỉ của mình bằng cách thái củ sắn và củ cải trắng thành những sợi nhỏ đều tăm tắp. Sợi của củ sắn và củ cải trắng càng được thái dài, thái mỏng bao nhiêu thì khi tẩm ướp gia vị mới ngấm nhanh và đều bấy nhiêu. Bên cạnh 2 nguyên liệu trên, người nấu sẽ phải ngâm mềm tôm khô cùng với nước từ đêm hôm trước để tôm đỡ mặn.
Sau khi ngâm xong, tôm cần phải để cho ráo bớt nước và băm nhỏ nhuyễn, đem trộn đều cùng với thịt ba chỉ thái mỏng. Hỗn hợp này được tẩm ướp cùng với muối, tiêu đen, hành, dầu mè tới khi ngâm đều thì đem đi xào chín rồi mới trộn đều cùng củ sắn và củ cải trắng.
Quy trình làm bánh củ cải cũng khá giống với quy trình làm bánh cuốn. Trước hết, người làm bếp sẽ phết một chút dầu ăn vào trong lòng chảo chống dính, đặt lên bếp đợi cho chảo được nóng rồi mới đổ bột gạo vào. Điều quan trọng là phải điều chỉnh lửa ở mức nhỏ liu riu, tay cần nghiêng chảo liên tục để có thể tráng phần vỏ bánh cho thật mỏng. Tiếp đó, người ta sẽ múc một chút nhân và đặt vào chính giữa, sau đó gói nhanh bốn cạnh lại với nhau, đậy kín nắp chảo lại, đợi chừng vài phút là bánh sẽ chín, tỏa hương thơm phức, vô cùng hấp dẫn.
Bánh củ cải khi chín sẽ có một màu trong xuyên thấu, giúp người ăn có thể chiêm ngưỡng được cả phần nhân đỏ au phía trong. Trước khi ăn, người ta còn rắc lên trên một chút hành để tạo thêm màu sắc, cũng như giúp món ăn được bắt mắt và kích thích hơn. bánh củ c
Ngoài ra cũng có một phiên bản khác trực tiếp xào củ cải bào, tôm, đậu phộng, bột, thịt ... cho chín rồi hấp chín, không bao vào vỏ mỏng. Với phiên bản này, nếu hấp nguyên tảng, người ta sẽ cắt miếng vừa ăn, nếu đã chia sẵn miếng vừa ăn chỉ cần canh nước mắm chua ngọt và đồ chua là có món ăn ngon.
Bánh khi ăn sẽ được chấm cùng với nước mắm chua ngọt. Vị béo ngậy từ thịt, vị ngọt tươi từ tôm, mùi hăng hăng đặc trưng của củ cải trắng, hòa quyện với vị ngọt ngọt từ củ sắn rất hài hòa, ngon miệng.
Chỉ với những nguyên liệu quen thuộc, đơn giản và dễ tìm, thế nhưng với cách chế biến tinh tế, tỉ mỉ, người dân Bạc Liêu đã tạo nên được một món ăn với mùi vị rất riêng, độc đáo để rồi bánh củ. Nếu có dịp đến Bạc Liêu, bạn có thể ghé đến các tuyến đường như Hoàng Diệu, Hoàng Văn Thụ hay đường 28/8 để tìm và thưởng thức món bánh củ cải này nhé!