Người ta không tin Kim Jones làm nên chuyện tại Fendi.
Rồi, BST Couture 2021 là lời đáp trả đanh theo của tân Giám đốc sáng tạo với những kẻ ngờ vực. Khi BST Couture còn chưa kịp hạ nhiệt thì Kim Jones đã bắt tay ngay vào làm BST Ready-to-wear. Hai BST chỉ trong 2 tháng, một cường độ làm việc thật không thể tin được.
Lần đầu tiên đến trụ sở của Fendi vào năm ngoái trước khi nhậm chức, Kim Jones đã được vào thư viện của nhà mốt. Có hai điều thu hút Kim Jones nhất: Vali và áo lông thú. Hai thứ làm nên thương hiệu của Fendi. Chuyến viếng thăm đó cũng tạo nên cảm hứng để Jones sáng tạo BST Ready-to-wear Thu-Đông 2021. Di sản là từ khóa của BST mới nhất này.
Những chiếc vali là điểm khởi đầu của Fendi, nhưng lông thú và đồ da thật mới là bàn đạp để Fendi ghi dấu với giới thời trang cao cấp. Tuy nhiên, đồng thời đây cũng là là điểm yếu "chí mạng" khiến nhà mốt phải hứng chịu nhiều chỉ trích của những nhà bảo vệ động vật.
Trong tình huống nan giải này, cái đầu thông minh của Jones đã đưa ra giải pháp: Tái chế lông thú dạng upcycles. Thay vì sử dụng lông mới, Kim Jones sử dụng những sản phẩm lông thú cũ nhưng chất lượng còn tốt. Từ đó, anh giải quyết được hai vấn đề: Chất lượng sản phẩm song song với bảo vệ động vật. Lông cừu Shearling là một chất liệu mà Kim Jones muốn khai thác. Bản chất việc thu hoạch và chế biến lông cừu không bị lên án như khai thác lông chồn, cáo. Trong khi lông cừu Shearling có độ mịn và chống nước không thua gì những loại lông cao cấp nhất.
Kim Jones đã một lần nữa thành công và chứng minh việc bản thân ngồi vào chiếc ghế lãnh đạo của Fendi hoàn toàn không chỉ do may mắn.
Bình luận