Xứ biển miền Trung không chỉ nổi tiếng với những bãi biển xanh trong, khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp mà còn được biết đến bởi nét ẩm thực dân dã, giản dị. Đặc biệt phải kể đến bánh đập - món ăn bình dân luôn có trong "thực đơn" ăn sáng, ăn xế của nhiều người bởi dễ ăn, giá thành rẻ, chỉ cần 10.000-15.000 đồng là đủ lấp đầy chiếc bụng đói.
Bánh đập hay còn được gọi là bánh tráng đập, bánh đập dập, bánh rập, bánh chập... là sự kết hợp tinh tế giữa bánh ướt và bánh tráng nướng. Đây không phải là món ăn cao cấp, được làm từ những nguyên liệu đắt nhưng vẫn đủ sức làm say lòng bất cứ du khách nào. Với hương vị thơm ngon, lạ miệng, bánh đập đã trở thành đặc sản trứ danh và là một trong những món ăn nhất định phải thử.
Món ăn này khá phổ biến ở các tỉnh ven biển miền Trung, từ Quảng Nam cho tới Khánh Hòa nhưng nổi tiếng nhất vẫn là ở Hội An. Vì vậy, nhiều người cho rằng, bánh đập có nguồn gốc từ Hội An. Theo lời kể của những người dân Cẩm Nam (Hội An), bánh đập xuất hiện cách đây chừng 30, 40 năm tại quán "Bánh đập Bà Già". Sau đó, nhiều quán ăn khác mọc lên nối dài ven sông Hoài và khiến Cẩm Nam trở thành làng bánh đập nổi tiếng ở miền Trung.
Theo lí giải của nhiều người, sở dĩ có tên "bánh đập" bởi xuất phát từ cách thưởng thức món ăn. Trước khi ăn, người ta thường dùng tay đập vào giữa rồi ấn xuống cho bánh vỡ ra thành từng mảnh. Phần bánh tráng nướng giòn tan sẽ vỡ ra, dính vào bột mềm bên trong. Người ăn lấy tay cầm một phần vừa đủ rồi chấm vào bát nước chấm và thưởng thức. Tuy nhiên, cũng có người lấy muỗng múc nước chấm chan lên bánh và đưa vào miệng.
Mặc dù là một món ăn bình dân nhưng bánh đập lại có cách chế biến cầu kỳ, công phu. Nếu thưởng thức món ăn này trong các hàng quán lâu năm hoặc lề đường, bạn sẽ được tận mắt quan sát cách chế biến bánh đập của người dân miền Trung. Thông thường, chủ quán thường là các mệ, các bà lớn tuổi do quy trình chế biến món ăn này đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm và sự tinh tế.
Bánh đập gồm 3 lớp: 2 phần bánh tráng khô nướng giòn, ở giữa là lớp bánh ướt mềm. Hầu hết các phần bánh tráng đều được nướng sẵn. Riêng phần bánh ướt sẽ được làm tại chỗ để giữ trọn vẹn hương vị thơm ngon.
Bột làm bánh là bột gạo, được pha nước vừa đủ, không được quá đặc hoặc quá loãng. Sau đó, chủ quán sẽ múc một thìa bột và dàn đều trên khung vải rồi đậy nắp lại cho kín, chờ 1-2 phút. Khi bánh chín phải khéo léo dùng que tre đã vuốt mỏng để lấy bánh ra khỏi khung vải. Bánh ướt được đặt trên một chiếc mâm đã thoa sẵn lớp dầu mỏng, cứ một lớp bánh lại thoa một lớp dầu để bánh không dính vào nhau.
Khi có khách, chủ quán sẽ trải bánh ướt lên chiếc tránh tráng nướng, dàn đều mỡ hành lên là đã xong một chiếc bánh đập. Món ăn này ngon nhất khi ăn kèm với mắm nêm cay cay đậm vị miền biển hoặc nước mắm chua ngọt. Nhiều nơi còn biến tấu, ăn bánh đập kèm thịt nướng, thịt luộc, lòng lợn... đều ngon. Cái giòn rụm của bánh tráng nướng, sự mềm dẻo của bánh ướt hòa quyện vào nhau trong cái đậm đà của mắm nêm, mùi hương thơm phức từ thịt nướng đem lại cho thực khách cảm giác ngon miệng.
Bánh đập chẳng hề gây ngán. Vì vậy, thực khách có thể chén liền một lúc vài cái mà chẳng cần lăn tăn. Ngoài ra, mức giá cho một chiếc bánh đập ngon lành như này rất hợp túi tiền, chỉ dao động từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng. Nếu có dịp du lịch đến các tỉnh ven biển miền Trung, ngoài việc ngắm cảnh, thưởng ngoạn thì bạn đừng quên tìm kiếm và thưởng thức món bánh đập dân dã nhưng lại đậm đà khó quên này nhé!
Bình luận