Thích Nhất Hạnh là một thiền sư, nhà văn, nhà thơ, giảng viên, nhà khảo cứu, nhà hoạt động xã hội, và người thúc đẩy hòa bình cho nhân loại. Vị sư này cũng là người khởi xướng khái niệm "Phật giáo dấn thân" (engaged Buddhism). Trải qua nhiều thập kỷ, Thiền sư Thích Nhất Hạnh vẫn được biết đến là người lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn thứ hai ở phương Tây chỉ sau Đạt-lai Lạt-ma (Dalai Lama).
>> Xem thêm: Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch ở tuổi 96 tại Huế
Thiền sư Thích Nhất Hạnh có tên thật là Nguyễn Xuân Bảo. Có thông tin, tên thật của ông ban đầu là Nguyễn Đình Lang nhưng sau khi làm giấy khai sinh tại Đà Lạt mới đổi lại thành Nguyễn Xuân Bảo.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh sinh ngày 11/10/1926.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch hồi 0 giờ ngày 22/1/2022. (Hưởng thọ 96 tuổi).
Thiền sư Thích Nhất Hạnh quê ở làng Minh Hương, quận Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên- Huế.
Ngoài được biết đến là một thiền sư, Thiền sư Thích Nhất Hạnh còn là một giảng viên, nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cứu, nhà hoạt động xã hội, và người vận động cho hòa bình.
Nhất Hạnh là con kế út trong gia đình có 6 anh chị em. Vào năm 16 tuổi, Nhất Hạnh theo con đường xuất gia tại chùa Từ Hiếu. Nơi đây, ông được Thiền sư Thanh Quý Chân Thật ban cho pháp danh Trừng Quang.
Sau khi tốt nghiệp Viện Phật học Bảo Quốc ở miền Trung Việt Nam, Nhất Hạnh tu học thiền theo trường phái Đại thừa của Phật giáo. Đến năm 1949, để tiếp tục con đường tu học, ông rời Huế vào Sài Gòn. Đây là thời điểm ông bắt đầu sáng tác với pháp hiệu Thích Nhất Hạnh.
Từ năm 1961 - 1963, Nhất Hạnh nghiên cứu và giảng dạy tại đại học Princeton và Columbia, Hoa Kỳ. Đây cũng là thời điểm ông sáng tác đoản văn "Bông Hồng Cài Áo" nói về tình mẫu tử. Đoản văn của vị thiền sư sau này được nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ phổ nhạc, viết lời thành ca khúc và trở thành bản nhạc bất hủ về tình mẹ và yêu thích trong dịp Vu Lan báo hiếu.
Đặc biệt ý tứ trong "Bông Hồng Cài Áo" của thầy Thích Nhất Hạnh đến nay cũng trở thành nghi thức truyền thống ngày Vu lan. Trong ngày này, những ai không còn mẹ sẽ cài hoa trắng lên áo, còn những ai may mắn còn mẹ sẽ cài lên ngực áo bông hồng đỏ để nhắc nhở về lòng hiếu thảo với đấng sinh thành.
Vào năm 1966 Thích Nhất Hạnh được công nhận là một thiền sư và là người kế tục trụ trì chùa Từ Hiếu. Đây cũng là năm ông rời Việt Nam đi hoằng dương Phật pháp trên thế giới.
Trong quá trình hoằng dương Phật giáo trên thế giới, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã thành lập trung tâm tu học làng Hồng ở miền Nam nước Pháp. Sau này, trung tâm này đổi tên thành Làng Mai hay đạo tràng Mai Thôn. Đây cũng là nơi sư ông gắn bó lâu dài trên con đường tu tập.
Trong suốt những năm tháng xuất gia đến khi viên tịch, sư ông Thích Nhất Hạnh đã phối hợp kiến thức của ông về nhiều trường phái thiền khác nhau cùng với các phương pháp từ truyền thống Phật giáo Thượng tọa bộ, những nhận thức sâu sắc từ truyền thống Phật Giáo Đại thừa, và vài phát kiến của ngành tâm lý học đương đại phương Tây để tạo thành cách tiếp cận hiện đại đối với thiền.
Gần như cả cuộc đời tu hành, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đều không ngừng truyền bá tư tưởng từ bi, yêu hòa bình của Phật giáo.
Năm 1967, Mục sư Baptist - Martin Luther King, Jr. đã đề cử Thiền sư Thích Nhất Hạnh cho Giải Nobel Hòa bình vì những đóng góp cao cả của ông.
