Ý nghĩa của bông hồng cài áo mùa Vu Lan
- Mỹ Thu
- Đăng lúc: Thứ năm, 27/08/2020 12:27 (GMT +7)
Bông hồng cài áo là nghi thức không thể thiếu trong lễ Vu Lan. Nhưng ít ai biết, nghi thức này lại có nguồn gốc phương Tây.
Bông hồng cài áo mùa Vu Lan cho những ai có mẹ
Vào dịp Vu Lan, tại các chùa hay hội đoàn, hình ảnh thường thấy là những bông hoa hồng màu đỏ và màu trắng lần lượt được cài lên áo của các phật tử trong niềm xúc động rưng rưng. Nghi thức bông hồng cài áo luôn là sự kiện được mong chờ nhất và ý nghĩa nhất trong ngày lễ đặc biệt này.
Theo GS.TS. Ngô Đức Thịnh (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam), nghi thức Bông hồng cài áo trong ngày lễ Vu Lan xuất phát từ áng văn về mẹ của thiền sư Thích Nhất Hạnh được viết vào thập niên 60.
Trong chuyến công tác tại Nhật Bản, thiền sư rất lạ khi thấy người Nhật thành kính gài tặng ông một bông hoa cẩm chướng trắng lên ngực áo.
Sau khi tìm hiểu, thiền sư mới biết hôm đó là ngày 10/5, là Ngày của Mẹ của người phương Tây. Theo tục lệ, nếu còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo để được hạnh phúc và tự hào. Còn nếu mất mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa trắng để nhớ tiếc, luyến thương.
Việc này đã khiến Thiền sư xúc động mạnh và viết nên ấn phẩm "Bông hồng cài áo" vào năm 1962. Bông hồng ở đây có nghĩa là đóa hoa màu hồng.
Từ nghi thức trong Ngày của Mẹ, tập tục “bông hồng cài áo” du nhập vào Việt Nam trở thành nghi thức của ngày lễ Vu Lan. Hoa cẩm chướng cũng được thay thế bằng hoa hồng. Tại các chùa và hội đoàn Việt Nam, vào ngày lễ Vu Lan, người ta cài bông hồng đỏ cho những ai còn mẹ và bông hồng trắng cho những ai mất mẹ, nhắc nhở mỗi người nhớ nghĩ đến công ơn sinh thành.
Ý nghĩa của bông hồng vàng cài áo người tu sĩ
Nếu những ai còn mẹ thì được cài hoa hồng đỏ, hoa hồng trắng dành cho những ai đã mất đi điều quý giá nhất đời mình thì các vị tu sĩ lại cài một bông hoa hồng vàng.
Tu sĩ là những người đã từ bỏ đời sống thế tục để sống cuộc đời xuất gia. Họ mượn thân tứ đại do cha mẹ sinh ra để “trên cầu giải thoát, dưới cứu độ chúng sinh”.
Đối với họ, việc đạt đến sự giác ngộ chính là cách báo ân tuyệt diệu nhất vì không chỉ báo hiếu cho cha mẹ ở hiện tại mà còn cứu độ cha mẹ ở nhiều đời khác nữa. Người tu sĩ có cha mẹ rộng hơn, lớn hơn và cao cả hơn, đó là tất cả chúng sinh.
Ngoài ra, theo đạo Phật, màu vàng là màu của đất, tượng trưng cho sức sống, là sự nhẫn nhục, cưu mang tất cả, chấp nhận tất cả. Đồng thời, màu vàng còn là màu của tuệ giác, tượng trưng cho sự buông bỏ, không chấp thủ và sự giải thoát
Do vậy, trong ngày Vu Lan những nguời tu sĩ cũng muốn mượn màu sắc của hoa màu vàng để nói lên tinh thần đúng nghĩa của ngày lễ đặc biệt này là sự giải thoát.
Video bài hát hay về ngày lễ Vu Lan