Là một trong những người thầy về Phật giáo ở phương Tây, những lời giảng và phương pháp thực hành của Thích Nhất Hạnh đều thu hút nhiều người đến từ các quan điểm về tôn giáo, tâm linh và chính trị khác nhau.
Trong gần 4 thập kỷ sống ở đất khách quê người, Nhất Hạnh là một trong những người tiên phong mang đạo Bụt, đặc biệt là pháp môn chánh niệm đến xã hội phương Tây và góp phần xây dựng một cộng đồng Phật giáo Dấn thân cho thế kỷ 21 với gần 1250 đệ tử xuất gia, hàng triệu đệ tử tại gia và hàng trăm triệu độc giả trên khắp toàn cầu.
Năm 2005, ông được về nước sau nhiều năm xa quê và tiếp đó là vào các năm 2007 và 2008. Ông đã tổ chức các khóa tu thiền cho người Israel và người Palestine, khuyến khích họ lắng nghe và học hỏi lẫn nhau, đồng thời rao giảng lời kêu gọi các quốc gia tham chiến ngừng giao tranh và tìm kiếm các giải pháp bất bạo động cho các xung đột và mâu thuẫn. Đặc biệt trong lần về vào năm 2008, Nhất Hạnh được mời thuyết giảng chính tại lễ Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc.
Với cuộc đời hoạt động không ngừng nghỉ của mình, Thiền sư Thích Nhất Hạnh là nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn thứ 2 ở phương Tây, chỉ sau Đạt Lai Lạt Ma. Tờ Huffington Post vào cuối năm 2012 cũng từng tôn vinh Thiền sư Thích Nhất Hạnh là "con người điềm đạm nhất thế giới".
Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã đưa ra khái niệm "Phật giáo dấn thân". Trong Phật giáo, khái niệm dấn thân có nghĩa là tự nguyện tiến tới và hành động theo một mục đích nhất định, một chủ trương nhất định. Trong đời sống xã hội, có vô số ví dụ về khái niệm trên như kết hôn, nhận con nuôi, nghĩa vụ quân sự bắt buộc, đăng ký đi học, mua nợ, làm từ thiện…
Còn Phật giáo dấn thân, Thiền sư Thích Nhất Hạnh giải thích: "Bạn không thể ngồi trong tu viện khi bom đang được dội xuống chúng sinh. Thiền là nhận thức về những gì đang diễn ra, không chỉ bên trong mà còn xung quanh cơ thể và cảm xúc của bạn...
Phật giáo phải gắn liền với cuộc sống thường nhật, với nỗi đau của bạn và những người xung quanh. Bạn phải học cách giúp đỡ một đứa trẻ bị thương trong lúc duy trì hơi thở chánh niệm. Bạn phải giữ cho bản thân khỏi lạc lối trong hành động. Hành động phải đi cùng thiền."
Cuối năm 2014, Thiền sư Thích Nhất Hạnh trải qua một cơn xuất huyết não và phải nhập viện ở Pháp trong 4 tháng rưỡi. Ông được các bác sĩ, y tá cùng môn đệ tăng cường chăm sóc. Sau khi phục hồi, Nhất Hạnh trở về Trung tâm tu học Làng Mai ở Thái Lan.
Năm 2017, ông về Việt Nam và thăm chùa Từ Hiếu. Ngày 28/10/2018, Thiền sư Thích Nhất Hạnh từ Thái Lan trở về ngôi chùa này tịnh dưỡng và chia sẻ ý nguyện muốn sống tại đây cho đến ngày viên tịch. Vào tiết trời đẹp, thiền sư thường ngồi trên xe lăn đi thiền hành trong khuôn viên chùa.
Lúc 0h ngày 22/1, Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch tại Tổ đình Từ Hiếu, phường Thủy Xuân, TP Huế, thọ 96 tuổi.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là vị lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn nhất nhì ở phương Tây. Ông là người tiên phong xây dựng một cộng đồng Phật giáo Dấn thân cho thế kỷ 21 với gần 1250 đệ tử xuất gia, hàng triệu đệ tử tại gia và hàng trăm triệu độc giả trên khắp toàn thế giới. Nhất Hành cũng nổi tiếng là vị thiền sư tích cực thúc đẩy hòa bình cho nhân loại.
* Profile Tiểu sử Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Tên thật: Nguyễn Xuân Bảo
Pháp danh: Thích Nhất Hạnh
Năm sinh: 11/10/1926
Năm mất: 21/1/2022
Quê quán: Thừa Thiên- Huế
Chuyện đời tư của Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng được khán giả quan tâm nhiều trong thời gian gần đây. Xem chi tiết: Tiểu sử, đời tư và sự nghiệp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Bình luận